Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông Robert Zoellick cảnh báo, nền kinh tế thế giới đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoản toàn diện.
Sau khi kết thúc hội nghị mùa xuân giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington (Mỹ), ông Zoellick cho rằng, giá lương thực tăng cao là mối đe dọa chính mà các nước nghèo trên thế giới đang phải đối mặt.
WB cũng cảnh báo, tình hình ngày càng xấu đi tại Trung Đông và Bắc Phi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng toàn cầu.
Trong khi đó, lãnh đạo các nước G20 cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho các chính phủ mới thành lập của Trung Đông và Bắc Phi.
Ông Zoellick cho rằng hỗ trợ như vậy là cần thiết. Ông cũng kêu gọi WB hỗ trợ cải cách ở Trung Đông.
Tại cuộc họp tại Washington, sự biến động của giá dầu và tỷ lệ thất nghiệp cao cũng được thảo luận. Các lãnh đạo tài chính toàn cầu cảnh báo, giá lương thực, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, bất ổn Trung Đông và khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế tiên tiến là những yếu tố khiến phục hồi kinh tế toàn cầu bị chệch hướng.
WB khẳng định, nếu giá dầu tăng mạnh và duy trì ở mức cao, tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ bị giảm từ 0,3 đến 1,2 điểm phần trăm trong hai năm tới.
Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss - Kahn cũng bày tỏ lo lắng về tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhóm những người trẻ tuổi.
“Sự phục hồi đang được diễn ra, song tỷ lệ thất nghiệp ở hầu hết các quốc gia vẫn còn quá cao,” ông phát biểu tại hội nghị ở Washington.
Ông cho rằng, các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới vẫn cần phải khắc phục nhiều vấn đề trong lĩnh vực tài chính, trong khi các nền kinh tế mới nổi cần quan tâm tới nguy cơ tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế. Gần đây, tăng trưởng tại khu vực này đã tăng tốc, trong khi giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng tăng cao. Ông nhấn mạnh, sự phục hồi của tình trạng thất nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng của nền kinh tế toàn cầu.
Theo ông, nền kinh tế toàn cầu đang ở tình trạng khá mong manh và có nhiều khả năng xấu có thể xảy ra. Điều này yêu cầu các nước cần hành động sớm để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng.
Mặc dù IMF vẫn đang hỗ trợ các nước Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, song ông cảnh báo rằng, các ngân hàng châu Âu có thể sẽ cần nhiều vốn hơn nữa.
Các vấn đề như khủng hoảng nợ công châu Âu, thâm hụt của Mỹ và thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc cũng đang là những chủ đề nóng trên toàn thế giới.
(Vitinfo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com