Doanh nghiệp lo ngại ACFTA
(Theo Thái Hằng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Một công đoạn sản xuất đồ gỗ nội thất.Gỗ nội thất trong nước theo Hiệp hội Đồ gỗ và Thủ công mỹ nghệ TPHCM hiện đang bị đồ gỗ nội thất Trung Quốc cạnh tranh mạnh.Ảnh: Thái Hằng |
Một số mặt hàng trong nước lâu nay cạnh tranh khá chật vật với sản phẩm nhập khẩu từ các các nước trong khu vực, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp nhận định, sức ép cạnh tranh sẽ càng lớn hơn khi thực hiện Hiệp định tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc (ACFTA).
Nguy cơ từ "những người láng giềng”
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị phần thép cuộn sản xuất trong nước năm vừa qua đã tụt giảm xuống còn dưới 20% do sản phẩm cùng loại từ các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia và đặc biệt là Trung Quốc. Ông Nghi cho biết, như tháng 4-2009, thuế nhập khẩu thép xây dựng thành phẩm tăng từ 12% lên 15%, phôi thép tăng từ 5% lên 8% nhưng thép trong nước vẫn mất thị phần trước sự cạnh tranh của thép nhập từ Trung Quốc và một số nước ASEAN.
Trong sản xuất thép còn có mặt hàng thép thanh, chiếm đến 77% cơ cấu sản xuất, là sản phẩm thép duy nhất còn chưa bị cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. “Tuy nhiên, chúng tôi đang lo ngại cho mặt hàng này trong năm 2010. Vì theo dự báo, thép Trung Quốc dư thừa về sản lượng, thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ xuất khẩu của chính phủ Trung Quốc từ năm 2009 vẫn được duy trì, nên nhiều khả năng thép thanh của Trung Quốc cũng sẽ sớm xâm nhập thị trường Việt Nam”, ông Nghi nói.
Ngành giấy cũng gặp khó khăn tương tự trong việc đối phó với sản phẩm nhập khẩu. Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giấy Sài Gòn cho biết, trong năm 2008-2009, giấy bao bì nhập chủ yếu từ Indonesia, Đài Loan có giá thậm chí còn thấp hơn giá thành sản phẩm cùng loại trong nước. Bên cạnh đó, thuế suất nhập khẩu mặt hàng giấy in trong khuôn khổ các nước ASEAN chỉ còn 0 - 3%. "Hiện tại, cạnh tranh được với hàng nhập thì chỉ có một số doanh nghiệp liên doanh mới có khả năng", ông Vị nhận định.
Ông Vị cũng cho biết thêm những thành viên khác trong Hiệp hội Giấy Việt Nam hiện cũng đang rất lo lắng trước nguy cơ từ Trung Quốc. Trung Quốc là một nước rất mạnh về sản xuất giấy, từ giấy ăn đến giấy in, bao bì các loại…
Nhiều ngành sản xuất khác trong nước cũng bị áp lực cạnh tranh lớn từ các nước ASEAN lẫn Trung Quốc, không phải chỉ từ thời điểm thực hiện ACFTA mà đã từ lâu nay. Nói như một quan chức ngành xuất nhập khẩu trong một hội thảo về giao thương với Trung Quốc gần đây, rằng “hàng Trung Quốc không cần đến hiệp định thương mại tự do cũng đã làm điêu đứng sản xuất trong nước” bởi những thế mạnh về giá lẫn chủng loại, số lượng...
Chưa có biện pháp tự vệ
Theo VSA thị phần thép cuộn do trong nước sản xuất năm 2009 giảm xuống dưới 20% do cạnh tranh từ thép nhập khẩu. Ảnh: Văn Nam |
Ông Nghi cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết, những nhà sản xuất thép trong nước sau những va chạm với hàng nhập đã tính đến biện pháp hàng rào kỹ thuật và VSA cũng đang cùng với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng bộ tiêu chuẩn thép xây dựng, dự kiến sẽ công bố vào cuối năm 2010.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm là không có hy vọng nhiều, vì bộ tiêu chuẩn này sẽ chỉ giúp doanh nghiệp trong nước đối phó với thép thứ phẩm nhập ồ ạt, còn đối với sản phẩm có chất lượng tương đương trong khu vực thì cũng chẳng có tác dụng nếu không có sự kết hợp cùng những biện pháp hay chính sách thuế hoặc tỷ giá của Nhà nước.
Còn đối với biện pháp phòng vệ thương mại, mặc dù đã có những thiệt hại khá lớn về mặt thị phần, ngành thép chưa áp dụng bất cứ biện pháp tự vệ nào.
Thực tế là cho đến nay, chỉ mới có mặt hàng kính nổi là có doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ vì có số lượng quá lớn sản phẩm cùng loại nhập khẩu vào Việt Nam, đe dọa sản xuất trong nước. Vụ việc cho đến nay vẫn trong giai đoạn điều tra.
Chính vì chưa có một ngành sản xuất nào trong nước áp dụng thành công biện pháp phòng vệ thương mại đã khiến nhiều doanh nghiệp và hiệp hội khá e dè, mặc dù những thiệt hại do hàng nhập khẩu gây ra cho ngành sản xuất của mình hoàn toàn có đủ cơ sở để tiến hành điều tra.
Một chuyên viên Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết hiện Việt Nam vẫn chưa có một bộ hàng rào kỹ thuật đầy đủ cho các ngành sản xuất trong nước, hoặc nếu có cũng chỉ do các hiệp hội, ngành nghề hợp tác với Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng để thực hiện và sau đó trình lên Chính phủ phê duyệt.
Biện pháp tự vệ trước hàng nhập khẩu ồ ạt từ các nước hiện nay, theo chuyên viên này vẫn là những biện pháp thuần về thủ tục hành chính như kiểm tra kỹ xuất xứ, phải đảm bảo tỷ lệ 40% nội địa hóa đối với các nước ASEAN, hoặc thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục đăng kiểm hàng hóa.
Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương từ năm 1994 đến nay đã có 37 vụ kiện về thương mại của các nước đối với Việt Nam, trong đó 31 vụ về chống bán phá giá. Liên minh châu Âu (EU) trở thành thị trường khó tính nhất với 10 vụ kiện trên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cá tra, cá ba sa, tôm, túi nhựa PE… và gần đây nhất là giày mũ da. Trong khi đó, Việt Nam chưa có bất cứ một vụ áp dụng biện pháp tự vệ thương mại nào đối với sản phẩm nhập khẩu. |
Nhập siêu do ACFTA?
(Huỳnh Phan (thực hiện) // Theo Sài Gòn Tiếp Thị )
Theo tin của nhật báo Bưu điện Jakarta hôm 21.1.2010, trong phiên điều trần giữa Chính phủ và uỷ ban Công thương thuộc Hạ viện Indonesia trước đó một ngày, bộ trưởng Thương mại Mari Elka Pangestu đã khẳng định rằng chính phủ nước này đã gửi thư lên ASEAN, yêu cầu đàm phán lại một số dòng thuế trong hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), về nguyên tắc có hiệu lực từ 1.1.2010.
Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú, tổng thư ký uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế và trưởng đoàn đàm phán chính phủ về thương mại quốc tế.
Thưa ông, việc Indonesia sẽ sớm thảo luận với Trung Quốc về việc hoãn thực thi ACFTA, liệu có gây một sức ép, hay khó khăn nào đó lên Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN?
Không hề. Thứ nhất, việc làm của Indonesia đã được dự liệu trong điều 6 của hiệp định, trong đó quy định nước tham gia có thể sửa đổi cam kết nếu được các bên nhất trí. Nước đó phải thông báo, phải tham vấn với các bên tham gia hiệp định, chủ yếu là với nước bị tác động trực tiếp. Khi sửa đổi như vậy, theo thông lệ quốc tế, phải có biện pháp đền bù, tức là đẩy nhanh lộ trình giảm thuế các mặt hàng khác.
Thứ hai, ACFTA không phải là hiệp định chung giữa khối ASEAN và Trung Quốc mà là hiệp định của 11 nước bình đẳng với nhau, quyền lợi ngang nhau. Vì vậy, việc Indonesia đề nghị hoãn giảm thuế 228 nhóm hàng và đẩy nhanh việc giảm thuế 153 nhóm hàng khác, theo như báo chí đưa tin, hoàn toàn là việc riêng của họ, chứ không phải của ASEAN, và càng không liên quan đến chủ tịch ASEAN.
Tuy là chủ tịch ASEAN, Việt Nam không phải lo giải quyết, hay làm trung gian hòa giải gì cả. Chúng ta chỉ phải hỗ trợ cho tiến trình để các bên đạt được thoả thuận tốt nhất, phù hợp với lợi ích chung của các bên và lợi ích riêng của nước là đối tượng thay đổi cam kết.
Theo nhìn nhận của một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh trình độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn yếu kém, Việt Nam tham gia vào chương trình thu hoạch sớm làm gì, để nhập siêu ngày càng tăng?
Tôi nghĩ có sự hiểu lầm trong cách đánh giá này.
Thứ nhất, chương trình thu hoạch sớm là một trong ba cấu thành của lộ trình cắt giảm thuế theo hiệp định ACFTA. Hai cấu thành còn lại là cắt giảm thuế theo danh mục thông thường, và cắt giảm thuế theo danh mục nhạy cảm.
Thứ hai, thu hoạch sớm chủ yếu động chạm đến hàng nông sản chưa chế biến. Theo số liệu căn cứ cho đàm phán lúc đó, tức là số liệu xuất nhập khẩu năm 2002, chương trình thu hoạch sớm sẽ có tác động đến 389 triệu USD giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, và 280 triệu USD giá trị hàng hoá nhập khẩu từ họ. Trong đó, các mặt hàng được hưởng lợi từ chương trình thu hoạch sớm rất quan trọng tới Việt Nam, như hải sản (201 triệu USD) và rau quả (129 triệu USD).
Trên thực tế, riêng với các nhóm hàng thuộc chương trình thu hoạch sớm, xuất siêu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng theo từng năm. Số liệu xuất siêu từ năm 2004 đến 2008 khi kết thúc chương trình này, lần lượt là 88 triệu USD, 124 triệu USD, 186 triệu USD, 248 triệu USD, và 234 triệu USD (do khủng hoảng toàn cầu).
Nhưng đổi lại việc được hưởng lợi từ chương trình thu hoạch sớm với xuất siêu tăng nhiều chục triệu USD hàng năm, chúng ta lại chịu nhập siêu từ Trung Quốc tăng nhiều tỉ USD hàng năm, trong lộ trình cắt giảm tới gần 7.000 dòng thuế theo ACFTA. Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng với việc tham gia ACFTA, chúng ta đã tham bát bỏ mâm?
Theo số liệu năm 2001, căn cứ để đàm phán ACFTA, thực chất 53% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc khi đó bị tác động, tức là thuộc nhóm 90% các dòng thuế trong lộ trình cắt giảm, còn 47% kim ngạch nhập khẩu thuộc về 10% hàng hoá không nằm trong lộ trình cắt giảm thuế. Đến năm 2007, các con số tương ứng là 37% và 63%. Như vậy, chưa kể tới việc lộ trình cắt giảm thuế quan của ta chậm hơn năm năm so với Trung Quốc, rõ ràng suy luận trên là thiếu cơ sở.
Tại sao nhập siêu lại tăng mạnh như vậy? Chủ yếu là từ máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, hoặc để hình thành hạ tầng cơ sở và năng lực sản xuất. Những thứ không thể thiếu trong quá trình phát triển đó, nếu không nhập của Trung Quốc, cũng phải nhập từ nước khác. Nếu nhập từ nước phát triển, tuy chất lượng có thể tốt hơn, nhưng chắc chắn giá sẽ cao hơn nhiều và tổng nhập siêu sẽ lớn hơn nhiều. Đây là sự lựa chọn của doanh nghiệp, nằm ngoài ý chí của Chính phủ và của xã hội.
Không còn cách nào khác, chúng ta chỉ có thể giải quyết tận gốc vấn đề nhập siêu bằng cách phát triển các ngành sản xuất nguyên nhiên vật liệu, thay vì xuất thô nhập thành phẩm; phát triển ngành công nghiệp cơ khí để đáp ứng nhu cầu máy móc; ngành vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu xây dựng hạ tầng, và công nghiệp phụ trợ để khỏi phải nhập linh kiện phụ tùng.
Trước khi ta đủ lớn mạnh để có thể cạnh tranh với cường quốc đi trước chúng ta cả chục năm, với rất nhiều ưu thế, rõ ràng việc giảm thuế đã tác động đến sản xuất trong nước. Tại sao ta không tích cực dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ nhà sản xuất, và cả người tiêu dùng, đối với những hàng hoá giá rẻ, kém chất lượng?
Chúng ta đã hội nhập tương đối sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực, và theo thông lệ, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc tối huệ quốc và đối xử quốc gia. Tức là không được phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, giữa hàng hoá trong nước và nước ngoài.
Không phải chúng ta không áp dụng những biện pháp kỹ thuật như vậy, nhưng kết quả lại không như mong muốn. Bởi, do trình độ công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất của ta còn tương đối thấp, hầu hết các nhà sản xuất của ta khó đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cao. Chúng ta buộc phải tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng và có lộ trình cụ thể để giúp các nhà sản xuất trong nước, chứ không phải tạo thêm khó khăn cho họ. Trình độ họ tới đâu, quy định về chất lượng nâng tới đó.
Tại sao chúng ta chưa có chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, còn những doanh nghiệp nào không theo được thì nên loại bỏ? Như vậy, cả nền kinh tế, cả những doanh nghiệp tốt và cả người tiêu dùng đều có lợi.
Đây là một vấn đề phức tạp, và phải cân nhắc rất nhiều vấn đề mới có thể đưa ra câu trả lời. Tôi xin hẹn một dịp khác.
Năm 2010: Vẫn "khó trị" nhập siêu
( Theo Nguyễn Đình Bích // SGTT Online)
Đối với nền kinh tế nước ta, rất có thể việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là không quá khó, nhưng gần như chắc chắn lại không dễ kiềm chế nhập khẩu để giảm tỷ lệ nhập siêu.
Theo chỉ tiêu tăng trưởng 6% so với năm 2009, kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ phải đạt 60 tỉ USD. Theo đó, để kiềm chế tỷ lệ nhập siêu không quá 20%, tức là mức nhập siêu tuyệt đối phải được kiềm chế dưới ngưỡng 12 tỉ USD, cho nên “hạn ngạch” nhập khẩu năm nay chỉ có thể dưới 72 tỉ USD.
Xuất khẩu sẽ “bật” mạnh
Trong hơn hai thập kỷ đổi mới vừa qua, đã không dưới ba lần phải đối mặt với những chao đảo của thị trường thế giới, nhưng ngay sau đó, hoạt động xuất khẩu đã lập tức phục hồi rất ngoạn mục, cho nên chỉ tiêu tăng trưởng nói trên trong lần “vượt cạn” thứ tư này có lẽ vẫn còn dưới mức cho phép.
Cụ thể, cuộc khủng hoảng về thị trường xuất khẩu của nước ta do sự sụp đổ của Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu ngay trong thời điểm công cuộc đổi mới của chúng ta còn trong “trứng nước”, xuất khẩu của nước ta giảm kỷ lục 13,18%, nhưng ngay trong năm 1992 đã tăng ngoạn mục 23,65%.
Tiếp theo, là các lần đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực năm 1997- 1998, suy thoái kinh tế chu kỳ và sự kiện “ngày 11 tháng 9 đen tối của nước Mỹ” năm 2001, so với năm trước khi khủng hoảng hoặc suy thoái, tốc độ tăng xuất khẩu của nước ta trong năm sau đó đều tăng (xem biểu đồ - vẽ từ tư liệu đính kèm).
Năm 2009 kim ngạch xuất khẩu giảm 4,32% so với năm 2008 là trái với “thông lệ” từ trước tới nay. Thủ phạm chính gây ra tình trạng xuất khẩu giảm tốc mạnh như vậy trong năm 2009 là do giá hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm mạnh khiến cho việc tăng khối lượng hàng hóa xuất khẩu không thể bù đủ cho khoản thất thu quá lớn về giá. Cụ thể, các số liệu thống kê của IMF cho thấy, giá hàng hóa thế giới trong năm 2009 đã giảm bình quân 31,25%.
Nhưng từ ba tháng cuối năm 2009, giá hàng hoá thế giới đã tăng 20,44% so với chín tháng đầu năm. Do vậy, trong điều kiện giá cả hàng hóa thế giới sẽ tiếp tục phục hồi trong năm nay (theo dự báo của IMF là sẽ tăng khoảng 16% so với năm 2009), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sẽ “nở ra” bởi sự tác động cộng hưởng của hai yếu tố giá cả và khối lượng.
Nhập khẩu tăng nhanh hơn
Việc xuất khẩu tăng tốc mạnh hơn sẽ khiến cho “chiếc vòng kim cô” nhập khẩu và tỷ lệ nhập siêu rộng hơn. Chẳng hạn, một khi nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay đạt ngưỡng hai chữ số, tức là kim ngạch sẽ đạt 62,242 tỉ USD, thì với tỷ lệ nhập siêu 20%, kim ngạch nhập khẩu có thể lên tới 74,691 tỉ USD và mức nhập siêu là 12,449 tỉ USD. Hoặc với kịch bản xuất khẩu tăng gấp đôi so với mục tiêu nói trên, kim ngạch sẽ đạt 63,374 tỉ USD, thì nhập khẩu và nhập siêu có thể tăng lên 76,049 tỉ USD và 12,675 tỉ USD.
Một là, tăng tốc nhập khẩu mạnh hơn xuất khẩu chính là “tập quán” của nền kinh tế nước ta, cho nên bỗng chốc thay đổi “tập quán” là điều quá khó. Các số liệu thống kê của nước ta trong chín năm đầu thập kỷ này cho thấy, để xuất khẩu tăng 16,37%/năm, thì nhập khẩu phải tăng 17,90%/năm, còn nếu không kể năm 2009 như một ngoại lệ thì cặp số liệu này là 20,33%/năm và 22,77%/năm.
Trong khi đó, với mục tiêu tăng xuất khẩu 6% và tỷ lệ nhập siêu 20% trong năm nay, thì nhập khẩu chỉ có thể tăng 4,57%, còn với các giả định xuất khẩu tăng 10 - 12% nói trên và tỷ lệ nhập siêu vẫn “neo tại chỗ” như vậy thì nhập khẩu chỉ được phép tăng 8,52 - 10,49%.
Hai là, mấu chốt của việc không thể dễ dàng phủ định “tập quán” này nằm ở hai yếu tố cộng hưởng lẫn nhau. Đó trước hết là việc “rổ hàng hóa nhập khẩu” của nước ta trong gần hai thập kỷ qua luôn luôn lớn hơn “rổ hàng hóa xuất khẩu” và trong đó, nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong rổ hàng hóa xuất khẩu liên tục “co lại”, thì tỷ trọng này trong “rổ hàng hóa nhập khẩu” từ năm 2004 trở lại đây liên tục duy trì ở mức cao ngất ngưởng 64,2- 67,6%. Trong khi đó, cơn sốt nóng giá cả thế giới trong suốt 5 năm 2004- 2008 và cả cơn sốt lạnh trong năm 2009 vừa qua chủ yếu và trước hết diễn ra ở các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu.
Trong điều kiện như vậy, đương nhiên tác động của cả sốt nóng lẫn sốt lạnh của giá cả thế giới đối với “rổ hàng hóa nhập khẩu” của nước ta đều lớn hơn hẳn so với “rổ hàng hóa xuất khẩu”. Việc nhập khẩu giảm mạnh hơn nhiều so với xuất khẩu trong năm 2009 dẫn đến tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh thể hiện rất rõ ảnh hưởng của sốt lạnh. Thế nhưng, trong năm 2010 này, khi giá cả thế giới có thể sẽ “đảo chiều”, đương nhiên xu thế này sẽ chấm dứt.
Nói cách khác, một khi vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu để phát triển trong điều kiện giá thế giới tăng mạnh trở lại, thì gia tăng nhập khẩu và nhập siêu lớn vẫn còn là căn bệnh khó trị.
Biên mậu Việt - Trung trong bối cảnh ACFTA
(Theo Lan Nhi // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Tiểu thương Việt Nam buôn bán ở cửa khẩu Cổng Trắng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quang Chung. |
Với Hiệp định Tự do thương mại ASEAN- Trung Quốc (ACFTA), các mặt hàng xuất nhập khẩu chính ngạch, đáp ứng các điều kiện ưu đãi, xuất xứ theo quy định sẽ được hưởng lợi. Song với Việt Nam, mua bán tiểu ngạch với Trung Quốc, không thuộc phạm vi điều chỉnh của ACFTA, cũng là một vấn đề quan trọng không kém.
Việt Nam có bảy tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc. Ở các địa phương này, hình thức buôn bán biên mậu (chưa tính đến buôn lậu và gian lận thương mại) rất phổ biến. Do đó, trong nhiều năm qua và cả những năm sắp tới, sức hút của việc thay đổi các chính sách thương mại, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu do ACFTA mang lại, với Việt Nam nói riêng có thể chưa tác động lớn bằng việc thay đổi các chính sách buôn bán biên mậu, mà vừa qua phía Trung Quốc đã chủ động thay đổi liên tục.
Trong các báo cáo về tình hình thương mại Việt - Trung, Bộ Công Thương luôn cho rằng biên mậu có vai trò quan trọng trong việc tăng cường xuất khẩu nhiều mặt hàng, tháo gỡ khó khăn cho những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhưng chất lượng chưa cao. Và qua con đường biên mậu, việc nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cần thiết cho sản xuất cũng diễn ra sôi động.
Theo thống kê của bộ này, trong giai đoạn 2006-2008, hoạt động thương mại biên giới qua bảy tỉnh biên giới Việt - Trung không ngừng tăng về giá trị tuyệt đối, bình quân mỗi năm trên 40%. Thống kê năm 2008 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua đường tiểu ngạch chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Sở dĩ kênh mua bán này phát triển với tốc độ nhanh như vậy chủ yếu là do thói quen, tập quán buôn bán của doanh nghiệp hai nước nhiều năm qua. Hơn nữa, hình thức giao thương nơi cửa khẩu có những cách làm dễ dàng hơn xuất qua đường chính ngạch vì thủ tục đơn giản, chỉ cần khai báo hải quan. Đồng thời, cách mua bán này ít chịu các hình thức kiểm dịch khắt khe nên chi phí thấp, hoặc chỉ chịu các loại phí biên mậu.
Đó là những lý do mà khi cân nhắc lựa chọn giữa hình thức mua bán biên mậu và ACFTA, phần lớn các doanh nghiệp của hai nước sẽ vẫn chọn con đường biên mậu dù biết rằng không ít rủi ro đang chực chờ họ.
Xuất theo con đường biên mậu, hàng hóa chất lượng thế nào cũng thường bị đánh đồng, bị ép giá, thậm chí bán lỗ. Do mua bán không có hợp đồng, hàng hóa mang lên tới cửa khẩu mới tìm khách để bán, nên doanh nghiệp trong nước thường gặp nhiều rủi ro, như trường hợp dưa hấu bị ứ đọng ở biên giới xảy ra liên tục trong những năm gần đây.
Điều quan trọng hơn, Trung Quốc thường xuyên áp dụng các chính sách linh hoạt để điều chỉnh lượng hàng cũng như giá hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sao cho có lợi nhất cho phía Trung Quốc. Khi cần họ có thể nới lỏng giá hay các chính sách biên mậu để tăng mua hoặc ép giá và thắt chặt chính sách khi muốn hạn chế hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Cũng do các chính sách này chỉ áp dụng đối với hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch của Việt Nam nên không vi phạm các quy định về WTO.
Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc thống kê được các yêu cầu mà phía Trung Quốc hay áp dụng như: hoa quả chỉ được qua cửa khẩu Lào Cai hoặc Tân Thanh (Lạng Sơn), cao su chỉ đi qua Móng Cái hoặc Lục Lầm, thủy hải sản chỉ đi qua Móng Cái. Theo đó, mức phí biên mậu cũng được thay đổi theo từng thời điểm, mùa vụ và cách thức kiểm dịch lỏng hay chặt cũng để kiểm soát việc xuất nhập khẩu.
Kể từ đầu năm 2008 đến nay, một loạt các chính sách biên mậu của Trung Quốc đã thay đổi, ví dụ như hình thức thương mại biên giới tiểu ngạch không còn được hưởng ưu đãi mà thay vào đó là nâng hạn mức miễn thuế (giảm đến 50% thuế suất thông thường cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam) nhưng chỉ áp dụng đối với hình thức trao đổi buôn bán cặp chợ biên giới và chỉ cư dân các tỉnh giáp biên được hưởng.
Doanh nghiệp Trung Quốc (đặc biệt ở hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây), theo dự tính của Bộ Công Thương, sẽ tận dụng hình thức này nhằm hạn chế chi phí. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vẫn chưa thống nhất danh mục các mặt hàng được phép thông quan theo cách trên (hiện nay là danh mục tạm thời do các địa phương quy định) nên hàng hóa Việt Nam bị động vì chưa tính được đường dài để thâm nhập thị trường và thiếu sự ổn định.
Trong nhiều năm tới, buôn bán tiểu ngạch vẫn còn tồn tại cùng với những rủi ro vốn có của hình thức giao thương này. Thế nhưng, nhiệm vụ lâu dài của ACFTA là phải giảm bớt tỷ trọng thương mại biên mậu vốn đang thắng thế. Điều đó hoàn toàn có thể làm được, nếu việc tuyên truyền và phổ biến ACFTA cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp rất cần được hướng dẫn thực thi ACFTA một cách đầy đủ và chi tiết.
(Cổng thông tin kinh tế Việt Nam và thế giới - tinkinhte.com)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com