Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế thế giới ở trong trạng thái tồi tệ nhất kể từ năm 2009

6/17 nước sử dụng đồng euro đang suy thoái. Kinh tế Mỹ chao đảo trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil - những “siêu sao” của các nền kinh tế đang phát triển – không thể vực dậy kinh tế toàn cầu.

Các nền kinh tế trên toàn thế giới chưa bao giờ được gắn kết chặt chẽ với nhau đến vậy. Khi một khu vực yếu đi, các khu vực khác cũng yếu theo. Đó là lí do giải thích vì sao châu Âu suy giảm lại gây tổn thương cho các nhà máy ở Trung Quốc và kéo theo hoạt động khai thác mỏ sụt giảm ở Brazil.
 
Khắp nơi trên thế giới, từ các nhà sản xuất ô tô cho đến các công ty công nghệ, doanh số bán hàng sụt giảm mạnh mẽ mà nguyên nhân chủ yếu nằm ở  thị trường Trung Quốc và châu Âu.
 
Giờ đây, một số người đưa ra dự đoán thế giới đang bước vào một cuộc suy thoái mới. Các NHTW Anh, Trung Quốc, Brazil, Hàn Quốc và ECB đều đã cắt giảm lãi suất trong những tháng qua với hy vọng sẽ kích thích được tăng trưởng. Các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng được đưa ra dồn dập và không chỉ dừng lại ở cắt giảm ngân sách hay giảm nợ.
 
Tuy nhiên, dường như các biện pháp này không thể phát huy tác dụng như mong muốn. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là đầu tàu kéo cả thế giới ra khỏi suy giảm, giờ đây cũng cần giúp đỡ. Đã 3 năm sau khi khủng hoảng chính thức chấm dứt, kinh tế Mỹ vẫn không thể lấy lại đà tăng trưởng. Tỷ lệ tăng trưởng vẫn ở mức thấp trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 8,2% trong tháng 6 và đã có tháng thứ 41 liên tiếp ở mức trên 8%. Trong khi đó, nguy cơ rơi vào vách đá tài khóa đang cận kề. 
 
Thách thức đối với kinh tế châu Âu còn trầm trọng hơn rất nhiều. Châu lục này đối mặt với nợ công tăng cao, các ngân hàng "sống dở chết dở" và tăng trưởng kinh tế yếu ớt. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 11% - cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 1999.
 
Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italia và Tây Ban Nha đã rơi vào suy thoái. Ở Đức và Pháp, tình hình có vẻ sáng sủa hơn những tốc độ tăng trưởng bị sụt giảm đáng kể. Các ngân hàng châu Âu bị mắc kẹt trong các khoản nợ xấu bất động sản và trái phiếu chính phủ với lãi suất tăng vọt. Nỗ lực bơm tiền của các ngân hàng không có tác dụng bởi người kinh doanh cũng như người tiêu dùng hoài nghi về tương lai. 
 
Tốc độ tăng trưởng thấp nhất 3 năm (7,6% trong quý II) của Trung Quốc chính là đòn mới nhất giáng vào kinh tế toàn cầu. Những nước như Trung Quốc cần phải tăng trưởng mạnh để đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng nhanh và hàng triệu nông dân rời bỏ ruộng vườn di cư lên thành phố. Tuy nhiên, kinh tế nước này đã suy giảm 8 quý liên tiếp - thời kỳ suy giảm dài nhất kể từ năm 1992. 
 
Brazil - 1 ngôi sao khác của các nền kinh tế mới nổi - cũng suy giảm nghiêm trọng. Kinh tế nước này được dự đoán chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm 2012. Sự suy giảm của Trung Quốc khiến nhu cầu về đậu tương và quặng sắt xuất khẩu từ Brazil lao dốc. 
 
Không những thế, Brazil còn gặp vấn đề với nợ tiêu dùng theo kiểu Mỹ. Kể từ năm 2003, khoảng 40 triệu người Brazil đã gia nhập vào tầng lớp trung lưu và mang lại "luồng gió mới" cho tiêu dùng. Tuy nhiên, trong một báo cáo được công bố tuần trước,  Capital Economics đã ước tính số tiền trả nợ chiếm tới 20% thu nhập của các hộ gia đình ở Brazil. 
 
Tương tự, bức tranh không có gì sáng sủa hơn đối với Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Kinh tế chỉ tăng trưởng 5,3% trong quý I vừa qua, thấp nhất 9 năm. 
 
Sự giảm tốc của các nền kinh tế đang phát triển khiến các nền kinh tế lớn như châu Âu và Mỹ khó có thể thoát khỏi vấn đề của chính mình. Ngược lại, nếu các nước giàu có chỉ tăng trưởng yếu ớt, chắc chắn các nước đang phát triển cũng không thể tìm lại được tốc độ tăng trưởng vượt bậc trước đó. 
 
"Trong thế giới kết nối toàn cầu như hiện nay, chúng ta không thể chỉ xem xét những gì đang diễn ra ở từng nước. Cuộc khủng hoảng này không phân biệt biên giới mà đang gõ cửa tất cả các quốc gia trên thế giới." Đó là nhận định được bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF đưa ra hồi đầu tháng này.

Minh Anh

Theo TTVN/AP

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Kiếm tiền ở đâu “sướng” nhất thế giới?
  • Nhân viên ngân hàng châu Âu đổ xô đến Singapore tìm việc
  • Hàng giả Trung Quốc đang đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ
  • Mỹ có thể học gì từ Singapore?
  • Kinh tế sa sút, dân trí thức phải làm việc tay chân
  • Giá thuê siêu du thuyền giảm mạnh cùng “bão nợ”
  • “Giấc mơ Mỹ giờ là chuyện cổ tích”
  • Nước nào ở châu Á sẽ chịu cú sốc lớn nhất nếu eurozone tan vỡ?