Trung Quốc đi lên ngày càng mạnh mẽ, tương phản hoàn toàn với sự phục hồi yếu ớt của kinh tế Mỹ.
Đằng sau vẻ rực rỡ, hào nhoáng của bữa ăn tối ngày 19/1 giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Obama, là những con sóng ngầm phẫn nộ của nước Mỹ trước sự tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ ở Trung Quốc.
Có một điều mà ai cũng nhận thức được, đó là “một mối quan hệ tổng bằng không” trên thế giới giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất: Trung Quốc càng tăng trưởng thì nền kinh tế Mỹ càng đi xuống.
Trong khi hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới đang thưởng thức món bánh táo tại Nhà Trắng, thì ở Bắc Kinh, Trung Quốc công bố nền kinh tế tăng trưởng 10,3% trong năm 2010. Trong khi đó, các con số thất nghiệp mới nhất ở Mỹ đã sắp leo lên đến 10%.
Washington đã gây áp lực với Bắc Kinh, yêu cầu Bắc Kinh tăng giá trị đồng Nhân dân tệ vì cho rằng Trung Quốc đang dìm giá tiền tệ của mình để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Bắc Kinh lại lập luận rằng tất cả mọi người, đặc biệt là người tiêu dùng Mỹ, sẽ bị tổn hại nếu giá trị của đồng Nhân dân tệ bất ngờ tăng vọt, khiến cho một số lượng lớn hàng hóa Trung Quốc bán ở Mỹ sẽ tăng giá mạnh.
Nhưng đối với lợi ích kinh doanh của Mỹ tại Trung Quốc, trận chiến tiền tệ hiện nay là một mâu thuẫn ngắn hạn, vấn đề thực sự đang đe dọa đến quan hệ tồi tệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm tới chính là vấn đề tiếp cận thị trường.
Ông Patrick Chovanec, giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho biết: “Vấn đề tiếp cận thị trường đã trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu. Chúng ta có thể thấy, các nhà đàm phán Mỹ đã thay đổi trọng tâm của các buổi thảo luận. Vấn đề chính không còn là sự độc quyền tiền tệ của Trung Quốc nữa. Thay đổi tỷ giá hối đoái sẽ không thực sự có tác động trừ khi các công ty Mỹ được tiếp cận với thị trường Trung Quốc”.
Trung Quốc đang cố gắng chuyển từ việc tập trung vào hoạt động xuất khẩu sang việc đưa nền kinh tế theo định hướng phục vụ người tiêu dùng trong nước. Người dân Trung Quốc đang giàu lên, tạo ra một thị trường tiềm năng khiến cho các doanh nghiệp phương Tây phải thèm muốn.
Nhiều công ty Mỹ đã gặt hái lợi nhuận khổng lồ từ Trung Quốc. KFC, Pizza Hut và chuỗi nhà hàng Taco Bell ở Trung Quốc, tạo ra những khoản doanh thu cao hơn ở Mỹ, theo báo cáo của CNNMoney.
Nhưng các công ty nước ngoài chỉ có cơ hội thực sự tại Trung Quốc khi liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp Nhà nước tại bản địa, loại hình doanh nghiệp chiếm tới 40% nền kinh tế.
Nhà nước luôn tạo ra nhiều thuận lợi cho các công ty bản địa trong hoạt động kinh doanh với Chính phủ. Điều đó gây ra nhiều bất lợi cho các công ty nước ngoài ở Trung Quốc. Theo cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, có tới 28% các công ty nước ngoài tại Trung Quốc thua lỗ do các điều khoản "Cải thiện nội địa" của nước này.
Trung Quốc muốn nuôi dưỡng các công ty trong nước của mình trở thành những công ty hàng đầu thế giới. Nếu Trung Quốc có thể tạo ra Toyota, Sony hay Samsung của riêng mình, Bắc Kinh muốn họ sẽ đảm bảo rằng những sản phẩm ấy không bị cạnh tranh bởi Toyota, Sony, Samsung của Nhật, hay các đối thủ nước ngoài khác.
Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công ty công nghệ đang cảm thấy sức ép nặng nề tại thị trường Trung Quốc. Ông Greg Brown, giám đốc điều hành của Motorola, nói sau cuộc họp với phái đoàn Trung Quốc: "Chúng tôi đã thảo luận về việc cải thiện vấn đề này. Trung Quốc nên tạo ra một sân chơi công bằng hơn, và đảm bảo rằng các công ty Mỹ như Motorola và các công ty khác có thể tiếp cận các hợp đồng của Chính phủ Trung Quốc như các đối thủ bản địa”.
Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng Mỹ đã thu được lợi ích kinh tế rất lớn từ hoạt động kinh doanh với Trung Quốc. Điều đó đã được nhấn mạnh trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc tuần này, với việc Washington kí kết các hợp đồng trị giá 45 tỷ USD với Bắc Kinh.
Mỹ vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu lớn nhất củaTrung Quốc. Cả hai quốc gia cho rằng họ đều mong muốn thay đổi mối quan hệ hai bên, Trung Quốc sẽ ít phụ thuộc hơn vào hoạt động xuất khẩu tới Mỹ, và Mỹ sẽ tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, và giảm lượng nhập khẩu xuống.
Nhưng rõ ràng, việc hội nghị thượng đỉnh tuần này chú trọng vào việc thiết lập một sự cân bằng kinh tế mới hơn là giải quyết các vấn đề mâu thuẫn trước mắt như tiền tệ, sẽ làm xôn xao dư luận, và gây ra nhiều tranh cãi.
(Báo điện tử Doanh Nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com