Hàng xuất khẩu lẽ ra sẽ cạnh tranh hơn nếu giảm được chi phí logistics. Ảnh: SGT Online. |
Thành tích xuất khẩu của Việt Nam lẽ ra sẽ còn cao và hiệu quả hơn nữa nếu quản lý nhà nước khắc phục được những hạn chế về cơ sở hạ tầng, tệ tham nhũng, tính khó tiên liệu của chính sách, và tạo giá trị gia tăng cho hàng hoá.
Những gợi ý này được các nhà kinh tế, nhà doanh nghiệp đưa ra trong cuộc hội thảo nhằm gợi ý chính sách cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới và Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức ngày 4-7 tại Hà Nội.
Theo ông Phạm Minh Đức, Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mức trung bình tới 17% trong vòng hơn 20 năm qua. Con số này tăng 34% năm 2011, 18% năm 2012, và 20% trong quí 1-2013 bất chấp kinh tế toàn cầu gặp khó khăn.
Tuy nhiên, những thành công này lại đang đạt “đến giới hạn”, và bị ngăn trở bởi rất nhiều những rào cản trong nước, từ thiếu hụt cơ sở hạ tầng đến nạn tham nhũng.
Theo chuyên gia về hạ tầng Paul Vallery từ Ngân hàng Thế giới, chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho dịch vụ logistics ở Việt Nam đang quá cao so với trung bình của thế giới.
Theo nghiên cứu của chuyên gia này, chi phí cho logistics ở Việt Nam chiếm tới 25% tổng sản phẩm nội địa (GDP), cao hơn rất nhiều so với 19% GDP ở Trung Quốc, hay 8-9% GDP ở Nhật Bản.
“Nếu Việt Nam giảm được 1-2% GDP chi phí cho vận tài và logistics thì đã tăng được bao nhiêu cho năng lực cạnh tranh xuất nhập khẩu”, ông nhận xét.
Ông ước tính, chỉ trong năm 2012, chi phí trong kiểm kê hàng hoá và kho bãi lên tới 261 triệu đô la Mỹ, chiếm tới 15% tổng chi phí vận chuyển container ở Việt Nam. Trong khi đó, tắc nghẽn và chậm trễ cũng làm các doanh nghiệp mất khoản chi phí tương ứng 150 triệu đô la Mỹ.
Ngoài ra, nhiều cảng ở Việt Nam chưa được sử dụng hết công suất (chẳng hạn, cảng biển nước sâu mới tại Cái Mép - Thị Vải chỉ đạt 18% tiềm năng vào thời điểm hiện tại, và dự kiến 40% vào năm 2020) khiến chi phí cho cảng tăng lên tới 1,2 tỉ đô la Mỹ.
Ông nói: “Các doanh nghiệp nước ngoài phải cân nhắc khi đến Việt Nam làm ăn vì những khoản chi phí này”.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Deepak Mishra, dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện nay đắt đỏ là hậu quả của tình trạng các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả.
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, chi phí vận tải đang chiếm tới 60% chi phí logistics. Bên cạnh đó, Việt Nam thiếu trầm trọng hệ thống kho hàng có tiêu chuẩn hiện đại.
Ông Quang cũng nhận xét quy hoạch kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chẳng hạn cảng được xây dựng nhưng không được kết nối với các luồng, và với các khu công nghiệp như trường hợp Cái Mép, Hiệp Phước, Cái Lân cho thấy sự lãng phí trầm trọng.
Trong bản báo cáo, Ngân hàng Thế giới gợi ý, Việt Nam nên thành lập Uỷ ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại.
Bên cạnh đó, cải thiện cơ sở hạ tầng, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ giúp cải thiện năng lực xuất khẩu của đất nước.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com