Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Indonesia sẽ 'vượt mặt' Anh, Đức?

Với hành động "mở xích" cho sự năng động của toàn nền kinh tế, nước này có thể vươn lên vị trí thứ 7 thế giới vào năm 2030, vượt Đức và Vương quốc Anh, hai thành viên của nhóm G-7 gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Khi nghĩ về Indonesia ngày nay, hầu hết mọi người nghĩ về những bãi biển và đền thờ hoặc về các thành phố đông đúc nổi tiếng của quốc đảo này, nhưng đất nước của 240 triệu dân này có nền kinh tế hiện đại, đa dạng và năng động hơn nhiều so với những gì các nhà đầu tư và các công ty quốc tế nhìn nhận.

Để khai thác được nhiều nhất tiềm năng khổng lồ của Indonesia, họ sẽ cần thay đổi cách nghĩ về quốc đảo này - bắt đầu từ việc sửa lại 5 quan điểm nhầm lẫn sau.

"Nền kinh tế bất ổn"

Không đúng. Còn xa mới là bất ổn, Indonesia đang tăng trưởng bền vững với tỷ lệ ấn tượng 4 - 6% trong vòng 10 năm qua, không bấp bênh như các nền kinh tế Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc hay bất kỳ nước phát triển nào khác. Nợ công của Indonesia đã giảm 70% trong chỉ một thập kỷ và hiện ở mức thấp hơn nhiều so với con số 85% của các nền kinh tế phát triển.

Lạm phát, từng ở mức trên 30% cách đây 10 năm, giờ dừng lại ở mức 8%, tương đương với con số này ở các nền kinh tế chín muồi hơn như Nam Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ. Quản lý kinh tế của Indonesia cũng đã có tiến bộ đáng kể. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp nước này ở vị trí 25 trong số 139 quốc gia ổn định kinh tế vĩ mô năm 2012, cao hơn rất nhiều so với vị trí 89 hồi năm 2007. Để so sánh, Brazil xếp thứ 62 và Ấn Độ ở thứ 99.

"Không có gì xảy ra ngoài Jakarta"

Không còn đúng nữa. Thành phố thủ đô của Indonesia đóng góp 1/4 vào GDP của quốc đảo này. Nhưng vai trò chủ đạo của Jakarta đang giảm dần. Một số lượng lớn các thành phố cỡ vừa như Bandung và Medan đang tăng trưởng nhanh hơn thủ đô và sẽ là những điểm nóng lớn hơn thu hút các nhà đầu tư và công ty nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội ở Indonesia.

Quá trình đô thị hóa đang lan rộng trên khắp các hòn đảo chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Đến năm 2030, hơn 70% dân số Indonesia sẽ sống trong các khu vực đô thị, tăng so với 50% hiện nay. Từ năm 2012 - 2030, hơn 30 triệu người dự kiến sẽ chuyển từ nông thôn ra thành thị. Các thành phố với số dân từ 2 - 5 triệu người như Bekasi và Surabaya đang tăng trưởng nhanh nhất và có thể cùng nhau góp 27% vào GDP nước này năm 2030. Đến năm 2030, khoảng 90% các thành phố tăng trưởng nhanh nhất Indonesia sẽ nằm ngoài hòn đảo Java, nơi có Jakarta.

"Indonesia không có gì ngoài các tài nguyên thiên nhiên"

Không đúng nếu nhìn kỹ hơn. Rõ ràng là Indonesia cực kỳ giàu tài nguyên thiên nhiên. Đây là nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, xuất khẩu than đá lớn thứ hai thế giới, và sản xuất cacao và thiếc lớn thứ hai thế giới. Nước này có trữ lượng nickel và bauxite lớn thứ tư và thứ bảy thế giới. Indonesia cũng có nhiều nguồn tài nguyên địa nhiệt nhất thế giới.

Và tất nhiên, quốc đảo này cũng giàu tài nguyên dầu thô và khí tự nhiên. Nhưng dầu và khí chỉ chiếm 11% GDP - tương đương với mức ở Nga. Trên thực tế, Indonesia là nước nhập khẩu dầu ròng từ năm 2004. Có thể hơi ngạc nhiên đối với các nhà quan sát khi một nửa GDP nước này đến từ các lĩnh vực dịch vụ như dịch vụ tài chính (đặc biệt là tiết kiệm và đầu tư), bán lẻ và viễn thông. Indonesia cũng là nhà sử dụng Facebook lớn thứ tư thế giới - một mảnh đất đầy hứa hẹn đối với phát triển thương mại điện tử.

"Một con hổ châu Á điển hình"

Sai. Nền kinh tế Indonesia không dựa vào xuất khẩu - một đặc trưng lớn của hầu hết các con hổ châu Á. Xuất khẩu của Indonesia chỉ góp 35% GDP, và nếu trừ xuất khẩu hàng hóa, thì chỉ còn 16%. Ngược lại, tiêu dùng nội địa mới là động lực chính của nền kinh tế nước này. Với một tỷ lệ tăng dân số 5 - 6%, cho tới năm 2030, mỗi năm có thêm 90 triệu người tham gia "tầng lớp tiêu dùng". (Người tiêu dùng là những cá nhân kiếm được 10 USD/ngày, có đủ tiền để sử dụng tùy ý, không chỉ dùng vào các nhu cầu thiết yếu).

Tỷ lệ tăng người tiêu dùng như vậy nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác trên thế giới, không kể Ấn Độ và Trung Quốc, và chính là bằng chứng cho thấy cơ hội phát triển thị trường mà Indonesia mở ra. Tỷ lệ người tiêu dùng ngày càng tăng sẽ thúc đẩy các thị trường nội địa, từ đó thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Chính người tiêu dùng trong nước là "cái khiên" bảo vệ nền kinh tế Indonesia tránh khỏi những rối loạn của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và suy thoái toàn cầu gần đây. Tăng trưởng dựa trên phát triển lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng sẽ đảm bảo rằng nền kinh tế Indonesia không dễ bị tổn thương trước các cú sốc trong tương lai.

"Tăng dân số là bí mật của sự nổi lên của nền kinh tế"

Đúng và không đúng. Indonesia trên thực tế có dân số trẻ và đang phát triển, có thể lên tới 280 triệu người vào năm 2030 từ mức 240 triệu hiện nay. Và nhân khẩu học góp 2,4% cho tăng trưởng của toàn nền kinh tế đến năm 2030. Nhưng không phải dân số là động lực của tăng trưởng ở Indonesia, mà sản lượng mới đóng vai trò này.

Trong 20 năm trở lại đây, sản lượng lao động tăng đã tạo ra hơn 60% tăng trưởng kinh tế, với phần đóng góp lớn nhất đến từ lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, thiết bị vận tải và đồ dùng thí nghiệm khoa học, cũng như vận tải và viễn thông. Ngược lại với hiểu biết thông thường rằng sản lượng tăng ảnh hưởng tới việc tuyển dụng nhân công, ở Indonesia cả hai mặt này đều tăng 35 năm trong vòng 51 năm qua.

Để đạt được các tham vọng của chính phủ là tăng trưởng hàng năm 7%, Indonesia cần làm nhiều hơn những gì đã làm được trong quá khứ. Sản lượng cần tăng 60%, hơn mức đã đạt được từ năm 2000. Đây là thách thức nhưng có thể đạt được. Nếu Indonesia thúc đẩy sản lượng và dỡ bỏ các hàng rào ngăn chặn tăng sản lượng và tăng trưởng trong ba lĩnh vực chính - dịch vụ tiêu dùng, nông nghiệp và tài nguyên - và tăng kỹ năng của toàn nền kinh tế, thì họ có thể thúc đẩy tăng trưởng và tặng cho các nhà đầu tư nước ngoài một cơ hội thị trường trị giá 1.800 tỷ USD vào năm 2030.

Indonesia đang ở một thời điểm quan trọng. Nền kinh tế nước này đã phát triển ấn tượng hơn trong thập kỷ qua so với nhiều nước khác - và so với chính nó. Nhưng để dựa trên thành quả này, Indonesia sẽ cần phát triển sản lượng trong các lĩnh vực chìa khóa của nền kinh tế.

Ngày nay, nền kinh tế quốc đảo này đang đứng thứ 16 thế giới, nhưng với hành động "mở xích" cho sự năng động của toàn nền kinh tế, nước này có thể vươn lên vị trí thứ 7 thế giới vào năm 2030, vượt Đức và Vương quốc Anh, hai thành viên của nhóm G-7 gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới./.
 

Tác giả: Châu Giang theo foreign policy
Nguồn:: Tuần Việt Nam

 

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Ván bài năng lượng của Putin
  • Ấn Độ không cho phép mình câm điếc giữa Mỹ và Trung Quốc
  • Trung - Ấn: 'Bệnh tưởng Malacca' và 'thế tiến thoái lưỡng nan Hormuz'
  • Trung - Ấn: Ngoại giao - tranh cãi, quân sự - sẵn sàng
  • Brics: Những người hùng đang yếu dần
  • Cuộc khủng hoảng tiếp theo của nước Mỹ: Thế hệ baby - boomers "ăn bám"
  • Căn cơ và sáng tạo: Mô hình vượt khủng hoảng của các quốc gia
  • Trung Quốc có phải là nước giàu?