Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quốc tế tuần 24-30/5: Cam kết và chờ đợi

Tuần qua, cộng đồng quốc tế đã được chứng kiến nhiều cam kết mới, như vấn đề đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, OECD giảm thâm hụt ngân sách, các nước châu Âu đồng loạt thắt lưng buộc bụng, CIC tiếp tục đầu tư vào châu Âu...

Những thông tin này đã phần nào khích lệ các thị trường trên toàn cầu. Dưới đây là một số những cam kết đáng chú ý đã được các nước đưa ra trong tuần.

Tín hiệu mới. Hôm 24/5, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục xúc tiến cải cách việc định hình cơ chế tỷ giá đồng Nhân dân tệ theo nguyên tắc "tự quyết, trong tầm kiểm soát và từng bước". Frank Lavin, cựu quan chức thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy, Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề tiền tệ dù nước này chưa sẵn sàng nâng giá. Trung Quốc đang cố gắng thể hiện rằng, họ hiểu việc điều chỉnh tỷ giá hay không đang được các bên quan tâm.

Tiếp tục đầu tư. Hôm 27/5, ông Gao Xiqing, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư nhà nước Trung Quốc (CIC), khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào châu Âu bất chấp khủng hoảng nợ tại châu lục này. “Những biến động ngắn hạn không thể có nhiều ảnh hưởng lên hoạt động đầu tư của chúng tôi”, ông Gao nói. Theo ông, CIC hiện đang đương đầu với một số khó khăn trong hoạt động đầu tư tại châu Âu, bao gồm sự cạnh tranh từ các quỹ thịnh vượng khu vực này. Trước đó, thông tin Trung Quốc giảm đầu tư vào châu Âu đã khiến nhà đầu tư Mỹ lo lắng, Dow Jones mất mốc 10.000 điểm trong phiên 26/5.

Tăng trưởng bền vững. Trong tuyên bố chung bế mạc cuộc họp cấp bộ trưởng thường niên cuối tuần qua, các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách, nhưng không để ảnh hưởng đến tăng trưởng. Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các kế hoạch phối hợp tài khóa đáng tin cậy và minh bạch trong trung hạn. OECD cho rằng, tình hình tài chính của hầu hết thành viên đã xấu đi đáng kể, do khủng hoảng và dân số già hóa, nên tổ chức này cần tăng trưởng bền vững hơn.

Không sụp đổ. Phát biểu tại Brazil hôm 25/5, khi được hỏi về liệu khủng hoảng nợ tại Hy Lạp có khả năng gây ra hiệu ứng dây chuyền và đẩy đồng Euro vào hiểm cảnh hay không, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn nói: “Tôi nghĩ không có mối họa nào với hệ thống đồng Euro”. Tuyên bố của ông Dominique Strauss-Kahn đã làm giảm bớt nỗi lo lắng của nhà đầu tư về khả năng sự đi xuống của đồng Euro sẽ khiến khu vực đồng tiền chung châu Âu sụp đổ.

Thắt lưng buộc bụng. Hôm 25/5, Thủ tướng Italia đã chấp thuận kế hoạch cắt giảm ngân sách 30 tỷ USD trong giai đoạn 2011 đến 2012, đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% GDP vào năm 2012 từ mức 5,3% của năm 2009. Tại Tây Ban Nha, việc giảm lương của lao động trong lĩnh vực dân sự chính thức có hiệu lực vào tháng sau, chính phủ Tây Ban Nha đã đóng băng lương hưu của một số nhóm đối tượng. Cũng từ tháng sau, Pháp sẽ nâng độ tuổi về hưu, trong khi Đức xem xét liệu có nên giảm ngân sách thêm 3 tỷ USD, chủ yếu thông qua giảm lương trong lĩnh vực công và chi tiêu công.

Khó lung lay. Theo tổ chức định mức tín dụng Moody’s Investors Service, xếp hạng nợ ở mức AAA hiện nay của Mỹ vẫn ổn định, bất kể tình hình tài chính của Chính phủ Mỹ đã xuống thấp do chi phí kích thích kinh tế quá lớn. Những yếu tố giúp Mỹ giữ được mức xếp hạng tín dụng hiện nay bao gồm vị trí đầu tàu kinh tế thế giới, chính trị ổn định, các thị trường linh hoạt và cơ chế thương mại mở. Moody’s Investors Service cho rằng, triển vọng xếp hạng tín dụng của Mỹ sẽ không phải chịu áp lực trong 12 đến 18 tháng tới.

Liên tục sụp đổ. Hôm 28/5, Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đã đóng cửa ngân hàng Granite Community Bank tại California, ngân hàng Sun West Bank tại Nevada và 3 ngân hàng trực thuộc Bank of Florida Corp tại Florida. Cơ quan này có thể phải thanh toán 317 triệu USD tiền bảo hiểm tiền gửi do sự sụp đổ của 5 ngân hàng này. Từ đầu năm tới nay, đã có 78 ngân hàng Mỹ bị đóng cửa khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang giảm 10,3 tỷ USD. Năm 2009, FDIC phải chi 30 tỷ USD tiền bảo hiểm cho khách hàng của 140 ngân hàng bị đóng cửa.

Công cụ mới. Hôm 28/5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ tiến hành các cuộc bán đấu giá đối với những khoản ký gửi ngắn hạn. Đây được coi là một công cụ mới giúp rút lại các gói kích thích kinh tế khổng lồ mà thể chế này đã bơm vào nền kinh tế trong thời kỳ xảy ra suy thoái. Cuộc đấu giá đầu tiên trị giá 1 tỷ USD cho các khoản ký gửi trong 14 ngày sẽ bắt đầu vào 14/6 tới, sau đó các khoản ký gửi 28 ngày và 84 ngày sẽ được thực hiện vào 28/6 và 12/7. Tỷ lệ tối đa tại cuộc đấu giá sẽ không cao hơn tỷ lệ chiết khấu - chi phí của các khoản vay khẩn cấp từ FED.

(VnEconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ - Trung bắt đầu
  • Quan hệ Mỹ - Trung: những động thái ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu
  • Tháo được “ngòi nổ”?
  • “Giọt nước tràn ly”
  • “Tiền chưa chắc đã cứu được châu Âu”
  • Căng thẳng liên Triều: Khi nào lật lá bài tẩy?
  • Mỹ: Đức mới là “nguồn gốc” của khủng hoảng nợ châu Âu
  • "Nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nguy cơ giảm phát"