Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chủ nghĩa dân tộc không được ngủ yên

Ngày nay, Đông Á - đặc biệt là Trung Quốc - đang chìm đắm trong biển dân tộc chủ nghĩa.

 

Trong những lý lẽ mà cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic từng sử dụng với người đối thoại là ông không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc trong công chúng. Trên thực tế, các tuyên bố và phát biểu công khai của ông trong những giai đoạn bất ổn ấy đều được cân nhắc rất kỹ lưỡng để tránh bất kỳ sự cổ vũ trực tiếp nào cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Nhưng việc ông nói vậy là một nhẽ. Với cách lựa chọn ngôn từ và ngôn ngữ cử chỉ khôn ngoan để khơi dậy tinh thần nạn nhân trong những người Serbia, Milosevic là một trong những nhà dân tộc chủ nghĩa mị dân nhất tại châu Âu trong nhiều thế hệ qua.

Ngày nay, Đông Á - đặc biệt là Trung Quốc - đang chìm đắm trong biển dân tộc chủ nghĩa. Hình thái cực đoan lâu đời này đã trở nên quen thuộc, với đặc trưng là những câu chuyện mang ý nghĩa quốc gia, khơi lại giai đoạn lịch sử đau thương mà dân tộc mình là nạn nhân. Trong trường hợp Trung Quốc, câu chuyện ấy xoay quanh "thế kỷ hổ thẹn" khi Trung Quốc yếu kém đến mức không thể bảo vệ chính mình chống lại những sự xâm phạm chủ quyền, và nêu nên rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu thất thế một lần nữa.

Với các nhóm dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản, câu chuyện là nỗi đau thời chiến; gần 70 năm sau - và hàng tỷ USD bồi thường chiến tranh và viện trợ nước ngoài - Nhật Bản cũng muốn tiến lên. "Chúng ta đã hoàn thành việc chuộc lỗi", lãnh đạo đảng Dân chủ tự do Shinzo Abe từng phát biểu.

Sự bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc sẽ kết thúc sớm hay không phụ thuộc vào sự sẵn sàng đứng lên kêu gọi công chúng nhẫn nại của các chính phủ trong khu vực - không chỉ ở Trung Quốc. Các chính phủ này cần tham gia vào một cuộc đối thoại chân thành với người dân.

Trong khi những vấn đề trong lịch sử thường quyết định những câu chuyện khơi mào cho chủ nghĩa dân tộc, rõ ràng cũng có những lực lượng sâu sắc và mạnh mẽ hơn đứng đằng sau nó. Một trong những vấn đề dai dẳng nhất của Nhật Bản trong những năm qua là sự không hài lòng với giới lãnh đạo và việc thiếu tầm nhìn tương lai của nước này. Nhiều thanh niên Nhật Bản ngày càng thờ ơ với nền chính trị của nước mình. Mặc dù đây không phải là hiện tượng của riêng Nhật Bản, nhưng sự hẹp hòi của giới tinh hoa chính trị đã làm cho vấn đề thành ra sâu sắc hơn so với ở những nơi khác.

Nhật Bản đang rất nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia già nhất trên thế giới. Đã qua thời đỉnh cao dân số, Nhật Bản, với sự thiếu hụt lớn lao động nhập cư, sẽ bắt đầu trượt dài hơn trong biểu đồ nhân khẩu, trở nên một quốc gia nhỏ hơn nhiều so với hiện nay. Và Trung Quốc sẽ nguồn cơn gây lo lắng chính cho Nhật Bản, bởi trong lịch sử, hiếm có khi nào cả hai quốc gia cùng hùng mạnh. Theo lẽ đó, xu hướng chuyển dịch quyền lực ở Đông Á sẽ là, nếu Trung Quốc mạnh lên thì hẳn Nhật Bản sẽ phải đi xuống.

Nhưng Nhật Bản vẫn là một trong những xã hội phức tạp nhất về mặt văn hóa trên thế giới. Và cũng giống như nước Anh đã thực hiện chuyển dịch văn hóa từ "Rule Britannia" sang "Cool Britannia", Nhật bản có thể tham gia vào quá trình ấy để xây dựng tốt hơn bản sắc của mình là một nền văn hóa hiện đại sôi động trong bối cảnh toàn cầu hóa. Văn hóa Nhật có tầm ảnh hưởng toàn cầu, và đáng tự hào, họ có thể dùng nó để thay cho các cuộc tranh luận rời rạc và vô ích về vấn đề "nạn nhân hóa" và các đảo đá nằm rải rác đâu đó.

(Rule, Britannia! (Nước Anh thống trị), một nhạc phẩm phổ thơ được sáng tác năm 1740, khi nước Anh còn tham gia cuộc chiến tranh thừa kế Áo với những tuyển hầu nước Phổ và sắp khởi động một cuộc giành giật thuộc địa đẫm máu ở Bắc Mỹ với những người Pháp. Rule, Britannia! khi đó là bài hát xung trận với hầu hết binh sĩ Anh.

Cool Britannia (Nước Anh sành điệu) lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1967, là tên bài hát của nhóm nhạc Bonzo Dog Doo Dah và được sử dụng phổ biến vào cuối những năm 1990, song lần này với hàm ý khái quát một khuynh hướng văn hóa. Thủ tướng Tony Blair đã cố gây dựng lại hình ảnh "Nước Anh sành điệu" trong suốt những năm đầu nhiệm kỳ của mình. Và quan điểm của hầu hết mọi người về hình tượng của Anh là một nước tôn nghiêm theo phong cách cổ điển và trầm lắng. Đó là hình ảnh về gia đình hoàng gia, những viện bảo tàng, những pháo đài, sự hoài niệm về Oliver Twist và Charles Dicken. Nó là một hình ảnh của quá khứ hơn là một nước Anh trong công cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đầy phát kiến sáng tạo mới . Vì vậy "Cool Britannia" là một cố gắng thực sự để thay đổi hình ảnh đó).

Vấn đề này ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn. Trung Quốc sắp bước vào một cuộc chuyển giao lãnh đạo nữa, tương đối êm ả so với các cường quốc khác, nơi các cuộc bầu cử đôi khi đã biến thành một cuộc chiến chính trị. Cuộc đua chính trị tại Trung Quốc không thể hiện ra thành các cuộc tranh luận được truyền hình toàn quốc; thay vào đó, mọi hoạt động diễn ra trong bóng tối, khiến cho công chúng chỉ biết phỏng đoán giới lãnh đạo mới của nước mình.

Khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, người dân sẽ không hài lòng, và lòng tin của họ vào giới lãnh đạo giảm đi. Một số người chỉ trích kêu gọi chính phủ phải minh bạch và có trách nhiệm hơn. Họ đặt câu hỏi chính phủ sẽ làm gì để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia.

Trung Quốc thiếu một khuôn khổ thể chế cần thiết giúp người dân biến những cảm nhận của mình thành một quá trình chính trị. Nhưng điều đó không có nghĩa sự phản đối sẽ biến mất, và cũng không dễ điều hòa; thay vào đó, nó âm ỉ và tích lũy sức mạnh.

Dù thế nào, tăng trưởng kinh tế cao vẫn là cơ sở chính đảm bảo cho tính chính danh của chính quyền hiện nay, do vậy, CCP đã nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc kinh tế, dù là trong tranh chấp với Nhật Bản, với các quốc gia Đông Nam Á, hay với Mỹ.

Trung Quốc muốn làm chủ các diễn biến. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải chấp nhận và họ không có lựa chọn nào khác là phải xây dựng một trật tự thế giới dựa trên các mối quan hệ ổn định với các nước - bao gồm cả các nước láng giềng. Quả thực, đây là tương lai mà Trung Quốc cần lựa chọn trên thực tế nếu muốn thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan của mình ngủ yên. Giới lãnh đạo Trung Quốc cần phải đứng lên và nói rõ hơn với những người dân đang bức xúc rằng họ đang tham gia vào một thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn.

 


Tác giả: Đình Ngân
theo Project-Syndicate, Tuần Việt Nam

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Chính sách ngoại giao kiểu "lính trên chiến địa"
  • Các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới
  • Cỗ máy tăng trưởng thế giới rệu rã
  • Kinh tế Indonesia sẽ 'vượt mặt' Anh, Đức?
  • Ván bài năng lượng của Putin
  • Ấn Độ không cho phép mình câm điếc giữa Mỹ và Trung Quốc
  • Trung - Ấn: 'Bệnh tưởng Malacca' và 'thế tiến thoái lưỡng nan Hormuz'
  • Trung - Ấn: Ngoại giao - tranh cãi, quân sự - sẵn sàng