Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát, trong đó có những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới và biến động trên thị trường quốc tế.
![]() |
Ảnh minh họa |
Bên cạnh yếu tố chủ quan, những yếu tố khách quan ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế nước ta. Phân tích của chuyên gia về tài chính-ngân hàng Vũ Xuân Thanh cung cấp thêm cho độc giả một góc nhìn từ các yếu tố khách quan.
Trong đó phải kể tới 2 yếu tố khách quan chủ yếu là sự suy yếu của USD và diễn biến trên thị trường Trung Quốc.
Sự suy yếu của USD
Việc Chính phủ Mỹ bắt đầu tăng cường các biện pháp bảo hộ mậu dịch nhằm giảm mức thâm hụt theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, trong đó việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông qua kế hoạch bơm thêm 600 tỉ USD vào lưu thông đã gây tác động tâm lý và đẩy USD giảm sâu. Nhiều Ngân hàng Trung ương tìm cách giảm lượng trái phiếu Mỹ và đẩy mạnh mua vàng, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại hạn chế lượng vàng bán ra (lượng vàng do IMF bán ra trong tháng 10 giảm 40% so với tháng trước) và biến động kinh tế, chính trị quốc tế đã hỗ trợ vàng tăng giá, giá vàng tăng trở lại và lên tới 1.397 USD/oz vào ngày 2/12.
Trong khi đó, USD vẫn là đồng tiền chủ chốt, phần lớn hàng hóa trong thương mại quốc tế đều được niêm yết và thanh toán bằng USD.
Vì thế, thị trường thường cảm nhận và phản ứng theo giá vàng và giá dầu thế giới. Xu hướng này ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam do các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn lệ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thị trường trong nước có thể tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ lạm phát do USD, vàng và nguyên liệu đầu vào tăng giá.
Lạm phát cao tại Trung Quốc
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc duy trì đồng nhân dân tệ (NDT) thấp hơn các loại ngoại tệ mạnh nhằm thúc đẩy xuất khẩu và thu hút dòng vốn vào; đồng thời qui định người dân, giới kinh doanh và các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải bán USD cho chính phủ để lấy NDT, dòng vốn vào cũng tăng mạnh sau khi Fed quyết định bơm thêm 600 tỉ USD vào lưu thông.
Tuy nhiên, phần lớn lượng ngoại tệ mua vào đã được Chính phủ Trung Quốc sử dụng dưới hình thức đầu tư ra nước ngoài và mua giấy tờ có giá dưới dạng ngoại tệ mạnh, chủ yếu là trái phiếu của Chính phủ Mỹ, làm tăng lượng NDT trong lưu thông.
Một kênh khác làm tăng lượng tiền trong lưu thông là chính sách kích cầu, được thực hiện từ tháng 11/2008 với 4.000 tỉ NDT được bơm vào nền kinh tế nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, đồng thời nới lỏng chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, dẫn tới lượng tiền cho vay mới trong năm 2009 lên tới 9.600 tỉ NDT, nhưng phần lớn khoản tiền lại được đầu tư vào thị trường bất động sản, chưa kể khoản tiền 2.700 tỉ NDT (387,5 tỉ USD) đã được đầu tư vào lĩnh vực này trong năm 2008. Mục tiêu tín dụng năm 2010 tuy đã giảm xuống còn 7.500 tỉ NDT, nhưng 10 tháng đầu năm đã cho vay tới 6.890 tỉ NDT.
Lượng tiền quá mức và những khoản tín dụng khổng lồ nêu trên đã gây ra tình trạng bong bóng bất động sản và chứng khoán, đồng thời làm phát sinh nợ xấu với nhiều khoản vay ngân hàng không có khả năng thu hồi, góp phần hình thành quá trình tích tụ lạm phát.
Theo con số chính thức, giá tiêu dùng tại Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá lương thực - thực phẩm tăng trên 10%, giá bất động sản tại 70 thành phố tăng 8,6%. Tuy nhiên, lạm phát thực tế tại Trung Quốc còn cao hơn nhiều.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, từ 5 năm qua, lạm phát được đánh giá và công bố thường thấp hơn thực tế tới 7%. Theo Le Monde (nhật báo Thế giới của Pháp), giá cả trung bình của 18 loại rau quả tại 36 thành phố của Trung Quốc tăng 62,4% trong 1 năm qua. Theo dự báo của Học viện Công nghệ Bắc Kinh, lạm phát sẽ tăng 10-20% vào năm 2011.
Để đối phó với lạm phát, Chính phủ Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp như tăng lãi suất ngân hàng, tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc và hạn chế cho vay, tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn tồn tại, các biện pháp điều chỉnh thị trường bất động sản đã đẩy giới đầu cơ chuyển sang lĩnh vực nguyên liệu và nông sản, làm tăng giá thực phẩm và hàng tiêu dùng nói chung, trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt trong năm đã gây thiệt hại rất lớn cho nông nghiệp và hỗ trợ lạm phát. Tình trạng này ảnh hưởng tới Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Về phương diện tiền tệ, mức xuất siêu của Trung Quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam cũng tác động vào mức lạm phát.
(Theo Xuân Thanh // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com