Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tìm cơ hội từ giảm thuế

Hàng loạt hiệp định thương mại mậu dịch tự do (FTA) giữa VN với các nước đã được ký kết và có hiệu lực, thị trường xuất khẩu rộng mở do hàng rào thuế quan các nước giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng có không ít doanh nghiệp, ngành hàng bỏ lỡ...

Chiều 7-10, có mặt tại Phòng quản lý xuất nhập khẩu TP.HCM (số 8 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1), một trong hai điểm cấp C/O (để được giảm thuế theo FTA, hàng xuất khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ C/O) tại TP.HCM, chúng tôi ghi nhận có khoảng vài chục nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu của các DN đang chờ lấy C/O đã xin cấp trước đó.

 Giá trị xuất khẩu hàng hóa tận dụng ưu đãi từ FTA - Nguồn: Bộ Công thương

 

Tăng xuất khẩu sang Nhật, Hàn

Không khí làm việc tại đây khá khẩn trương, tất bật. Chị T., nhân viên một DN xuất khẩu hàng dệt may tại TP.HCM, cho biết gần như tuần nào cũng có mặt tại đây 2-3 lần để làm thủ tục xin cấp C/O. Hầu hết doanh nghiệp ở đây đều xin C/O mẫu AK (dành cho hàng xuất đi Hàn Quốc) và mẫu AJ (xuất đi Nhật Bản) cho các mặt hàng may mặc, đồ gỗ, thủy sản...

Tìm đến Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 (TP.HCM), chúng tôi khá ngạc nhiên khi xem sổ kế hoạch giao hàng cho cuối quý 3 và đầu quý 4-2010, bởi hầu hết địa chỉ nơi đến đều ở Nhật với số lượng hàng chục ngàn chiếc quần cho mỗi lô hàng xuất.

Theo ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Sài Gòn 3, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật tăng thêm khoảng 20% và đang chiếm đến 65% (tương ứng 55 triệu USD) trong tổng kim ngạch xuất khẩu 85 triệu USD của công ty năm 2010.

Ông Hồng cho hay kể từ khi Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) có hiệu lực từ năm 2009, hàng xuất khẩu của công ty sang thị trường này tăng mạnh do thuế suất giảm. Hiện sản phẩm dệt may xuất khẩu từ VN có nguồn gốc nguyên liệu từ VN, Nhật hoặc các nước ASEAN khi vào Nhật đều hưởng mức thuế nhập khẩu bằng 0%, thay vì 10% như trước.

Ông Lê Văn Đạo, tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN, nói thị trường Nhật là một trong số những thị trường được các doanh nghiệp trong nước khai thác rất tốt những ưu đãi mà VJEPA mang lại. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc cũng tăng trưởng ấn tượng khi kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 220 triệu USD trong chín tháng đầu năm 2010, tăng đến 60% so với cùng kỳ 2009.

Theo ông Đạo, nhóm hàng này được hưởng lợi tương đối lớn từ các cam kết trong FTA ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) do mức thuế trung bình đối với hàng dệt được giảm từ 8% xuống 0% và với hàng may giảm từ 13% xuống 0%.

Tôm xuất khẩu lên ngôi

Con tôm cũng đang lên ngôi ở thị trường Hàn Quốc. Ông Lê Văn Quang, tổng giám đốc Công ty CP thủy hải sản Minh Phú, hồ hởi: “Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ tôm đông lạnh thứ hai của Minh Phú (sau Mỹ) với mức tăng trưởng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Tám tháng đầu năm 2010, Minh Phú xuất khẩu sang Hàn Quốc trên 2.100 tấn tôm đông lạnh với trị giá gần 17 triệu USD “nhờ tận dụng tốt AKFTA với thuế suất của mặt hàng này giảm mạnh”. Cụ thể, trước AKFTA thuế suất đối với tôm khi vào Hàn Quốc là 20-28%, hiện chỉ còn 13-20%. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu cho công ty nằm trong hạn ngạch của Hàn Quốc (quota nhập khẩu) thuế còn 0%.

Riêng mặt hàng tôm vào thị trường Nhật, theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), VN đã vươn lên đứng đầu về cung cấp tôm nguyên liệu đông lạnh (raw frozen). Tám tháng đầu năm, nhập khẩu tôm đông lạnh các loại của Nhật Bản đạt trên 125.000 tấn, trị giá khoảng 1,13 tỉ USD và VN là nhà cung cấp lớn nhất với khối lượng đạt trên 25.000 tấn.

Với mặt hàng nông sản rau quả, ông Huỳnh Quang Đấu, phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), cho biết nhờ FTA Trung Quốc - ASEAN nên một số mặt hàng đang có thế mạnh của VN xuất sang Trung Quốc như dưa hấu, thanh long, chôm chôm, dứa, một số loại rau, củ... đã tìm được chỗ đứng tại thị trường rộng lớn này khi mức thuế suất chỉ còn 0% so với mức trước đó 12-24%.

Cơ hội vẫn bị cho qua...

Xét về mặt tổng thể, những hiệp định FTA mà VN đang tham gia trong thời gian gần đây đều có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết các DN thuộc nhiều lĩnh vực ngành hàng trong nước vẫn chưa thật sự khai thác hết cơ hội từ việc giảm thuế vì nhiều lý do khác nhau.

Dù không phủ nhận các lợi ích mang lại từ các hiệp định thương mại cho DN nhưng ông Phạm Xuân Hồng cho rằng: “Thật ra nhiều DN vẫn thụ động ngồi chờ lợi ích tới hơn là chủ động tìm kiếm và nắm bắt lấy nó”.

Sự thụ động, theo ông Hồng, thể hiện ở chỗ DN ngồi chờ các nhà nhập khẩu tìm đến đặt hàng theo khuôn mẫu có sẵn, chứ không chủ động đi chào mời họ. Lý do khách quan ở đây, ông Hồng nhấn mạnh, cũng chỉ vì chưa chủ động nguồn nguyên phụ liệu lẫn chưa làm chủ được các công đoạn thiết kế - tạo mẫu.

“Chính các nhà nhập khẩu nước ngoài thấy trước những ích lợi từ việc giảm thuế từ các hiệp định thương mại sẽ mang lại cho họ những gì nên họ mới tung quân đi tìm kiếm nơi cung ứng nào mang lại cho họ hiệu quả kinh tế cao nhất. Từ đó chúng ta mới được hưởng lây” - ông Hồng thẳng thắn nói.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Rau quả VN, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc gặp khá nhiều khó khăn bởi nước này dựng hàng rào kỹ thuật về quy định xuất xứ hàng, bao bì, nhãn mác khá chặt chẽ. Nhiều nhà xuất khẩu VN chưa thể đáp ứng được các quy định này.

Vấn đề này cũng được ông Lê Quang Lân, vụ phó Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương), cảnh báo: “Hàng rào phi thuế quan là điều cực kỳ quan trọng nhưng đôi khi các nhà xuất khẩu VN không chú ý. Nếu chúng ta làm tốt điều này cộng với yếu tố thuế giảm thì hàng xuất khẩu của VN sẽ còn cạnh tranh hơn nữa”.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Quang cho biết vẫn còn nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ và giấy chứng nhận xuất xứ, cũng như gần đây còn tốn thời gian hơn so với trước kia. “Trước kia chúng tôi xin cấp C/O chỉ trong một ngày nhưng giờ phải mất hai ngày mới xong” - ông Quang dẫn chứng.

(Tuổi trẻ)

  • Đau đầu với nhập siêu
  • Chương trình bình ổn giá tại TPHCM: Điều tiết thị trường
  • Đẩy lùi nhập siêu, xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng
  • Mỗi tháng nhập siêu gần 1 tỉ đô la Mỹ
  • Trước thời điểm siết chặt việc quản lý giá sữa (1-10-2010) Đua nhau tăng giá
  • Giá dầu đậu tương sẽ tăng trong năm 2011
  • "Khả năng nhập siêu năm 2010 sẽ lên tới 14 tỷ USD"
  • Chỉ tiêu kinh tế 2010: Lo nhập siêu, mừng xuất khẩu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo