Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiêu điểm trong tuần: Đấu pháo liên Triều: Mọi con mắt đổ dồn về Trung Quốc

Sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc nã pháo vào lãnh thổ của nhau, từ Washington đến Matxcơva, từ Paris đến London, tất cả các thành viên còn lại trong Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đều tố cáo hành vi gây hấn. Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào Bắc Kinh, cường quốc bảo trợ cho Bình Nhưỡng không chỉ trong các tình huống gay cấn như hiện nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae Young hôm 25.11 tuyên bố từ chức sau khi bị chỉ trích và Tổng thống Lee Myung Bak đã chấp nhận. Theo đó, ông Kim từ chức để nhận trách nhiệm về việc phía Bắc bắn pháo vào đảo Yeonpyeong khiến bốn người thiệt mạng. Trong ảnh: người dân tập trung tại khu tạm trú sau khi được di tản khỏi đảo Yeonpyeong. Ảnh: Reuters

Nguyên cớ cuộc đấu pháo thì chính phía Triều Tiên đã nói rõ là muốn cảnh báo Hàn Quốc về vụ tập trận Mỹ – Hàn vào cuối tuần này. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn phải kể đến là Triều Tiên không muốn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng lại vẫn muốn trở lại đàm phán sáu bên để đưa ra các mặc cả về ngoại giao. Vì vậy, Triều Tiên cần thế giới chú ý đến mình! Những khúc mắc trong nội bộ lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể là một lý do gián tiếp, vì dư luận chú ý đến việc hai cha con ông Kim đi thăm hiện trường nơi đấu pháo.

Nghe nhạc hiệu

Từ hôm 23.11 cho đến nay, ngày càng có nhiều tiếng nói đồng thanh lên án việc CHDCND Triều Tiên bắn cả trăm quả đại bác vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, coi đấy là một hành động khiêu khích. Nhưng Trung Quốc, nước được cho là có ảnh hưởng nhiều nhất đối với Triều Tiên thì lại tuyên bố rất chừng mực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm xảy ra sự cố chỉ bày tỏ thái độ “quan ngại” và kêu gọi một cách chung chung là “hai bên nên cố gắng thúc đẩy hoà bình”.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có thái độ nhẹ nhàng như vậy đối với Triều Tiên. Bắc Kinh từng nhất mực bênh vực Bình Nhưỡng trong vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị chìm. Một uỷ ban điều tra quốc tế sau đó đã kết luận là chiến hạm này bị trúng ngư lôi của Bắc Triều Tiên. Cho dù vậy, Trung Quốc vẫn không lên án Triều Tiên, ngược lại, tuyên bố sẽ cho tiến hành một cuộc “điều tra riêng”, mà kết quả cho đến lúc này vẫn chưa hề được công bố.

Giải thích về nguyên nhân khiến Bắc Kinh thường xuyên hậu thuẫn Bình Nhưỡng, giới quan sát đã nêu bật chủ trương của Trung Quốc, muốn duy trì tình hình ổn định tại vùng biên giới phía đông bắc. Bắc Kinh lo ngại rằng một khi tình hình vượt khỏi sự kiểm soát, Bình Nhưỡng sụp đổ, thống nhất hai miền, thì làn sóng người tị nạn Bắc Triều Tiên có thể tràn qua Trung Quốc, trong lúc quân đội Mỹ lại có thể áp sát biên giới của họ.

Chính vì muốn duy trì nguyên trạng mà thời gian qua, Bắc Kinh đã luôn luôn bảo vệ Bình Nhưỡng trên trường quốc tế, đồng thời tiếp tục viện trợ kinh tế cho Triều Tiên để tránh một sự sụp đổ không mong đợi.Thế nhưng, việc Triều Tiên tiếp tục sử dụng biện pháp quân sự nhắm vào Hàn Quốc đã tạo ra nguy cơ xung đột lớn giữa hai bên, làm cho vùng trái độn này mất ổn định, thì điều này lại trái ngược với chủ trương của Bắc Kinh.

Đoán chương trình của các bên

Tổng thống Mỹ Barack Obama bị đánh thức vào lúc 4 giờ sáng ngày 23.11 bởi tin tức về vụ nã pháo nói trên, đã khẳng định Washington bảo vệ Seoul bằng mọi giá: “Hàn Quốc là đồng minh thân cận của Mỹ. Washington chắc chắn sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ đồng minh của mình”. Tuy cam kết bảo vệ Hàn Quốc, nhưng theo các chuyên gia châu Á thuộc viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ không thể phản ứng quá mạnh, mà chỉ kêu gọi các nước khác tăng sức ép đòi Triều Tiên chấm dứt các hành động khiêu khích.

Sự cố tàu Cheonan/Hàn Quốc chìm hôm 26.3, cuộc va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đầu tháng 9 vừa qua và cuộc đấu pháo mới đây đều có thể được sử dụng để thuyết phục người dân trong vùng về sự cần thiết phải có “chiếc ô an ninh” của Mỹ. Mỹ có thể hiện diện quân sự một cách đường đường chính chính, dưới cái nhìn ít ác cảm hơn từ người dân bản địa.

Vấn đề các nhà phân tích đặt ra vào hiện nay là liệu Trung Quốc có khả năng tác động đến Bắc Triều Tiên đến đâu? Theo nhóm nghiên cứu Á – Âu (Eurasia Group) trụ sở tại Mỹ, thì Trung Quốc có thể nói riêng với Triều Tiên là cần phải xuống thang. Tuy nhiên, kết quả của các hành động gây sức ép của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng trong thời gian qua rất khiêm tốn. Trung Quốc đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Ông Robert Shaw, chuyên gia từ trung tâm Nghiên cứu James Martin ở California, đã nhận định: chính quyền Trung Quốc trong thâm tâm không đồng ý với hành động quân sự mới đây của Triều Tiên. Hành động của Bình Nhưỡng đẩy Bắc Kinh vào tình thế khó xử, khi mà cả Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cũng như nhiều thành viên trong cộng đồng quốc tế đều yêu cầu Trung Quốc gia tăng sức ép để buộc Triều Tiên chấm dứt các hành động gây căng thẳng. Nhưng động thái thuyết phục Triều Tiên của Trung Quốc còn có những lý lẽ khác.

Giới quan sát còn cho rằng, bài toán kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc đang được Mỹ đẩy lên tầm cao hơn với chủ trương kéo các nước trong khu vực Đông Á tham gia các hoạt động diễn tập quân sự, từ đó hình thành một kiểu cơ cấu quân sự tuỳ thuộc lẫn nhau tạo sức răn đe và đánh đòn tâm lý, buộc Trung Quốc phải căng sức trên nhiều hướng tác chiến.

(Theo Hoàng Dũng Nhân/sgtt)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • 2010- năm kỷ lục về thời tiết khắc nghiệt
  • Kinh tế 24h qua: "Tiến sỹ bất hạnh" hết nói gở
  • Giấc mộng Trung Hoa: Thế giới dự đoán về Trung Quốc
  • Các nước đang phát triển được tăng tài trợ năng lượng
  • Kinh tế 24h qua: U ám và căng thẳng
  • Phục hồi việc làm trên toàn cầu không đồng đều
  • Năm 2011: Nhu cầu hợp nhất tài chính tại nhiều quốc gia có thể gia tăng
  • Morgan Stanley dự báo năm 2011 giá hàng hoá chủ chốt tiếp tục tăng