Hàng triệu việc làm đã bị mất tại thị trường lao động châu Âu và cái đà này sẽ còn tiếp diễn, khi các chính phủ trong khu vực theo đuổi chính sách cắt giảm chi tiêu và giảm nợ công.
Đó là một trong những cái giá đắt nhất mà các nền kinh tế châu Âu phải trả do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngoài ra, chính sách “thắt lưng, buộc bụng” cũng là một nguyên nhân đẩy những người lao động đổ xuống đường biểu tình hôm 28/9 tại Brussel, đại bản doanh của Liên minh châu Âu (EU), cũng như tại các nước thành viên khác như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italy, Latvia, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Séc.
Dưới đây là một vài số liệu về những gì mà người dân châu Âu đang phải “gồng mình gánh chịu” hệ lụy của khủng hoảng toàn cầu.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Anh hồi đầu năm nay đã lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, nhưng sau đó đã giảm bớt và tới tháng 6 chỉ còn 7,8%. Chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ Cameron nhằm mục tiêu cắt giảm 25% chi tiêu ngân sách, không tăng lương trong vòng hai năm đối với một số viên chức nhà nước và nâng tuổi về hưu lên 66.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp cũng lên tới đỉnh 10% vào tháng 7/2010, so với mức 7,6% hồi mùa Xuân năm 2008. Các kế hoạch của chính phủ như cắt giảm chi tiêu và bảo hiểm y tế, tăng tuổi về hưu... đã khiến các các nghiệp đoàn phẫn nộ và châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn.
Tuy là quốc gia duy nhất ở châu Âu tránh được tình trạng thất nghiệp hàng loạt nhờ một phần đáng kể vào chính sách "giảm bớt giờ làm việc” nhằm giúp các công ty vượt qua cơn khủng hoảng, song tỷ lệ thất nghiệp ở Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - vẫn tăng nhẹ trong năm 2009, sau đó giảm dần xuống 6,9% vào tháng 7/2010, so với mức 7,1% hồi mùa Đông 2008. Chính phủ Đức cũng công bố kế hoạch cắt giảm trợ cấp đối với những người thất nghiệp dài hạn và trợ cấp cho những cặp bố mẹ trẻ.
Thất nghiệp ở Hy Lạp hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm qua (11% hồi tháng 3/2010), cao hơn nhiều so với mức thấp nhất 7,55% vào giai đoạn Xuân-Hè 2008. Tháng 4 vừa qua, EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cứu Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ trông thấy với một chương trình cho vay thời hạn 3 năm. Đổi lại, Hy Lạp buộc phải thực thi chính sách kinh tế hết sức khắc khổ, trong đó có việc cắt giảm 15% lương công chức nhà nước và khu vực dịch vụ công, ngừng thuê mướn lao động... trừ các ngành giáo dục, y tế và cảnh sát.
Từng gặt hái thành công về kinh tế (chủ yếu nhờ bất động sản và chính sách thuế khóa thấp, giúp thu hút mạnh đầu tư), song Ireland là thành viên đầu tiên của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) rơi vào suy thoái ngay từ đầu năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này hiện đang ở mức cao nhất trong 16 năm qua (trong tháng 7/2010 là 13,6%, mức thấp nhất là 4,4% vào năm 2007). Năm ngoái, Ireland đã thực thi hai kế hoạch kinh tế khắc khổ là cắt giảm phúc lợi và cắt giảm 5-15% lương công chức, viên chức.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Italy đã tăng mạnh kể từ giữa năm 2009 nhưng đang giảm trở lại kể từ tháng 6 năm nay (ở mức 8,4% vào tháng 7/2010, so với mức thấp nhất là 5,8% vào năm 2007). Chính phủ Italy đã ban bố một loạt giải pháp "thắt lưng, buộc bụng", trong đó có chính sách "đóng băng" lương của công nhân viên chức nhà nước trong vòng 3 năm và tăng độ tuổi về hưu trong khu vực tư nhân.
Mặc dù là nền kinh tế duy nhất của châu Âu đạt tăng trưởng trong năm 2009, song Ba Lan cũng gánh chịu mức tăng kỷ lục về tỷ lệ thất nghiệp (9,4% trong tháng 7/2010 so với mức 6,9% vào mùa Thu năm 2008). Chính phủ Ba Lan đã quyết định tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) thêm 1% vào năm 2011 tới, lên 23%, với thời hạn ít nhất là 3 năm.
Tây Ban Nha hiện có tỷ lệ thất nghiệp gấp 2,5 lần (20,3% vào tháng 7/2010) so với mức 7,9% vào mùa Xuân 2007. Luật lao động của nước này mới đây đã được xem xét lại nhằm tăng tính linh hoạt hơn về những vấn đề như thời hạn hợp đồng lao động, tuyển mộ và sa thải. Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã ban bố hai kế hoạch cắt giảm mạnh tay - trong đó có tăng VAT, cắt giảm chi tiêu ngân sách, “đóng băng” lương hưu, giảm lương công chức nhà nước và cắt bỏ trợ cấp cho những người thất nghiệp dài hạn.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com