Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhật Bản để Trung Quốc vượt mặt: Điều gì sẽ xảy ra?

Tại sao Nhật Bản lại để Trung Quốc vượt mặt?

Bắc Kinh trỗi dậy trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bỏ lại Tokyo phía sau. Nguyên nhân của cuộc soán ngôi giữa hai quốc gia Châu Á đang là chủ đề nóng trên các mặt báo thế giới.

Độc giả trẻ tuổi có thể thấy khó tin, nhưng chỉ đúng 20 năm trước, hầu hết giới chính trị và học thuật Mỹ đều coi Nhật Bản là cường quốc kinh tế đang lên của thế giới. “Nhật Bản là số một” là tựa đề cuốn sách nhiều ảnh hưởng của tác giả by Harvard's Ezra Vogel; còn báo chí đương thời cho rằng rằng Nhật Bản dù thua Mỹ trong cuộc chiến nhưng thực tế lại thắng Mỹ với tư cách là đối thủ cạnh tranh về kinh tế.

Nhưng sự tất yếu đó đã hóa ra trớ trêu khi những ngày qua tin tức rộ lên rằng Trung Quốc vừa thay thế Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ mới một thế hệ cách đây thôi, một kết cục như thế thực sự còn là điều không tưởng, và Nhật vẫn đang bỏ xa Trung Quốc về cả GDP đầu người và mức sống.

Nhưng xu hướng phát triển này là không thể phủ nhận. Giai đoạn 1990 – 2009, Trung Quốc tăng trưởng trung bình gần 10%/năm, trong khi Nhật vẫn kéo dài đà sụt giảm từ đỉnh cao vinh quang những năm hậu chiến xuống mức dưới 2%/năm. Trong khi một bên vượt nhanh khỏi đói nghèo, thì bên kia lại đình trệ “kinh niên” quanh một mức tạm gọi là thịnh vượng.

Vậy tại sao lại có sự hoán đổi giữa hai nước châu Á này và ý nghĩa của nó là gì? Một bài học nhãn tiền, nhưng thường hay bị lãng quên, là của cải của một quốc gia không phải là thứ thừa kế được. Thịnh vượng phải được tích lũy qua từng năm, thông qua những chính sách kinh tế hợp lý nhằm giải phóng được trí tuệ của dân tộc đó.

Trung Quốc được thể tung hô sự ưu việt của chủ nghĩa tư bản nhà nước sau cuộc khủng hoảng ở phương Tây (Ảnh: The Telegraph)

Đối với Trung Quốc, sự kiện mang ý nghĩa đột phá chính là việc Đặng Tiểu Bình mở cửa với thế giới và chấp nhận thị trường tự do năm 1978. Trước hết là trong nông nghiệp, và sau đó tới các ngành khác, Trung Quốc dần trở thành một mảnh đất kinh doanh khá tốt. Như tác giả Hugo Restall viết năm 2008, phần “dành cho” chính phủ trong GDP giảm xuống còn 11% trong giai đoạn đầu những năm 2000 so với mức 31% năm 1978. Trung Quốc đã đơn phương cắt giảm thuế quan, tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, và yêu cầu các công ty nhà nước phải tự cải thiện và thích nghi với môi trường cạnh tranh mới. Trung Quốc ngày nay vẫn đang được hưởng lợi bởi đà tăng trưởng xuất phát từ những quyết sách này.

Trong khi đó, Nhật Bản lại vận động theo hướng ngược lại. Năm 1984, chúng tôi đã viết một bài xã luận, “Nhật Bản xếp thứ 21”, đánh giá vị trí thứ 21 của Nhật (trong số 23 quốc gia phát triển vào thời điểm đó) về tỷ lệ thu nhập của chính phủ trong GDP: 27%, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD. Chi tiêu chính phủ từng giữ ở mức 26%. Nhưng thời đó đã không còn nữa. Nhật Bản đã ban hành thuế giá trị gia tăng và chi tiêu chính phủ tăng dần lên xấp xỉ 40% GDP.

Sau khi bong bóng bất động sản và chứng khoán vỡ ra năm 1990, Nhật vẫn lao theo cái được coi là thử nghiệm chính sách Keynes kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử thế giới. Kết quả là nợ công của Nhật đã lên tới gần 200% GDP trong khi hầu như không giúp được gì nhiều cho tăng trưởng. Nhật Bản cũng thất bại trong việc cải cách chính các doanh nghiệp ngang bướng do chính phủ bảo trợ, hệ thống tiến kiệm bưu điện, và các rào cản đối với cạnh tranh khác trong nước.

Khách tham quan tới Nhật sẽ vẫn thấy một quốc gia trù phú, nhưng sự đi xuống tương đối đã phần nào hiện rõ. Derek Scissors của Quỹ Di sản Heritage lưu ý, Nhật hiện xếp thứ khoảng 40 xét về thu nhập cá nhân và người Nhật trung bình đang nghèo hơn công dân trung bình của Mississippi. Một thế hệ mất mát tăng trưởng đang gây nên những hậu quả vô cùng sâu sắc.

Một vấn đề kinh tế tương đối khác liên quan không chỉ tới chính sách mà còn cả tới ý chí dân tộc. Vực dậy sau thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai, dân Nhật lại quyết tâm vươn lên, lần này trong hòa bình. Sự cố kết xã hội và kỷ luật doanh nghiệp đã xây dựng nên một số công ty vĩ đại của thế giới, mà hiện vẫn đang đóng góp vào sự thịnh vượng toàn cầu.

Sự năng động của nền kinh tế Nhật biến mất do nền kinh tế bị phủ bóng bởi chính phủ (Ảnh: taichinhthegioi.com)

Hiện tại dân số Nhật đang già hóa, và các nước già thường có xu hướng ngại rủi ro. Không giống như Mỹ hay Australia, Nhật chưa từng mong muốn chấp nhận người nhập cư, những người có thể tạo nên một thế hệ lao động trẻ hơn. Hệ thống chính trị của nước này dường như không thể quay lại với chương trình nghị sự ưu tiên tăng trưởng.

Ngày nay, Trung Quốc là quốc gia năng động và tự tin hơn, người dân thì nỗ lực bù đắp lại những thế kỷ đã mất và khẳng định mình là cường quốc nhiều ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc cũng gặp những vấn đề với dân số đang già hóa (do chính sách một con), nhưng sự di cư của hàng chục triệu người từ nông thôn ra thành thị đã tạo cho nước này một nguồn lao động trẻ trung, dồi dào.

Vấn đề nằm ở chỗ liệu Trung Quốc có thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng này dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc? Đặc biệt, kể từ khi nỗi hoang mang về tài chính phá tan mô hình kinh tế Mỹ, thì Trung Quốc càng có lý do để hô vang nền kinh tế ưu việt của mình.

Trong một báo cáo mới đây của Phòng Thương mại Mỹ, James McGregor, nhà tư vấn cấp cao có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về Trung Quốc của công ty tư vấn APCO Worldwide, đã chỉ ra việc Trung Quốc đang rời xa chính sách thị trường tự do như thế nào khi bảo vệ các công ty trong nước khỏi sự cạnh tranh trong 7 lĩnh vực chủ chốt. Điều này sẽ dẫn tới hiệu quả và cải tiến trong nước kém hơn trong khi lại chuốc lấy sự phản ứng dữ dội từ hệ thống thương mại toàn cầu.

Sự vươn lên về kinh tế của Trung Quốc tuy vậy là một đóng góp to lớn và đáng hoan nghênh vào sự phồn vinh toàn cầu, giống như sự trỗi dậy của Nhật trong những thập niên thời hậu chiến. Ngược lại, 20 năm đình đốn đã trở thành thảm họa với cả thế giới cũng như người dân Nhật. Thịnh vượng toàn cầu không phải là cuộc chơi kẻ được người mất, và mỗi quốc gia đều cần phải có những đóng góp của riêng mình. 
Người Mỹ có thể phần nào thở phào rằng ít nhất, qua năm 2008, Mỹ vẫn giữ lại được vị trí dẫn đầu kinh tế toàn cầu của mình, “mặc kệ” các quốc gia khác kẻ lên, người xuống. Mỹ vẫn còn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chưa ai có thể sánh được, dù Trung Quốc đang đi lên. Cách để tránh vết xe đổ của Nhật là không phạm những sai lầm chính sách tương tự, tức là trở lại với chính sách những năm 1980, điều đã vực dậy nước Mỹ sau cuộc Đại suy thoái cuối cùng.

Đình Ngân dịch từ Wall Street Journal//VietnamNet

---------------------------------------------------------------------------------

Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc là á quân kinh tế?

Trung Quốc hồi tuần trước tuyên bố đã vượt qua Nhật Bản để vươn lên chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, các số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố hôm 16/8 cho thấy, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng nếu Trung Quốc thực sự trở thành gã khổng lồ thứ hai thì điều gì sẽ xảy ra.

Mừng hụt!

Ngay từ tháng 7/2010, Trung Quốc đã công bố số liệu về tăng trưởng GDP của nước này. Trong quý II/2010, GDP danh nghĩa của Trung Quốc là 1.337 tỷ USD. Trong khi đó, kết thúc quý II, GDP danh nghĩa của Nhật Bản đứng ở mức 118.538 tỷ yên (tương đương 1.288 tỷ USD), ít hơn 49 tỷ USD so với Trung Quốc. Hồi tuần trước, ngay từ khi Nhật Bản chưa công bố số liệu trên, nhiều quan chức Trung Quốc đã khẳng định nền kinh tế của họ đã vươn lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Nhưng khi Nhật Bản chính thức lên tiếng, thì dường như tuyên bố trên của Trung Quốc ngay lập tức bị phủ nhận. Mặc dù GDP danh nghĩa quý II/2010 của Nhật Bản thua Trung Quốc, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm nay, GDP của đất nước Mặt trời mọc đạt 2.578 tỷ USD. Trong khi đó, con số này của Trung Quốc chỉ là 2.532 tỷ USD, ít hơn 46 tỷ USD so với Nhật Bản.

1
Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới


Như vậy, Nhật Bản cho thấy họ vẫn là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới và vị trí của họ không dễ gì bị “đánh chiếm”.

Tuy nhiên, các số liệu công bố cũng cho thấy vị trí á quân của Nhật Bản đang bị lung lay nghiêm trọng. Trung Quốc đang bám đuổi sít sao và rất có thể vượt qua Nhật Bản khi họ đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Ngày 12/8 vừa qua, Trung Quốc cũng chính thức tuyên bố họ chiếm vị trí độc tôn về sản xuất ô tô và thép. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, Trung Quốc có thể vượt Nhật Bản ngay trong năm 2010 này.

1
Trung Quốc đang bám đuổi sít sao Nhật Bản trong cuộc chạy đua tới ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới


Các số liệu thống kê do Chính phủ Nhật Bản công bố sáng 16/8 cho thấy nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu chững lại do tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và tiêu dùng đang chậm lại, trong khi nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với căn bệnh thiểu phát và tình trạng đồng yên tăng giá một cách bất thường so với USD. Bình luận về các số liệu thống kê trên, Thư ký Quốc hội của Văn phòng Nội các Nhật Bản Keisuke Tsumura đã cảnh báo nền kinh tế nước này có thể đang chững lại khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế chỉ tăng 0,4% trong quý II/2010. Phát biểu với các phóng viên, ông nói: “Một số người cho rằng kinh tế Nhật Bản có thể đang đi ngang”.

Tuy nhiên, ngay lập tức, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài chính Satoshi Arai đã bác bỏ quan điểm này. Ông cho rằng các số liệu GDP cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang tiếp tục phục hồi một cách vững chắc dù vẫn phải cẩn trọng với các nguy cơ suy thoái như những bất ổn ở các nền kinh tế và thị trường tài chính xung quanh. 
           
Trong khi đó, ông Yoshiki Shinke, chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện Nghiên cứu Cuộc sống Dai-Ichi, cho rằng sức phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản đang yếu dần. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, các chuyên gia kinh tế đang theo dõi chặt chẽ số liệu GDP danh nghĩa của nước này để xem liệu Nhật Bản đã để mất danh hiệu “nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới” vào tay Trung Quốc hay chưa. 

Thế thì sao?

Việc hai nền kinh tế lớn ở Đông Á đang cạnh tranh quyết liệt để giành vị trí thứ hai thế giới được nhiều nhà phân tích quan tâm. Vậy cứ cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản để chiếm vị trí á quân thì điều gì xảy ra.
 
Đối với các nhà kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần như không có ý nghĩa gì. Lý do là xét về sức mua – một chỉ số kinh tế quan trọng hơn - Trung Quốc đã vượt Nhật Bản cách đây gần 1 thập kỷ; và khi GDP danh nghĩa của Trung Quốc tính bằng đồng USD được xác định là vượt Nhật Bản, nó chủ yếu là nhờ yếu tố tỷ giá và sự điều chỉnh các số liệu thống kê.

Ví dụ, nếu xây hai căn nhà giống hệt nhau ở hai nước, sử dụng cùng một loại vật liệu và nhân công, thì ngôi nhà ở Nhật Bản sẽ tạo ra một lượng GDP lớn gấp ba lần ở Trung Quốc, bởi mọi thứ ở Nhật Bản đều đắt đỏ hơn.

1
Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu, sản xuất ô tô và thép lớn nhất thế giới.


Nhưng đối với những người không phải là chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản để chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là rất quan trọng, bởi nó cho thấy một sự dịch chuyển về quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu.

Sự kiện trên cũng quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc cũng như mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc gia khác, bởi sự tiến bộ trong bảng xếp hạng GDP sẽ khiến thế giới soi mói nhiều hơn và mong mỏi một trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Arthur Kroeber, Giám đốc Điều hành của công ty tư vấn Dragonomics nói: “Trung Quốc bấy lâu vẫn duy trì chính sách ngoại giao ở mức vừa phải, nhưng giờ nước này đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sẽ là nước tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới trong năm sau. Những dấu mốc đó khiến Trung Quốc không còn nhiều chỗ để trốn. Trung Quốc vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho vai trò mới và sẽ tìm cách trì hoãn càng lâu càng tốt”.

1
Đồng NDT đang thách thức đồng bạc xanh của Mỹ?


Trung Quốc đang ngày càng khôn ngoan biến sức mạnh kinh tế đang lên của mình thành ảnh hưởng chính trị và ngoại giao, nhất là ở những khu vực như Mỹ Latinh và châu Phi, nơi nhiều người không thích các chính sách và sự hiện diện của các nước Phương Tây. Sở hữu lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, Bắc Kinh từ lâu đã công khai thách thức vai trò của đồng USD như là đồng tiền dự trữ toàn cầu và còn đi đầu phong trào đòi hỏi sự hiện diện công bằng hơn trong các tổ chức toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên các quan chức ở Bắc Kinh vẫn khăng khăng Trung Quốc là một nước đang phát triển và không thể đi đầu trong các sáng kiến toàn cầu hoặc đảm nhận các nhiệm vụ khó khăn như giảm khí thải cacbon hay thả nổi đồng tiền để tái cân bằng nền thương mại thế giới. Họ viện dẫn GDP trên đầu người của nước này mới chỉ đạt khoảng 3.600 USD, chưa bằng 1/10 của Nhật Bản hay Mỹ và chưa bằng 1/6 của Pháp và Anh.

Một số chuyên gia Trung Quốc còn lưu ý tới chất lượng tăng trưởng thấp của nước này so với các nước khác. Giám đốc Viện Tài chính thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ông Yi Xianrong, nói: “Kể từ năm 2003, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dựa vào hai trụ cột chính: xuất khẩu và bất động sản. Trong khi xuất khẩu mang lại một số lợi ích xét về hiện đại hóa, thì bất động sản gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Tăng trưởng trên thị trường bất động sản dựa trên sự quản lý đất đai yếu kém và đầu cơ, khiến giá nhà ở tăng vọt và một quả bong bóng bất động sản cuối cùng sẽ nổ tung”.

1
Sự phát triển kinh tế nhanh của Trung Quốc đòi hỏi nước này phải có trách nhiệm với nhiều vấn đề quốc tế.


Ông Yi cũng chỉ ra khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và sự mất cân đối về địa lý trong tăng trưởng kinh tế giữa các vùng ven biển giàu có và khu vực nội địa chậm phát triển.

Ông Yi nói: “Khi nói về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, chúng ta cần thận trọng tránh nói quá. Tăng trưởng GDP nhanh sẽ không có ý nghĩa nếu những mất cân đối này không được giải quyết”.

Giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell, từng là cựu trưởng ban Trung Quốc thuộc IMF, cho rằng một câu hỏi quan trọng được đặt ra đó là: Liệu Trung Quốc sẽ chấp nhận những trách nhiệm đi kèm với một cường quốc kinh tế hàng đầu ngay cả khi nước này vẫn là một quốc gia có thu nhập trung bình? Vị giáo sư này cho rằng: “Từ vấn đề tỷ giá và chính sách thương mại tới biến đổi khí hậu, chính sách kinh tế của Trung Quốc giờ đây tác động quy mô toàn cầu và nước này cần phải nhìn xa hơn lợi ích quốc gia của mình”.

Bảo Minh (Tổng hợp)// BeeNet

 

 

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu
  • Bài học lịch sử về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô
  • Đẩy mạnh xuất khẩu, Đức khiến thế giới lo
  • Thiên tai gây bất ổn nguồn cung lương thực
  • Niềm tin của người tiêu dùng: Bức tranh tương phản
  • Vừa đấm vừa xoa
  • "Trung tâm kinh tế thế giới đã chuyển về Đông Á"
  • Gây dựng con chủ bài mới