Nền kinh tế nhiều khu vực trên thế giới đang bị đe dọa do giá dầu tăng cao kéo dài. Đây là nối lo ngại mới có nguyên do từ những bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi.
Tại châu Á, Ấn Độ, Trung Quốc cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác đang ở trong tình trạng mà các chuyên gia kinh tế gọi là “khát dầu”, bởi châu Á chủ yếu nhập khẩu dầu từ các nước Trung Đông. Một báo cáo gần đây của Tập đoàn dầu khí Anh BP nêu con số Trung Đông cung cấp 1/3 khối lượng dầu hỏa cần thiết của châu Á.
Hai nền công nghiệp phát triển nhất tại Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc lệ thuộc đến 80% vào dầu thô của Trung Đông (Nhật Bản 90%, còn Hàn Quốc là 82%).
Ấn Độ, trong vòng 15 năm (1990 -2006) đã nâng tỷ lệ dầu nhập từ 30% lên 70% và hiện nay, Ấn Độ “hút” đến 5% sản lượng dầu thô của thế giới. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, 85% dầu thô nhập vào Singapore là từ Trung Đông.
Một số nhà phân tích cho rằng Ấn Độ có nguy cơ gặp khó khăn hơn cả trong “cơn sốt vàng đen” lần này vì 3 yếu tố, một là, Ấn Độ đã ở trong tình trạng thâm hụt dầu thô; hai là, cỗ xe kinh tế và sản xuất tại quốc gia Nam Á này hút rất nhiều dầu; ba là chính quyền nước này đang dồn hết sức lực vào việc trợ giá xăng dầu, tránh để xảy ra bất ổn trong xã hội.
Trung Quốc đã trở thành quốc gia “hút” dầu thô đứng hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ thua Hoa Kỳ. Vấn đề đặt ra là ngành sản xuất tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc hiện bị xếp vào hạng “hao dầu” vào bậc nhất.
Một trong những yếu tố đáng lo ngại khác liên quan đến nguồn dự trữ chiến lược còn yếu của khu vực châu Á. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), hiện tại, khoản dự trữ chiến lược của Trung Quốc mới chỉ đạt 40 ngày (mức tiêu chuẩn đảm bảo cho sự độc lập về năng lượng nói chung phải là 90 ngày). Và nếu như Trung Quốc đã xây dựng được một khoản dự trữ dầu hỏa chiến lược thì nhiều nước Đông Nam Á chưa có được “lối thoát hiểm” này.
Tại Hoa Kỳ, ngày 1/3 Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Ben Bernanke cho biết, giá dầu tăng kéo dài sẽ gây ra mối đe dọa đối với nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, ông Bernanke cho rằng tác động có thể sẽ xảy ra đó là giá cả tiêu dùng sẽ tăng nhẹ và tạm thời, chứ không phải là lạm phát tăng cao.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Hoa Kỳ, Chủ tịch FED khẳng định sự bất ổn ở khu vực Trung Đông là nguyên nhân chính đẩy giá dầu và khí đốt lên cao. Tuy nhiên, ông Bernanke cũng cho rằng tình hình có thể kiểm soát được.
Ở châu Âu, theo thẩm định của IEA, nếu giá dầu trung bình dao động ở mức 100 USD/thùng trong cả năm 2011, EU sẽ phải trả thêm 76 tỷ USD để nhập khẩu dầu. Năm 2010, “hóa đơn dầu” của 27 nước thành viên EU đã lên tới 375 tỷ USD.
Saudi Arabia, nguồn cung cấp dầu hỏa số 1 của thế giới, ngày 28/2 tuyên bố sẵn sàng gia tăng sản lượng nhằm bảo đảm ổn định trên thị trường quốc tế, qua đó làm hạ nhiệt giá dầu, sau khi giá vàng đen đã tăng cao vào tuần trước. Dù vậy, những gì đang diễn ra ở Trung Đông vẫn làm cho thế giới phải lo ngại, vì ở khu vực này có những nước xuất khẩu dầu mỏ.
(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com