Nền kinh tế Mỹ và thế giới đã hồi phục hơn hai năm nhưng ám ảnh về một cuộc suy thoái kép vẫn chưa kết thúc khi những bất ổn vẫn còn.
Nếu nhìn lại đầu năm nay, không chỉ ở châu Á và cả thế giới, hồi phục tăng trưởng kinh tế dường như rất tốt. Ngay cả nước Mỹ cũng cho thấy sự biến chuyển tích cực về thị trường việc làm. Trong khi đó, châu Âu, dẫn đầu bởi Đức, cũng có sự tăng trưởng mạnh về sản xuất.
Trong lĩnh vực sản xuất, sản lượng tăng nhanh với sự đáng nghi nhận của xuất khẩu Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục. Sau những ngày đen tối của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tương lai dường như đã tươi sáng hơn.
Tuy nhiên, sự lạc quan đó, lúc này có thể đã không được đặt đúng chỗ. Trong tháng 4/2011, các chỉ số kinh tế đã bắt đầu giảm trở lại. Tại Mỹ, các nhà tuyển dụng tạm ngừng tuyển dụng thêm lao động, điều có thể khiến sự hồi phục tiêu dùng yếu ớt gặp thêm rủi ro.
Tại châu Âu, đầu tàu kinh tế Đức đang mất dần động lực và lục địa này đang đối mặt với căng thẳng tài chính sâu rộng hơn do vấn đề nợ công trong lục địa của mình. Châu Á, vốn được hy vọng là sự trỗi dậy mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế thế giới, cũng bị ảnh hưởng, trước tiên là cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật và sau đó là sự giảm cầu đột ngột từ Trung Quốc.
Liệu đây có phải là sự bắt đầu của của việc "hạ cánh" tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và một cuộc suy thoái khác, với những hậu quả thảm khốc như sau sự sụp đổ của Lehman Brothers?
Chắc chắn thách thức là rất nhiều. Ví dụ như Quỹ dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc gói QE2 trong tháng 6/2011, còn Chính phủ Mỹ sẽ phải thắt chặt tài khóa mạnh mẽ hơn trong các năm tới, điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ. Tại châu Âu, việc thắt chặt tiền tệ từ từ và tiếp tục cơ cấu lại chính sách tài khóa sẽ tạo ra những cơn gió ngược (headwinds).
Bên cạnh những lạc quan về chi tiêu tiêu dùng và việc làm tại Mỹ, những lo lắng về suy thoái kép vẫn còn. Quá trình hồi phục đã được 2 năm, nhưng thị trường việc làm vẫn phập phù, giá bất động sản tiếp tục giảm và các nhà lãnh đạo thì bất lực.
Các tranh luận gần đây về liệu có suy thoái kép hay không vẫn tiếp tục từ các giám đốc điều hành doanh nghiệp cho tới những người dân bình thường. Chủ doanh nghiệp, công nhân và thậm chí cả các nhà kinh tế vẫn đang cố gắng đoán xem liệu kinh tế Mỹ đã tăng tốc hay đang hướng tới một sự va chạm mạnh.
Tất cả chúng ta đều biết tăng trưởng thì yếu ớt, thất nghiệp thì cao và thị trường nhà đất thì khó khăn. Đó là lý do vì sao Fed, IMF… đều cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay.
David Rosenberg, Kinh tế trưởng của Gluskin Sheff & Associates nói rằng, có 99% cơ hội của một cuộc suy thoái nữa đối với kinh tế Mỹ trong cuối năm 2012 vì người tiêu dùng vẫn sẽ phải lo trả nợ, thay vì chi tiêu nhiều hơn.
Khi tất cả các gói kích thích kinh tế dừng, một bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa sẽ hiện ra và nước Mỹ cần thêm nhiều gói kích thích nữa. Theo Rosenberg, trong bối cảnh quốc hội Mỹ không còn thấy động lực cho các gói kích thích kinh tế nữa, ông Bernanke sẽ gặp khó hơn lần này, nếu giá lương thực và dầu thô không giảm mạnh.
Gary Shilling, một nhà kinh tế tại A. Gary Shilling & Co, cũng dự báo một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ khác trong năm tới khi những lo lắng và lạm phát sẽ dẫn tới lo lắng về giảm phát. Shilling là một số ít nhà kinh tế dự báo được suy thoái kinh tế năm 1969, sự kết thúc của lạm phát cao thập niên 1970 và là người bi quan năm 2008.
Theo Shilling, vấn đề chính là gói QE2 đã không có hiệu quả mà chỉ đẩy giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.
Tuy nhiên, đó không phải là suy thoái kép (double dip) bởi vì quá trình hồi phục đã kéo dài hơn 2 năm và 3 năm rưỡi kể từ đỉnh chu kỳ kinh doanh tháng 12/2007. Trong lịch sử, chu kỳ tăng trưởng kinh tế thường kéo dài 3 năm, do đó, một chu kỳ suy thoái mới có thể bắt đầu vào năm 2012.
Theo một cuộc điều tra không chính thức của công ty truyền thông Rasmussen, có 63% số người tiêu dùng Mỹ được hỏi cho rằng nước Mỹ đang suy thoái và chỉ có 20% nói không. Với nhà đầu tư Mỹ, 62% nói kinh tế Mỹ suy thoái, chỉ 23% nói không.
Thực tế không ai có thể chắc chắn cái gì sẽ xảy ra nhưng mọi người lại đang chuẩn bị cho điều đó.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com