Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn bất ổn mới

Kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ “ngấm” cuộc khủng hoảng thế giới, bắt đầu giảm tốc, kinh tế Nhật Bản “tạm ngừng” phục hồi.

Kinh tế thế giới sa sút trong bối cảnh khủng hoảng tại châu Âu và kinh tế Mỹ phát triển bấp bênh, kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu “ngấm” cuộc khủng hoảng thế giới, bắt đầu giảm tốc, đang gây lo ngại không chỉ cho hai nước này mà còn với cả toàn cầu.

Nguy cơ suy thoái mới trong nền kinh tế toàn cầu

Mạng tin Nghiên cứu toàn cầu (Canada) ngày 28/10, cảnh báo ngay sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ vào năm 2008, các chính phủ khắp thế giới đều tăng vay nợ khi dành hàng nghìn tỷ USD nhằm ngăn chặn một sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, xu hướng này đã bị đảo ngược vào tháng 6/2010, khi một hội nghị của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 đề xuất việc quay trở lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng và nhấn mạnh nhu cầu củng cố tài chính. Bản chất của chương trình này là thu hồi tiền đã trao cho các ngân hàng thông qua việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ, nhất là các dịch vụ xã hội.


Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sụt giảm từ cuối năm 2011

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chương trình trên khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm, dẫn đến nguy cơ lợi nhuận giảm sút của các tập đoàn lớn. Trước tình hình này, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu chính sách nới lỏng định lượng (QE), cung cấp lượng tiền mặt không hạn chế cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Mặc dù chương trình QE và các phiên bản tương đương đang được quảng bá là một biện pháp để ngăn suy thoái toàn cầu, song trong điều kiện kinh tế đình trệ, những biện pháp này chỉ nhằm tăng giá trị của các tài sản tài chính, tạo một con đường mới để các tổ chức tài chính thu lợi nhuận.

Mạng tin Nghiên cứu toàn cầu cũng chỉ ra tầm ảnh hưởng của các chương trình QE đang ngày càng giảm sút. Giá cổ phiếu của Mỹ, đã tăng lên nhờ QE, lại bắt đầu trượt dốc khi các công ty công bố doanh số và lợi nhuận giảm sút, dẫn đến phải cắt giảm một lượng lớn nhân công. Mới đây nhất, ngày 23/10 vừa qua, Tập đoàn sản xuất hóa chất lớn nhất nước Mỹ Dow Chemical đã tuyên bố cắt giảm 2.400 việc làm và đóng cửa 20 nhà máy như một phần trong kế hoạch tái cơ cấu nhằm ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, các số liệu mới nhất về kinh tế Mỹ cho thấy mức tăng trưởng GDP quý III/2012 chỉ đạt 2%, thấp hơn mức yêu cầu để có thể duy trì số việc làm.

Giới phân tích nhận định trong khi các ngân hàng trung ương tiếp tục bơm tiền vào các thị trường tài chính, những biện pháp này sẽ không giúp cải thiện tình hình đáng kể. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mơvin Kinh (Mervyn King) đã cảnh báo việc tăng nguồn cung tiền đang có ảnh hưởng ngày càng giảm đối với nền kinh tế thực. Trong khi đó, việc thực hiện những chương trình QE, mà mới đây nhất là gói định lượng QE3 do FED đề xuất, đang tạo ra “phiên bản thế kỷ 21” của các chính sách bảo hộ của những năm 1930 từng hủy hoại thương mại thế giới.

Các chuyên gia cũng cảnh báo lượng tiền in mới không giới hạn của FED đang khiến đồng USD sụt giá, ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh và dẫn đến nguy cơ xảy ra các cuộc chiến tiền tệ.

IMF: Kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc suy giảm

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và Trung Quốc trong năm nay xuống lần lượt là 4,9% và 7,8%, so với các mức dự báo tăng 6,1% và 8% đưa ra trước đó. Trong khi cố vấn kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ, ông Raghu Rajan, nói rằng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm nay không thể dưới 5%, việc IMF hạ dự dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ gây thất vọng trên thị trường thế giới.

Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ và Trung Quốc cho rằng cuộc khủng hoảng tại Mỹ và Khu vực đồng Euro đã làm giảm đáng kể xuất khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời làm giảm đầu tư từ các nước này vào thị trường cả hai nước. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ cho rằng giá dầu tăng trên thị trường thế giới cũng là một nguyên nhân làm suy giảm kinh tế trong nước. Những yếu tố cơ bản khác khiến kinh tế Ấn Độ suy giảm là thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách tăng, lạm phát và lãi suất cao. Ngân hàng dự trữ Ấn Độ khó giảm lãi suất do tỷ lệ lạm phát vẫn cao. Đó là nguyên nhân khiến môi trường đầu tư trở nên xấu đi và tăng trưởng của ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng.

Đối với Trung Quốc, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhờ hàng hoá của nước này có mặt tại nhiều thị trường quốc tế, nhưng xuất khẩu cũng đang tăng ở mức hạn chế. Do lạm phát tăng và thua lỗ trong lĩnh vực công nên chính phủ Trung Quốc không còn khoản trợ cấp quan trọng nào cho xuất khẩu. Đó là lý do tại sao hàng Trung Quốc trở nên đắt hơn, khiến nhu cầu giảm. Bên cạnh đó, do mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là dựa trên đầu tư nên việc giảm các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.


"Việc làm" (JOBS) - vấn đề nóng bỏng đối với phần lớn các nền kinh tế

Kinh tế Nhật Nhật Bản “tạm ngừng" phục hồi

Ngày 31/10, Bộ Tài chính Nhật Bản đã đưa ra đánh giá về tình hình kinh tế nước này, theo đó cảnh báo sự phục hồi có nguy cơ “tạm ngừng” do sản xuất và xuất khẩu đình trệ trong bối cảnh nhu cầu ở nước ngoài giảm. Bộ Tài chính Nhật Bản cũng hạ mức đánh giá đối với 8 trong số 11 khu vực kinh tế. Đây là đánh giá có nhiều khu vực bị hạ điểm nhất kể từ quý I năm tài chính 2009 có tới 10 khu vực bị hạ mức. Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản suy giảm ở nhiều khu vực là hệ quả của sự yếu kém trong lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường châu Âu và châu Á, đồng thời chương trình của chính phủ hỗ trợ người dân mua các xe thân thiện với môi trường kết thúc vào tháng 9.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 9 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, ở mức 4,1% so với tháng trước đó sau khi điều chỉnh yếu tố mùa vụ và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này tồi tệ hơn mức dự báo trung bình giảm 3,1% của thị trường, trong bối cảnh các nhà chế tạo ô tô và các nhà máy thép cắt giảm sản lượng do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Nhật Bản chậm lại và những tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đã tác động tới quan hệ thương mại của hai người khổng lồ châu Á này.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) họp bàn về chính sách, được dự báo sẽ đưa ra các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để đối phó với sự tăng trưởng kinh tế chậm lại./.

Linh Hương (Gt)
Theo Tổ Quốc

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Chủ nghĩa dân tộc không được ngủ yên
  • Chính sách ngoại giao kiểu "lính trên chiến địa"
  • Các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới
  • Cỗ máy tăng trưởng thế giới rệu rã
  • Kinh tế Indonesia sẽ 'vượt mặt' Anh, Đức?
  • Ván bài năng lượng của Putin
  • Ấn Độ không cho phép mình câm điếc giữa Mỹ và Trung Quốc
  • Trung - Ấn: 'Bệnh tưởng Malacca' và 'thế tiến thoái lưỡng nan Hormuz'