Cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều đang trong tình trạng tài chính công vượt tầm kiểm soát với hệ thống chính trị yếu kém không thể giải quyết vấn đề. Họ đang cùng chung cảnh ngộ...
Washington đang tranh cãi về nợ trần, còn Brussels đang đứng trước bờ vực khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản là như nhau.
Các cuộc tranh luận về vấn đề nợ tại Mỹ và Liên minh châu Âu đều mang tính nội bộ đến nỗi không mấy người nhận ra mối liên hệ.
Trên cả hai bờ Đại Tây Dương, rõ ràng có thể thấy phần nhiều tăng trưởng kinh tế của những năm tiền khủng hoảng đã được thúc đẩy nhờ sự bùng nổ tín dụng không bền vững và nguy hiểm. Ở Mỹ, các chủ sở hữu nhà đất được coi là trung tâm của cuộc khủng hoảng, còn tại châu Âu, chính phủ các nước như Hy Lạp và Italy đã lợi dụng mức lãi suất thấp để vay tiền một cách vô tội vạ.
Sự sụp đổ tài chính năm 2008 và hậu quả của nó đã giáng một đòn mạnh vào tài chính công, khiến nợ công tăng vọt. Tại cả châu Âu và Mỹ, cú sốc này kết hợp áp lực nhân khẩu học đang tạo ra áp lực lớn hơn lên ngân sách công, khi những người thuộc thời kỳ “bùng nổ trẻ em” (baby-boomers - thế hệ công dân sinh vào khoảng 1946 đến 1964) bắt đầu về hưu.
Cuối cùng, trên cả hai bờ Đại Tây Dương, các cuộc khủng hoảng kinh tế đang chia rẽ quan điểm chính trị, do đó, sẽ khó khăn hơn nhiều để tìm ra giải pháp hợp lý cho vấn đề nợ.
Quan niệm cho rằng, châu Âu và Mỹ đại diện cho hai mặt của một cuộc khủng hoảng dần bị xóa bỏ, bởi nhiều năm qua, các quan chức cao cấp ở hai bờ Đại Tây Dương đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa mô hình của Mỹ và châu Âu.
Trong nhiều hội nghị tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia tranh luận về việc đưa thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt kiểu Mỹ hay bảo vệ mô hình thị trường lao động kiểu châu Âu.
Có nhóm muốn Brussels vượt Washington để trở thành trung tâm của liên bang thực sự nhưng cũng nhiều người khẳng định, mô hình một nước Mỹ ở châu Âu là hoàn toàn không khả thi.
Các cuộc tranh luận chính trị ở Mỹ vẫn sử dụng sự khác biệt của châu Âu như một điểm tham chiếu. Những lời buộc tội cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang nhập khẩu tư tưởng kiểu châu Âu, đang được sử dụng để coi Tổng thống Mỹ như một nhà chính trị không thuần Mỹ. Quan điểm ngược lại thì nhìn sang châu Âu như một khu vực làm mọi thứ một cách khác biệt và tốt hơn trên nhiều phương diện, ví dụ như cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, cả hai khu vực đều mang những điểm chung, đó là: nợ cao, nền kinh tế yếu kém, hệ thống phúc lợi xã hội ngày một đắt đỏ, không thể cải tổ cùng với nỗi sợ về tương lai và bế tắc chính trị.
Mỹ đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát các chi phí y tế và an sinh xã hội, cũng tương tự như các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải vật lộn để cắt giảm chi tiêu cho lương hưu và y tế. Nhiều người châu Âu tin rằng, chính trị gia Mỹ có lợi thế lớn bởi họ hoạt động trong hệ thống liên bang thực sự.
Một số người cho rằng, cách duy nhất để ổn định đồng euro trong dài hạn là hướng tới một “liên bang tài chính” theo mô hình của Mỹ. Tuy nhiên, vào lúc này, hệ thống chính trị Mỹ còn hoạt động kém hơn cả Brussels. Khi các chính trị gia Mỹ không thể tranh luận nghiêm túc về vấn đề nợ và chi tiêu, mô hình chính trị của Mỹ thực chất chỉ đáng để châu Âu cười chê.
Tất nhiên cũng có điểm khác biệt không nhỏ giữa các cuộc tranh luận ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Đồng USD có một lịch sử được tín nhiệm trong một thời gian dài. Còn đồng euro chỉ mới tồn tại hơn một thập kỷ. Hệ thống châu Âu tê liệt do bất đồng chính trị giữa các nước. Tại Mỹ, chẳng có sự khác biệt nào như kiểu giữa Hy Lạp và Đức. Tại châu Âu, người ta coi tăng thuế như một phần để giải quyết các khoản nợ tăng vọt. Còn ở Mỹ, ý định tăng thuế là trung tâm của các cuộc tranh luận.
Xét đến những vấn đề và sự khác biệt riêng, người Mỹ và châu Âu đã khó nhìn ra mối liên hệ giữa hai cuộc khủng hoảng của họ. Tuy nhiên, các nhà phân tích trên thế giới dễ dàng nhìn thấy xu thế này hơn. Nhóm lãnh đạo và giới tri thức Trung Quốc đã khẳng định, phương Tây nên ngừng ra vẻ “dạy dỗ” Trung Quốc, bởi chính các nước này đang có quá nhiều vấn đề kinh tế cũng như chính trị.
(Vitinfo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com