Tại sao Trung Quốc và Nga trước đây hay làm ngơ trong việc thi hành các biện pháp cấm vận Iran, lần này vẫn chấp thuận thông qua lệnh trừng phạt? Với tỷ lệ 12/2, kết quả bỏ phiếu này là dấu mốc trong chiến lược ngoại giao đa phương của chính quyền Obama, thay vì song phương của chính quyền Bush.
Theo kịch bản đầu tiên, Mỹ và phương Tây đã đề xuất những biện pháp trừng phạt rộng lớn hơn, trong đó nhằm cả vào ngành công nghiệp dầu khí và ngân hàng trung ương của Iran. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã không ủng hộ những biện pháp trừng phạt mở rộng như vậy.
Sau năm tháng thảo luận, hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thứ tư tuần trước đã thông qua nghị quyết ngăn cấm Iran trong các hoạt động hạt nhân, chương trình tên lửa đạn đạo, và lần đầu tiên Iran bị cấm trong các hoạt động liên quan đến vũ khí quy ước phi hạt nhân.
Tác động đến chương trình hạt nhân
Nếu nghị quyết này có hiệu lực, Iran sẽ phải trả giá đắt hơn cho việc tiếp tục chương trình hạt nhân. Những biện pháp trừng phạt này cho dù khó cản trở chương trình làm giàu uranium của Iran, nhưng có thể làm chậm lại toàn bộ chương trình hạt nhân của nước này.
Nghị quyết bật đèn xanh cho các nước thành viên tiến tới hành động mạnh tay hơn trong quan hệ song phương với Iran. Sẽ hình thành một sự kết hợp giữa chế độ trừng phạt theo mẫu số chung thấp nhất ở cấp độ toàn cầu với các trừng phạt bao quát và mạnh mẽ hơn, không chỉ từ Mỹ mà cả từ những đối tác thương mại quan trọng của Iran như EU và Nhật Bản.
Nếu những sự kiện cho đến nay quả thực đã làm yếu đi sự ủng hộ của dân chúng trong nước thì Iran sẽ phải tính lại các ưu tiên. Việc tái thiết và phát triển sức mạnh truyền thống của các lực lượng quân sự và an ninh sẽ được chú ý hơn so với chương trình hạt nhân. Iran có thể sẽ ưu tiên đối với các vấn đề phúc lợi xã hội để tìm kiếm lòng trung thành của quần chúng ở nông thôn vốn là cơ sở của nền cộng hoà Islamic.
Nếu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei quyết tâm thực hiện cam kết chính trị để sở hữu các vũ khí hạt nhân thì lệnh trừng phạt dù có “róc da xẻ thịt” nền kinh tế đất nước nhưng không thể ngăn chặn được sự bùng phát hạt nhân của người Iran.
Điều gì ở đằng sau thay đổi của Nga và Trung Quốc?
Tại sao Trung Quốc và Nga trước đây vẫn ủng hộ Tehran, thường hay nới lỏng hoặc làm ngơ trong việc thi hành các biện pháp bao vây/cấm vận đối với Iran, nhưng lần này lại chấp thuận việc thông qua lệnh trừng phạt? Chính quyền Obama đã có “những ván bài lật ngửa” với điện Kremlin. Những quan ngại to lớn của Nga về một số lĩnh vực khác như phòng thủ tên lửa đã trở thành vật trao đổi có giá để Nga giúp Mỹ trong vấn đề Iran.
Nước Nga từ trước tới nay vẫn ủng hộ Iran có quyền xây dựng nền công nghiệp hạt nhân dân sự, nhưng phải có sự giám sát quốc tế. Nga chưa từng và kể cả hiện nay cũng không phải là người ủng hộ việc thay đổi chế độ ở Iran. Nga không hề ép Iran phải tháo dỡ và phá huỷ hạ tầng hạt nhân của mình.
Tuy nhiên Moscow đã từ bỏ ý đồ khai thác vấn đề Iran như là cái gai trong hồ sơ quan hệ với Mỹ. Tác nhân của quyết định này lại là Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Sau khi nhậm chức, ông này đã kéo dài hợp đồng cho hạm đội Biển Đen của Nga đóng ở Crimea, chính thức từ chối việc gia nhập NATO và tái lập lại các quan hệ kinh tế với Moscow. Điều này đã dẫn tới sự xuống thang của cuộc cạnh tranh địa – chính trị giữa Washington và Moscow đối với không gian Á – Âu.
Khi Nga thay đổi, Bắc Kinh không muốn mình là thành viên cô độc duy nhất trong nhóm năm thành viên hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết ngăn cản việc thông qua lệnh trừng phạt. Ngay cả khi có hiệp định giữa Brazil – Thổ Nhĩ Kỳ với Iran, người Trung Quốc cũng không muốn mình đứng ra cầm đầu khối “không phải là phương Tây”. Đi xa hơn, Trung Quốc cũng quyết định không bỏ phiếu trắng. Giả sử như Trung Quốc bỏ phiếu trắng, cộng với hai phiếu phản đối của Brasilia và Ankara, ba nước này ít nhất cũng đã dựng lên được một câu chuyện về cái gọi là sự áp đặt của khối Âu – Mỹ lên phần còn lại của thế giới.
Chính quyền Obama đã ráo riết thuyết phục người Nga sẽ được nhiều cái lợi nếu Moscow ủng hộ quan điểm trừng phạt Iran của Mỹ. Giờ đây khi tất cả đã bước lên con thuyền của Liên hiệp quốc trừng phạt Iran, Nga có quyền chờ đợi chính quyền Obama chèo chống với Quốc hội Mỹ sao cho chủ trương tái khởi động quan hệ với Nga trở thành hiện thực. Chủ trương này bao gồm: phê chuẩn hiệp ước START, không ngăn chặn hiệp định 123 với Mỹ về hạt nhân dân sự và không cài bẫy trong bất cứ một dự luật trừng phạt nào của Mỹ đối với Iran.
Đã vượt được nửa chặng đường trong nhiệm kỳ đầu tiên, Obama và các cộng sự của ông đã đạt được một số kết quả trong chính sách của Mỹ đối với Iran và Nga, nhưng đây là cả một tiến trình mong manh và không có gì bảo đảm là nó không bị đảo ngược.
( Theo Nguyễn Hồng Mai // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com