Trong dự báo đưa ra hôm qua (25/1), Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF cho rằng, trong năm nay, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,4%, nhanh hơn mức dự báo 4,2% đưa ra hồi tháng 10/2010, chủ yếu là nhờ vào những cải thiện của nền kinh tế Mỹ.
Sự phục hồi kinh tế thế giới năm nay sẽ diễn ra theo hai nhóm tốc độ. Mỹ chỉ tăng 3%, một số nền kinh tế lớn ở châu Âu như Pháp, Đức đạt mức thấp hơn, từ 1,5 - 2% và kinh tế khu vực đồng Euro tăng trung bình 1,5%, trong khi các nền kinh tế mới nổi vẫn tăng tốc, như Trung Quốc 9,6%, Ấn Độ 8,4%, Brazil 4,5%.
Sở dĩ có dự báo tăng trưởng lạc quan như vậy, theo IMF, lừ nhờ sự phát triển mạnh mẽ hơn của các hoạt động kinh tế trên toàn cầu trong nửa cuối năm 2010.
Tuy nhiên, IMF cho rằng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ đối với các nền kinh tế khu vực đồng Euro và tổ chức này kêu gọi các nước thành viên khối này cần có các biện pháp hỗ trợ nhau trong trường hợp cần thiết để đối phó với các nguy cơ đe dọa ổn định và tăng trưởng.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert B. Zoellick một ngày trước khẳng định, việc thúc đẩy cải tổ cơ cấu phù hợp với mỗi nền kinh tế nhằm nâng cao tăng trưởng, tái cân bằng kinh tế quốc tế và nguy cơ tăng giá lương thực là những thách thức vĩ mô trong 2011 đối với kinh tế toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Tuần Tin tức của Mỹ trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), dự kiến diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, từ ngày 26 - 30/1 tới, ông Zoellick cho rằng, thế giới cần xử lý linh hoạt và củng cố nền kinh tế toàn cầu - hiện đang phục hồi vừa phải với nhiều tốc độ.
Theo đó, đối với các nền kinh tế lớn mới nổi, cần tránh tình trạng phát triển quá nóng hoặc bong bóng trong một số lĩnh vực của nền kinh tế.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cần khai thông các "tảng băng" nợ chủ quyền có thể hủy hoại khu vực tài chính. Đối với nền kinh tế Mỹ, cần thúc đẩy tạo việc làm mới trong khi ngăn chặn làn sóng tăng chi tiêu cơ cấu và nợ nần.
Hôm qua, Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) thông báo, GDP quý 4/2010 của nước này bất ngờ suy giảm 0,5% so với quý trước đó, bởi lĩnh vực dịch vụ và xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết xấu trong tháng 12 vừa qua.
Đây là lần đầu tiên kể từ quý 4/2009, GDP của Anh tăng trưởng âm. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP tăng 1.7%. Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Dow Jones Newswires dự báo, GDP quý 4 của Anh tăng 0.4% so với quý trước và 2.6% so với cùng kỳ 2009.
“Đây là một kết quả cực kỳ xấu và bất ngờ. Dù chấp nhận nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thời tiết xấu, nhưng mức giảm 0.5% trong quý 4 vừa qua là một kết quả rất thất vọng và đáng lo”, chuyên gia kinh tế trưởng Howard Archer thuộc IHS Global Insight nhận xét.
Cũng liên quan tới kinh tế Anh, trước đó một ngày, cơ quan tư vấn phá sản Begbies Traynor cảnh báo, trong năm 2011, số doanh nghiệp bị phá sản ở Anh có thể lên đến 23.500, do chương trình cắt giảm chi tiêu của chính phủ bắt đầu "ngấm" dần vào nền kinh tế.
Theo Begbies Traynor, trong quý 4/2010 tại Anh có tới 147.836 doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, tăng 20% so với quý trước đó và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2009. Đây cũng là lần đầu tiên số doanh nghiệp bị phá sản tăng trong 7 quý liên tiếp.
Điều tra của Begbies Traynor cũng cho thấy, trong số các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính có hơn 3.000 doanh nghiệp nằm trong diện "nguy hiểm," với mức nợ tổng cộng 52,7 tỷ bảng, bao gồm nợ vay, nợ nhập hàng và nợ phí dịch vụ.
Mặc dù giảm về số tiền, nhưng số doanh nghiệp có vấn đề về khả năng thanh toán lại tăng 3% so với quý 3/2010, phản ánh thực trạng đa số các nạn nhân của chính sách thắt chặt chi tiêu là các doanh nghiệp nhỏ.
Ric Traynor, Giám đốc Điều hành của Begbies Traynor cho biết các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với hai thách thức là nhu cầu nội địa giảm và sức cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ lớn.
Tin kinh tế đáng chú ý trong 24h qua tại châu Á tập trung xung quanh việc Ấn Độ nâng lãi suất lần thứ 7 kể từ năm 2010 và việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) nâng dự báo GDP năm 2010 và giảm ước báo năm 2011.
Cụ thể, trong ngày, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã nâng lãi suất cho vay và huy động thêm 0,25% nhằm xoa dịu áp lực lạm phát. Đây là lần thứ 7 kể từ năm 2010, RBI nâng lãi suất. Theo đó, mức lãi suất cho vay mới sẽ lên 6,5% và lãi suất huy động lên 5,5%.
Bên cạnh đó, RBI còn kéo dài thời hạn của chương trình hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thêm hơn 2 tháng do cuộc khủng hoảng tiền mặt hiện nay trong hệ thống ngân hàng. Thời hạn của chương trình này sẽ kéo dài tới ngày 8/4, thay vì kết thúc ngày 28/1 tới.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 25/1 đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức từ 0 - 0,1% như dự báo, đồng thời duy trì các đánh giá về tình hình chung của nền kinh tế.
BOJ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm tài khóa kết thúc vào 31/3/2011 lên 3,3%, so với mức 2,1% đưa ra hồi tháng 10/2010. Tuy nhiên, với dự báo kinh tế năm tài khóa tiếp theo, BOJ đã cắt giảm dự báo GDP xuống 1,6%, thay cho mức 1,8% công bố trước đó.
Cơ quan này dự báo, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản sẽ giảm 0,3% trong năm nay, nhẹ hơn dự báo giảm 0,4% trong tháng 10/2010. "Kinh tế Nhật Bản vẫn cho thấy những dấu hiệu phục hồi vừa phải nhưng đà phục hồi có vẻ đang do dự", BOJ nhận định.
(VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com