Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ nợ ngập đầu – Lỗi tại… Trung Quốc?

Đó là nhận định của Giáo sư Natalya Volchkova Trường Kinh tế Nga tên tờ Msk.kp.ru. Trả lời câu hỏi vì sao Mỹ ôm khoản nợ 14.000 tỷ USD, bà Volchkova cho biết: Mỹ chỉ có lỗi một phần trong chuyện này. Đúng vậy, Mỹ trong tư cách là khu vực tư nhân lẫn tư cách là một quốc gia đang tiêu thụ quá nhiều và rất khó khăn trong việc cắt giảm chi tiêu. Nhưng còn có cả một vấn đề chung gọi là “sự mất cân bằng toàn thế giới”. Mỹ chỉ là một thành viên của thị trường toàn cầu. Một phần vấn đề lại gắn với một thành viên khác cũng không kém phần quan trọng là Trung Quốc cùng với chính sách cố định tỷ giá nhân dân tệ.

Đâu là lỗi của Trung Quốc, một quốc gia không đi vay mà cho vay? Trung Quốc giữ tỷ giá nhân dân tệ thấp một cách giả tạo. Điều này cho phép đất nước phát triển nhờ việc bành trướng ra thị trường nước ngoài Hàng hóa của Trung Quốc trên thị trường thế giới được bán ra với giá rẻ nên đắt khách. Bán hàng xong nước này thu đầy túi đô la. Theo lô gích thì điều này càng củng cố nhân dân tệ. Nhưng để không xảy ra điều đó thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lại mua ngoại tệ và cất vào quỹ dự trữ. Để những đồng tiền này không trở thành hàng chết, Trung Quốc mua loại trái phiếu đáng tin cậy nhất trên thế giới là công phiếu của Mỹ. Thành ra Mỹ bán công phiếu cho Trung Quốc lại ôm nợ vào mình. Hàng nghìn tỷ đô là nợ hình thành như vậy đó.

Đặt câu hỏi, thế nếu người Mỹ đừng bán trái phiếu nữa thì sao? Câu trả lời là: Thị trường tiền tệ không phản ứng như vậy. Có cung là có cầu và có giá của thị trường. Nói thêm là trên quy mô toàn thế giới thì mọi sự đều được cân bằng. Hệ thống tài chính khép kín nên nếu ở đâu đó có âm thì nhất định ở nơi khác có dương. Trung Quốc dư thừa quá nhiều tiền (có nghĩa là làm ra nhiều hơn chi tiêu) thì ở các nước khác lại thiếu tiền. Nga cũng là quốc gia thừa tiền nhưng hoàn toàn là nhờ giá dầu mỏ tăng.

Dù trên quy mô toàn thế giới mọi sự được cân bằng song gánh nặng nợ nần của Mỹ, của Hy Lạp vẫn rất đáng lo ngại. Đó là vì chỉ số nợ và thặng dư tuyệt đối ở một số nước quá lớn. Các chuyên gia lo ngại hệ thống tài chính sẽ để mất thế cân bằng. Nếu một quốc gia nào đó không thanh toán được nợ thì đồng vốn sẽ chạy tứ tung, mà đây sẽ là cú sốc mạnh đối với nền kinh tế toàn cầu. Do đó mà các nước phát triển từ lâu đã và đang thuyết phục Trung Quốc thôi giữ tỷ giá nhân dân tệ ở mức quá thấp mà phải “thả” một cách uyển chuyển. Nhưng nước này không muốn thế. Đó là vì khi nhân dân tệ lên giá thì Trung Quốc thôi kiếm chác bội tiền từ hàng xuất khẩu và phải tập trung vào thị trường nội địa. Nhưng nước này không tin tưởng là điều đó có thể đảm bảo cho nền kinh tế quốc dân phát triển nhanh như trước.

Dĩ nhiên là chẳng nên đổ hết lỗi cho Trung Quốc. Mỹ và các nước châu Âu cũng có thể cắt giảm chi phí để giảm nợ nần. Song, điều này không dễ dàng. Việc cắt giảm ngân sách đem lại những mất mát chính trị rất to lớn. Bởi vậy cần cả hai động lực – Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ và Mỹ cùng các nước châu Âu tiết kiệm chi tiêu.

Nếu Mỹ vỡ nợ thì liệu thế giới phải hứng chịu làn sóng khủng hoảng thứ hai vào mùa Thu chăng? Điều này sẽ không xảy ra bởi vì việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây chấn động nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới. Ai cũng hiểu rõ điều này. Điều cần thiết là Mỹ phải dần dần cắt giảm chi tiêu và Trung Quốc nâng dần tỷ giá nhân dân tệ. Thêm vào đó nền kinh tế Mỹ là đầu tàu của nền kinh tế toàn thế giới. Tất cả những công nghệ mới đều được phát kiến ở đó. Đây là nền kinh tế sáng tạo và tự do nhất thế giới. Không có một nền kinh tế nào như thế cả. Vì sao Trung Quốc cứ đầu tư vào công phiếu Mỹ? Đó là vì họ hiểu rằng mọi công nghệ mới đều xuất phát từ Mỹ.  

Vây chính sách đúng đắn nhất là sống trong nợ nần hay “bóp mồm bóp miệng”? Không thể trả lời một cách giản đơn. Nếu một đất nước phát triển và có tiềm năng phát triển lớn thì dĩ nhiên sẽ thiếu tiền. Nước này sẽ vay tiền ở nước ngoài, cố gắng sử dụng đồng tiền vay để biến tiềm năng của mình thành hiện thực. Sự thâm hụt biểu hiện rằng các nhà đầu tư đang đến đây để đổ tiền vào nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là đất nước đang đi lên và có triển vọng phát triển.

Còn nếu thừa tiền thì cũng chẳng nên đáng tự hào chăng, chẳng hạn trong trường hợp của Nga? Ở đây có hai kịch bản. Hoặc là chúng ta đã phát triển và bây giờ là lúc nhấm nháp thành quả đầu tư và trả nợ. Hoặc là ta không cho ai vay tiền. Nga nằm trong trường hợp thứ hai.

Đồng rúp của Nga chỉ thể hiện bối cảnh thị trường dầu mỏ thế giới chứ không chứa đựng thông tin nào khác. Tỷ giá đồng rúp hoàn toàn phụ thuộc vào giá “vàng đen” lên hay xuống. Nếu giá dầu mỏ lên thì đồng rúp được củng cố và ngược lại. Hiện tại Nga đang gặp may với giá dầu mỏ. Không thể nói là điều gì sẽ diễn ra về sau.

Nếu lựa chọn cất giữ đô la hay euro để phòng thân thì  đô la có triển vọng hơn vì Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để giữ ổn định nền kinh tế của mình. Trong khi đó sự đoàn kết của châu Âu không chắc chắn. Về mặt nguyên tắc trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thì giữ vàng là an toàn nhất. Sự bất ổn trên thế giới tăng thì giá vàng cũng tăng. Trong những năm tới sự mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới sẽ tăng chứ không giảm.

(Tamnhin)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Giá dầu và căng thẳng Biển Đông
  • Thế giới tuần 11-17/7: Hai mối nguy chưa giải
  • Kinh tế thế giới đang chạm vào lằn ranh suy thoái kép
  • Nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” vẫn hiện hữu
  • HSBC: Tốc độ tăng trưởng các thị trường mới nổi đã chậm lại
  • Bong bóng địa ốc Trung Quốc sẽ nổ kiểu Mỹ, Nhật?
  • Vì sao IMF quyết thay đổi lịch sử?
  • WTO: Trung Quốc hạn chế xuất khoáng sản “là trái phép”