Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế thế giới trong tuần: Trung Quốc, lạm phát và lãi suất

Kinh tế thế giới năm 2010 chứng kiến nhiều chuyển động, nhiều biến động mà các nhà kinh tế cũng không dự báo trước được.

Cũng có thể gọi năm 2010 là năm đặc biệt đối với kinh tế thế giới khi sự tăng trưởng được kỳ vọng đầu năm không được duy trì mà còn có chiều hướng không thuận lợi vào cuối năm.

Khủng khoảng nợ công ở Châu Âu, đồng Yên tăng giá mạnh ở Nhật Bản, kích thích kinh tế ở Mỹ và lạm phát tăng cao ở Trung Quốc...đã tạo nên hình ảnh kinh tế thế giới cuối năm 2010 với nhiều lo toan, nhiều trăn trở.

Nước Mỹ vẫn tìm mọi cách từ "bơm tiền", giảm giá USD cho đến cắt giảm thuế để kích kinh tế. Trung Quốc tuy tăng trưởng cao, có vị trí kinh tế thứ 2 thế giới nhưng lạm phát cao đang "gõ cửa" và chứa đựng nhiều nguy cơ lớn, chưa lường hết được cho nền kinh tế. Châu Âu vất vả với "cuộc chiến" nợ công và tương lai u ám của đồng Euro. Nhật Bản ngoài việc bơm 600 tỷ Yên lại tiếp tục giảm thuế cho các doanh nghiệp.

Mỹ: Các thông tin được loan báo trong tuần đều phản ánh tình trạng kinh tế Mỹ sau khi được "bơm tiền".

“Các số liệu từ cuộc họp tháng 11 đến nay khẳng định một điều rằng đà phục hồi kinh tế đang tiếp tục, nhưng với tốc độ không đủ để cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp”, là thông báo của UB thị trường Mở liên bang.

Với tín hiệu như vậy, thay đổi lãi suất là điều chưa cần thiết, vẫn dao động ở mức 0-0,25%. Sự hiệu quả của việc "bơm tiền" do FED là tác giả cũng không phải ai cũng tin tưởng.

"Chúng ta đang tiến gần hơn tới cuộc khủng hoảng này, nếu xảy ra nó sẽ tác động tất cả mọi người vì USD là đồng tiền quan trọng. Tôi nghĩ chúng ta đang tiến đến giai đoạn rất nguy hiểm”, lãnh đạo cơ quan giám sát FED tại Hạ viện, ông Ron Paul bày tỏ quan điểm.

Trong một diễn biến khác, 151 ngân hàng (nhiều hơn năm 2009 11 ngân hàng) bị đóng cửa trong năm 2010 là con số không thể lạc quan cho hệ thống ngân hàng Mỹ mặc dù luật Cải cách phố Wall được ban hành.

Hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn trong giai đoạn tái cơ cấu sau khủng khoảng, thời gian và hiệu quả thì chưa thể xác định và chưa thể nói trước.

Trong tuần, lĩnh vực thuế là nơi Tổng thống B.Obama "ghi điểm", với sự thông qua của 2 viện Quốc Hội, luật cắt giảm thuế gây nhiều tranh cãi và trị giá 858 tỷ USD chỉ còn chờ Tổng thống ký ban hành.

Theo dự luật trên, 2% thuế thu nhập sẽ được cắt giảm trong năm 2011, chương trình trợ cấp thất nghiệp được kéo dài thêm 13 tháng...là những chủ đề được dư luận quan tâm nhất.

Cũng phải nói thêm, sự chia rẽ giữa đảng Cộng hòa (ủng hộ) và đảng Dân chủ (phản đối) về dự luật này ở Hạ viện được thể hiện qua 148 phiếu chống phản ánh quan điểm khác nhau về điều hành kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên trong dự luật này, Tổng thống B.Obama và đảng Cộng hòa đã có chung tiếng nói, điều hiếm thấy trong nền chính trị Mỹ.

Trung Quốc: Lạm phát đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với Trung Quốc vào thời điểm này.

Trong khi các nền kinh tế lớn khác lạm phát đều ở mức thấp, thậm chí giảm phát thì Trung Quốc lại có dấu hiệu ngược chiều, không đúng với vai trò và vị trí của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới.

Theo thông báo mới nhất, lạm phát tháng 11 đạt 5,1%, cao hơn dự báo của nhiều nhà kinh tế (4,7%). Nếu so với các nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc ở vị trí quán quân khi nói về tăng trưởng GDP và chỉ số CPI.

Lạm phát cao báo hiệu những nguy cơ lớn cho kinh tế và đòi hỏi Trung Quốc phải có những biện pháp mạnh khi chưa quá muộn. Ngoài việc tăng lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc, Trung Quốc cần phải tính đến việc định giá dồng NDT.

Theo đó trong năm 2011 có thể lãi suất và dự trữ bắt buộc tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Ngoài ra giá trị đồng NDT đang được điều chỉnh tăng khoảng 2,6% hiện nay sẽ lên 4-5% trong năm tới.

Nếu như vậy, hệ quả của các biện pháp kiềm chế lạm phát sẽ tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc và câu chuyện tăng trưởng của đất nước đông dân nhất thế giới sẽ bị thử thách nghiêm trọng.

Đối với kinh tế trong nước, giá cả lên cao, lãi suất tăng cao...sẽ làm tăng chi phí, giảm đầu tư và hạn chế chi tiêu. Đối với hoạt động XNK, thặng dư thương mại sẽ giảm dần do đồng NDT được điều chỉnh theo hướng tăng so với đồng USD.

Tất cả tạo cho kinh tế Trung Quốc vào năm 2011 sẽ khó khăn hơn và nhiều thử thách hơn năm 2010.

Phản ánh những khó khăn trong điều hành kinh tế vĩ mô, Thống đốc ngân hàng Trung ương, ông Chu Tiểu Xuyên cho rằng “Phần lớn các ngân hàng trung ương đều tiến thoái lưỡng nan trong chính sách tiền tệ.  Họ chỉ có trong tay những công cụ giới hạn, nhưng phải cố gắng để thỏa mãn nhu cầu của mọi nhóm lợi ích khác nhau”.

Một giáo sư tài chính, ông Trần Trí Vũ dự báo "Kinh tế nhà nước và chính quyền địa phương sẽ là nơi xảy ra những vấn đề tương lai" và "Đó sẽ là khởi nguồn của những rắc rối thực tế với ngân hàng và hệ thống tài chính".

Câu chuyện lạm phát cao và chống lạm phát ở Trung Quốc cho chúng ta hiểu đây là vấn đề kinh tế, vấn đề vĩ mô không hề đơn giản, tốt nhất đừng để xảy ra.

Châu Âu: Khủng khoảng nợ công tại Ireland và số phận đồng Euro vẫn là tâm điểm của Châu Âu hiện nay.
Theo thông báo mới nhất, Ireland đã được IMF "tiếp sức" khi được vay 22,5 tỷ Euro (khoảng 30 tỷ USD) nhằm xử lý khủng khoảng.

Một đất nước nhỏ như Ireland mà cần chương trình giải cứu có qui mô lớn với sự tham gia nhiều định chế tài chính lớn báo hiệu sự mong manh, thiếu ổn định không chỉ diễn ra tại Hy Lạp, tại Ireland và nhiều nước Châu Âu khác thuộc khu vực Eurozone.

Càng xảy ra khủng khoảng, chúng ta lại càng thấy sự khác nhau giữa các nước thuộc khu vực Eurozone. Phía Bắc với Đức, Pháp, Hà lan...nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và khu vực phía Nam là vòng cung phát triển kém hơn gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp...

Do vậy khi khủng khoảng xảy ra, quan điểm và cách thức xử lý cũng có nhiều khác biệt. Hơn thế nữa đồng tiền chung nhưng chính sách kinh tế và điều hành tiền tệ có sự khác nhau cũng làm giảm hiệu quả của các giải pháp được thông qua trong thời gian qua.

Có lẽ khu vực Eurozone cần đưa ra mô hình và cơ chế vận hành mới, khác trước mới hy vọng xử lý kịp thời các khủng khoảng trong tương lai.

Trong một diễn biến mới nhất, liên minh Châu Âu đã được nhóm họp tại Bressels (Bỉ) và cam kết lập Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) vào năm 2013 nhằm ứng phó với khủng hoảng lâu dài.

Đây có thể là một trong nhiều giải pháp nhằm "xốc lại đội hình" Châu Âu khi vừa chịu 2 cuộc khủng khoảng tàn phá. Được biết ESM sẽ có qui mô lớn hơn và chủ động hơn trong việc hỗ trợ các nước thành viên cũng như duy trì vị trí đồng Euro.

Tin tưởng Châu Âu sẽ an toàn hơn khi thành lập ESM, Chủ tịch EU, ông Herman Van Rompuy tuyên bố sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ đồng euro, đảm bảo sự ổn định tài chính của Eurozone.

Nhật Bản: Một tin tốt cho Nhật Bản khi công bố GDP quí 3 đạt 3,9%. Đây là con số đã được điều chỉnh và có ý nghĩa khích lệ cao khi sức ép đối với kinh tế Nhật vẫn chưa giảm.

Theo tính toán, tuy tăng trưởng tốt trong quí 3 nhưng Nhật vẫn "nhường" vị trí thứ 2 thế giới cho Trung Quốc nếu tính GDP danh nghĩa của Nhật chỉ là 1.372 tỷ USD, trong khi của Trung Quốc đạt 1.415 tỷ USD.

Để kinh tế tăng trưởng, Nhật không chỉ ban hành gói kích thích trị giá 600 tỷ Yên mà còn có những giải pháp khác. Theo đó giảm thuế doanh nghiệp xuống mức 25-30 % trong vòng 10 năm tới là mục tiêu của Chính phủ Nhật.

Nếu giải pháp này được thực thi, doanh nghiệp của Nhật sẽ hưởng lợi và sức cạnh tranh của kinh tế Nhật được nâng lên. Được biết thuế doanh nghiệp của các nước lớn dao động từ 25-35%.

Các giải pháp nêu trên được ban hành khi dự báo kinh tế quí 4 của Nhật không được sáng sủa, xuất khẩu chỉ tăng 7,8% trong tháng 10, sản xuất công nghiệp tiếp tục giảm, thất nghiệp tăng 5,1%.

Kinh tế thế giới dần đi hết năm 2010, còn nhiều vấn đề kinh tế cần được phân tích cụ thể, nhưng điều có thể khẳng định, bất ổn khi nói về kinh tế thế giới hiện nay.

(tamnhin)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Giấc mộng Trung Hoa: Cường quốc số một - Người Trung Quốc chuẩn bị tốt chưa?
  • Lợi ích an sinh xã hội toàn diện vẫn ngoài tầm với
  • Kinh tế thế giới vẫn sẽ ảm đạm trong hai năm tới
  • Kinh tế 24h qua: Đổ xô mua Nhân dân tệ
  • Báo động về hệ sinh thái các vùng nhiệt đới
  • Tiêu điểm trong tuần: Đấu pháo liên Triều: Mọi con mắt đổ dồn về Trung Quốc
  • 2010- năm kỷ lục về thời tiết khắc nghiệt
  • Kinh tế 24h qua: "Tiến sỹ bất hạnh" hết nói gở