Căng thẳng Mỹ - Trung xoay quanh vấn đề đồng nhân dân tệ phần nào phản ánh một thực tế rộng lớn hơn, đó là sự mất cân bằng trong nền kinh tế toàn cầu giữa một bên là các nền kinh tế phát triển gồm Mỹ, phương Tây và Nhật Bản và một bên là các nền kinh tế mới nổi, chủ yếu là Trung Quốc, Brazil, Nga và Ấn Độ.
Ai đúng, ai sai?
Mất cân bằng thể hiện rõ nhất ở tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Trong khi các nền kinh tế phát triển đang gặp rất nhiều khó khăn với tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế rất thấp thì các nền kinh tế mới nổi lại có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và sự phục hồi tốt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đó còn là sự mất cân bằng trong tính đại diện của các nước phát triển và đang phát triển trong Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nơi mà các nước phát triển vẫn giữ vai trò chi phối.
Mất cân bằng còn thể hiện ở chỗ các nước phát triển chỉ trích các nước mới nổi lệ thuộc quá lớn vào xuất khẩu mà ít chú ý tới việc phát triển thị trường nội địa, gây ra tình trạng thâm hụt thương mại triền miên, làm mất công ăn việc làm và làm trầm trọng thêm vấn đề nợ công ở nhiều nước công nghiệp hóa. Trong khi đó, các nước mới nổi lại chỉ trích các nước giàu đã chi tiêu quá nhiều, tiết kiệm ít, gây ra tình trạng mất cân bằng về ngân sách dẫn đến khủng hoảng… Chưa cần bàn tới việc ai đúng, ai sai trong các lập luận chỉ trích lẫn nhau trên đây, các nước đều thấy rõ nhu cầu cấp thiết phải sớm điều chỉnh để thiết lập “sự cân bằng” nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại do va chạm lợi ích gây ra.
Khó tìm tiếng nói chung
Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới, mỗi khi xuất hiện sự mất cân bằng, các nước lớn đều tìm cách tái lập sự cân bằng, nhưng đó là sự cân bằng tương đối có lợi cho họ, chứ không phải là một khái niệm tuyệt đối theo nghĩa thông thường. Vào những năm 1980, khi Mỹ và các nước phương Tây cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của Nhật Bản khi đó đã tạo ra sự mất cân bằng, Mỹ và phương Tây đã gây sức ép, buộc Nhật ký Hiệp ước Plaza (1985) để tăng giá trị đồng yên, đánh trực tiếp vào hàng xuất khẩu của Nhật nhằm tái lập cái họ cho là “sự cân bằng”. Trong lĩnh vực thương mại ô-tô, Mỹ còn buộc Nhật “hạn chế xuất khẩu tự nguyện” để giảm lượng ô-tô và phụ tùng ô-tô nhập vào Mỹ...
Vấn đề hiện nay không đơn giản như vậy. Các nước phát triển hiện khó có thể thành công nếu hành động đơn phương. Thực tế đã cho thấy bất chấp sức ép to lớn và ngày càng tăng của Mỹ và phương Tây cả trên bình diện song phương và đa phương, Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách đối với đồng nhân dân tệ do lo ngại sự sụp đổ của lĩnh vực xuất khẩu có thể dẫn tới thất nghiệp hàng loạt và gây ra mất ổn định xã hội. Đây là vấn đề sinh tử của nền kinh tế Trung Quốc. Giải quyết riêng lẻ vấn đề tỷ giá hối đoái hoặc vấn đề thâm hụt thương mại… cũng không thể giúp khắc phục được sự mất cân bằng vốn đã trầm trọng hiện nay.
Sẽ là tốt hơn rất nhiều nếu tất cả các bên cùng ngồi lại, đưa ra một gói các biện pháp cải cách cấu trúc toàn diện về kinh tế có lợi cho tất cả các bên, trong đó các nước mới nổi cần tiêu dùng nhiều hơn, chú trọng hơn nữa thị trường nội địa chứ không chỉ phụ thuộc chủ yếu vào lĩnh vực xuất khẩu. Các nước mới nổi, nhất là Trung Quốc, cũng cần cải tổ lĩnh vực ngoại hối nhằm đảm bảo sự hài hòa lợi ích trong quá trình phát triển. Trong khi đó, các nước phát triển cần tiết kiệm nhiều hơn, phải giảm bội chi ngân sách và thúc đẩy xuất khẩu…
Cuối cùng thì một thỏa thuận mang tính bước ngoặt của IMF cũng đã đạt được, các nền kinh tế mới nổi đã thỏa mãn mong muốn tăng tính đại diện hơn tại tổ chức kinh tế hàng đầu này, cho thấy vai trò ngày càng tăng của các nước này trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên sau đây có thể có những thay đổi gì? Toàn thế giới đang mong đợi ở họ.
Tất nhiên, tại thời điểm hiện nay, rất khó để đạt được sự cân bằng kinh tế toàn cầu đích thực, nhưng chí ít các nước cũng cần hợp tác để hướng tới sự cân bằng tương đối nhằm đảm bảo lợi ích của tất cả các bên và giúp nền kinh tế thế giới tránh rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng mới.
(Thế giới & Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com