Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ

Thị trường thực phẩm chức năng đang bị 'thổi' giá

Lại tương tự giá thuốc, giá thực phẩm chức năng cũng đang “nhảy múa thoải mái” khi giá mua vào với giá bán ra chênh nhau tới cả chục lần!

Loạt bài: Phơi bày thế giới ngầm kinh doanh sữa

 

Mua hơn 200 đồng/viên, bán 3.000 đồng/viên

 

Thực phẩm chức năng Protakecare (dạng viên nén) do Công ty TNHH Dược phẩm và Thương mại Thành Công sản xuất, được phân phối bởi công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Tân Thành.

Mô tả ảnh.
Thực phẩm chức năng Protakecare

Ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm và Thương mại Thành Công khẳng định: “Các sản phẩm của công ty tôi có giá rất thấp, hầu hết đều rơi vào khoảng vài trăm đồng/viên, hãn hữu lắm mới có sản phấm cao hơn 500 đồng/viên nhưng chưa từng có một sản phầm nào gần đạt đến mốc 1.000 đồng/viên”. 

Do không có số liệu chính xác ngay tại thời điểm trả lời phỏng vấn nên ông Mười cho biết:“Giá của Protakecare mà chúng tôi bán cho nhà phân phối chỉ loanh quanh trong khoảngtrên 200 đồng/viên”.

Xin lưu ý: Đây là giá đã bao gồm lợi nhuận của nhà sản xuất!

 

Giải thích về mức giá gây “ngạc nhiên” này, ông Mười nói: “Cơ sở tính giá bán cho nhà phân phối của chúng tôi là dựa trên tổng giá thành của tất cả các yếu tố đầu vào, không phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng đầu ra của sản phẩm”.

 

Trong khi đó, khi khảo sát trên thị trường vào thời điểm giữa tháng 5/2010 (cụ thể là nhà thuốc Huy Hoàng 10, cổng bệnh viện E, Hà Nội), giá bán của một hộp Protakecare 60 viên là 180.000 đồng, tương đương 3.000 đồng/viên, cao hơn gần 15 lần so với giá mua từ nhà sản xuất!

 

Giải thích về mức chênh lệch này, ông Hồ Đắc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và Dược phẩm Tân Thành - nhà phân phối sản phẩm Protakecare - chỉ trả lời chung chung: “Giá ký gửi tại các nhà thuốc của sản phẩm này là 2.500 đồng/viên”.

 

Khoảng chênh lệch giữa giá mua từ nhà sản xuất (trên 200 đồng/viên) đến giá ký gửi tại các nhà thuốc (2.500 đồng/viên) được ông Hồ Đắc Tuấn lý giải là chi cho các khoản như kho bãi, thuê nhà, quản lý, lương, vv… Tất cả những chi phí này được cộng vào giá bán.

 

Có một chi phí không được ông Tuấn nhắc đến, đó là chi phí “làm thị trường”, là phần trăm “chiết khấu” cho bác sỹ nếu bác sỹ đó “tư vấn”, “khuyến khích” bệnh nhân nên sử dụng.

 

Ông Tuấn cho biết công ty của ông không hướng tới thị trường “đặc biệt” này (các bệnh viện) nên không có chuyện “chiết khấu” cho bác sỹ.

 

Tuy nhiên, VietNamNet đã thu thập được đơn thuốc có kê loại thực phẩm chức năng này vào đơn thuốc, dù theo quy định của Bộ Y tế thì thực phẩm chức năng không được kê vào đơn. 

 

Đây là đơn thuốc được xác lập vào ngày 24/08/2009 tại Bệnh viện E (Hà Nội). Đơn thuốc kê cho bệnh nhân này có tên thực phẩm chức năng Protakecare. Mặt sau đơn ghi chú thích “Huy Hoàng 10” (tên nhà thuốc ở cổng bệnh viện) (Ảnh: C.Q)

Điều đáng nói hơn nữa nằm ở chỗ: Protakecare chủ yếu nhắm tới đối tượng là trem đang lớn, phụ nữ trước, trong và sau khi sinh. Tuy vậy, vị bác sỹ này vẫn kê Protakecare cho một bệnh nhân bị viêm hang vị - một bệnh liên quan đến dạ dày.

“Choáng” với giá bán ra của thực phẩm chức năng ngoại

 

Thực phẩm chức năng Femidan (nhập khẩu từ Phần Lan) có chức năng làm đẹp da từ bên trong của công ty TNHH Viet C.I.V.I.C có cái giá khá “chát”.

 

Với dòng sản phẩm Femidan Whita có giá bán 1.500.000 đồng/hộp 60 viên. Dòng sản phẩm Femidan Deeva có giá nhỉnh hơn, ở mức 1.650.000 đồng/hộp 60 viên.

 

Trong khi đó, giá nhập khẩu thực phẩm chức năng này về Việt Nam hiện xấp xỉ 600.000 đồng/hộp, thấp hơn giá bán cho người tiêu dùng từ 900.000 đến 1.000.000 đồng/hộp!

 

Nhưng đây chưa phải là giá bán và mức chênh lệch “ấn tượng”. Một sản phẩm khá mới mẻ khác của Viet C.I.V.I.C cũng có xuất xứ từ Phần Lan là Immunomax – loại thực phẩm chức năng có khả năng bảo vệ chống ung thư khi dùng liều cao – có giá tới 3.500.000 đồng/hộp 80 viên. 

 

Mô tả ảnh.

Sản phẩm Immunomax có giá bán rất "ấn tượng" so với giá mua: Bán ra 3,5 triệu đồng/hộp, mua vào 1,9 triệu đồng/hộp (mỗi hộp 2 mức giá này chênh tới 1,6 triệu đồng)

Bà Đặng Minh Hiền, Giám đốc Công ty Viet C.I.V.I.C cho biết 10 hộp sản phẩm Immunomax đầu tiên bà đưa về Việt Nam được bên công ty “mẹ” bán giá rẻ gần như “cho không” nhằm mục đích thăm dò thị trường. 

Sau khi lấy một lô 10 hộp này từ Phần Lan, bà tiếp tục mua thêm 5 hộp mang về Việt Nam theo dạng hàng “xách tay” từ Thái Lan – nước được công ty mẹ tại Phần Lan ủy quyền phụ trách toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

 

Giá mua thực phẩm chức năng này từ Thái Lan là 80 euro/hộp, tương đương 1,9 triệu đồng/hộp (tính theo tỷ giá ER/VND hiện tại). Càng mua số lượng lớn, giá càng được giảm nhiều và nếu mua được trực tiếp từ công ty mẹ thì giá còn rẻ nữa.

 

Như vậy, giá bán ra chênh giá mua về đối với mỗi hộp Immunomax là 1,6 triệu đồng.

 

“Thần dược” cũng mua 1 bán gần 10

 

Bà Nguyễn Hải Yến, Giám đốc chi nhánh công ty TNHH Nonni Vina tại Hà Nội – công ty phân phối độc quyền thực phẩm chức năng Noni tại Việt Nam - cho biết:“Từ khi xuất hiện tại Việt Nam đến nay, giá nhập của sản phẩm này không đổi”.

 

Khi hỏi giá nhập khẩu về Việt Nam của thực phẩm chức năng Noni, bà Yến từ chối cung cấp thông tin bởi đây là “bí mật của doanh nghiệp”. Nhưng theo kết quả thanh tra năm 2007 của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thì giá nhập khẩu của Noni là 130.000 đồng/chai 1 lít.

 

Trong khi đó, giá bán đến tay các tư vấn viên (người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của Noni Vina) là 650.000 đồng/chai 1 lít, giá bán đến tay người tiêu dùng tự do của các tư vấn viên là 850.000 đồng/chai. 

 

Mô tả ảnh.

Những "tư vấn viên" của Công ty TNHH Noni Vina hoạt động rất tấp nập tại chi nhánh công ty tại Hà Nội. Dù giá bán ra cao hơn giá mua nhiều lần nhưng Noni vẫn có doanh số rất lớn bởi được bán theo kênh phân phối đa cấp.

Như vậy, mức chênh giữa giá bán so với giá nhập của Noni là từ 520.000 đồng đến 720.000 đồng/chai! Mỗi tháng, chỉ tính riêng khu vực Hà Nội đã có từ 4.000 đến 5.000 thùng Noni (mỗi thùng 4 chai) được tiêu thụ!

“Tôi đã kiến nghị nhiều lần với Bộ Công thương là đối với thực phẩm chức năng không được cho phép bán hàng đa cấp, bởi nếu bán hàng đa cấp, khi tới người dân thì giá của nó rất cao. Bộ trưởng Bộ Công thương đã hứa với tôi là sẽ xem xét việc này”.

 

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

 

Cao Nhật (ghi)

“Giá của sản phẩm là không đổi. Nhưng do đặc điểm của bán hàng đa cấp nên sự chênh lệch này không phải trả cho các chi phí như kho bãi, lợi nhuận cho đại lý các cấp hay tiền quảng cáo trên các phương tiện truyền thông như cách bán hàng truyền thống.

 
Phần chênh này sẽ là hoa hồng, thuộc về các tư vấn viên ở từng cấp khi họ chia sẻ, khuyến khích người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và sử dụng sản phẩm”, bà Hải Yến giải thích.

Vì vậy, dù không ký gửi ở các nhà thuốc hay thông qua các bác sỹ, không mất chiết khấu cho những đối tượng này nhưng thực chất giá bán của Noni vẫn rất cao so với giá mua. 

Khi phóng viên VietNamNet đặt vấn đề: Không cần biết là bán hàng đa cấp hay bán hàng đơn cấp nhưng điểm mấu chốt là quyền lợi người tiêu dùng phải được đảm bảo và sự chênh lệch đó phải có tính hợp lý?, thì bà Yến chỉ trả lời ngắn gọn:

 

“Giá bán và giá nhập khẩu của Noni có tính toàn cầu. Ở Mỹ mỗi thùng Noni (4 chai) có giá 126 USD (khoảng xấp xỉ 2,5 triệu đồng). Còn tại Việt Nam, giá bán 1 thùng Noni là 2,6 triệu, cao hơn một chút do chênh lệch về tỷ giá hối đoái”.

 

Hàng hóa thông thường, thị trường đặc biệt

 

“Không thể phủ nhận hoàn toàn tác dụng của thực phẩm chức năng nhưng có một điều chắc chắn là giá của thực phẩm chức năng đang có mặt trên thị trường Việt Nam không tương xứng với chất lượng thực sự của nó.

 

Điều cần quan tâm hơn cả là thực phẩm chức năng hiện đang được phân phối chủ yếu qua các cách thức hệt như cách phân phối thuốc chữa bệnh, chứ không phân phối như một mặt hàng bình thường” - Chia sẻ của một dược sỹ.



Giá thực phẩm chức năng = thuế khủng + tiêu cực phí?

Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam giải thích giá thực phẩm chức năng quá cao là do thuế nhập khẩu cao quá. Còn doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng lại giải thích rằng giá thực phẩm chức năng cao là do “tiêu cực phí” quá lớn?
 

Giá thực phẩm chức năng cao do thuế nhập khẩu cao

 

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại sao giá bán của thực phẩm chức năng tại Việt Nam cao so với giá nhập khẩu và so với chính các loại thuốc chữa bệnh đang có mặt trên thị trường, PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết có 3 nguyên nhân dẫn đến việc này. 

 

Mô tả ảnh.
PGS.TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam (Ảnh: VietNamNet)

Nguyên nhân đầu tiên theo lý giải của ông Đáng là do mức thuế nhập khẩu áp vào thực phẩm chức năng hiện nay lên tới 30% (áp cho thực phẩm chức năng nhập khẩu). Lý do thứ 2 là lợi nhuận của doanh nghiệp và nguyên nhân cuối cùng là đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất (đối với thực phẩm chức năng sản xuất trong nước).

Việc sản xuất thực phẩm chức năng hiện đòi hỏi chi phí cao do phải có máy móc, công nghệ, quy trình sản xuất tương tự như thuốc (?). 

Từ câu trả lời của PGS.TS Trần Đáng, trở lại với các thông tin của sản phẩm Protakecare của Công ty TNHH Dược phẩm và Thương mại Thành Công thì thấy nhiều điều khác.

 

Protakecare là sản phẩm do công ty Thành Công sản xuất tại nhà máy trong nước, hoàn toàn bằng công nghệ và quy trình đã được các cơ quan trong nước kiểm duyệt.

 

Khi giá bán ra cho nhà phân phối chỉ có trên 200 đồng/viên, thì giá nhà phân phối bán cho người tiêu dùng là 3.000 đồng/viên, chênh nhau hơn chục lần.

 

Như vậy, lấy nguyên nhân “việc sản xuất thực phẩm chức năng hiện đòi hỏi chi phí cao do phải có máy móc, công nghệ, quy trình sản xuất tương tự như thuốc” để giải thích cho việc thực phẩm chức năng nội có giá bán cao gấp nhiều lần giá sản xuất liệu có hợp lý?

 

Tiếp đến là thực phẩm chức năng nhập khẩu. Lấy ví dụ một hộp thực phẩm chức năng 60 viên, có chức năng làm đẹp da mang tên Femidan của Công ty TNHH Viet C.I.V.I.C có giá nhập khẩu về Việt Nam xấp xỉ 600.000 đồng.

 

Đây là giá đã bao gồm các chi phí liên quan và tạm coi như không tính đến chuyện hàng hóa bị “chuyển giá” khi qua hải quan (do vấn đề thuế). Trên thực tế, giá bán đến tay người tiêu dùng là 1.500.000 đồng -1.650.000 đồng/hộp. So với giá nhập thì giá bán chênh giá nhập trung bình khoảng 1 triệu đồng/hộp.

 

Vậy lấy lý do là “thuế nhập khẩu cao” để giải thích cho việc giá thực phẩm chức năng nhập khẩu cao liệu có thỏa đáng?

 

Do “tiêu cực phí” quá lớn?

 

Trong 3 nguyên nhân PGS.TS Trần Đáng nêu ra, chỉ còn lại một nguyên nhân có thể dẫn đến việc đẩy giá thực phẩm chức năng lên cao so với giá thật, đó là lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh và nhà phân phối thực phẩm chức năng.

 

Nhưng trớ trêu là các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng không thừa nhận việc này. Lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết đúng là có thể họ mua 1 bán 2, nhưng toàn bộ phần chênh lệch đó không đổ cả vào túi của doanh nghiệp như nhiều người vẫn tưởng.

 

Bà Đặng Minh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Viet C.I.V.I.C khẳng định: “Giá thực phẩm chức năng cao là do “tiêu cực phí” quá lớn”.

 

 

 "Tất cả chi phí và “tiêu cực phí” đều được cộng vào giá bán. Người tiêu dùng chịu trước, rồi nhà kinh doanh sẽ chịu ngay sau đó”

 

Bà Đặng Minh Hiền, GĐ Công ty TNHH Viet C.I.V.I.C

Để chứng minh cho ý kiến của mình, bà Hiền cho biết mỗi một loại thực phẩm chức năng muốn được cấp phép lưu thông trên thị trường phải trải qua một quá trình rất dài. Trong quá trình đó có nhiều mắt xích, nhiều công đoạn. Và hầu như công đoạn nào cũng phải “bôi trơn”.

Có thể chia quá trình này thành các giai đoạn: Nhập khẩu – kiểm định, xin giấy phép lưu thông – tạo các kênh phân phối và bán hàng ra thị trường. Trong các giai đoạn này, giai đoạn phân phối có tỷ lệ “tiêu cực phí” lớn nhất (bao gồm quảng cáo, chiết khấu, chăm sóc đội ngũ tư vấn viên, vv.. Đó là chưa kể bà Hiền còn “úp mở” chuyện phải “bôi trơn” cả khâu xin cấp phép lưu hành!)

 

Cụ thể: Với mỗi hộp Immunomax của Công ty Viet C.I.V.I.C được bán, người tư vấn sản phẩm sẽ được chiết khấu từ 15% đến 20%. Như vậy, với mỗi hộp Immunomax bán được (với giá 3.500.000 đồng), người mua đã bị “bòn rút” khoảng từ trên 500 ngàn đến gần 800 ngàn đồng!

 

Có giá thấp hơn nhưng mức chiết khấu của sản phẩm Femidan (cũng của Công ty Viet C.I.V.IC) mới “sởn tóc gáy”. Thường ký gửi ở các nhà thuốc và các thẩm mỹ viện, bà Hiền cho biết mức chiết khấu cho Femidan là 50%!

 

Điều này có nghĩa là mỗi hộp Femidan bán ra, người mua bị “móc túi” tới trên 700 ngàn đồng! (Giá bán đến ta người tiêu dùng của Femidan là 1.500.000 đến 1.650.000 đồng/hộp).

 

Xin lưu ý rằng: Đây chỉ là thực phẩm chức năng, không phải thuốc chữa bệnh!

 

Mô tả ảnh.
Đơn thuốc này là một đơn thuốc "điển hình" cho "tiêu cực phí" đối với thực phẩm chức năng: Bác sỹ kê đơn thực phẩm chức năng, chỉ bệnh nhân ra nhà thuốc nào đang bán. Nhà thuốc sẽ ghi lại tên bác sỹ kê đơn, hàng tháng sẽ thống kê và chiết khấu % theo thỏa thuận ban đầu. Tất cả các "tiêu cực phí" này đều do người bệnh chịu (Ảnh: C.Q)

 

“Sự thực là nếu không chiết khấu thì chúng tôi không thể bán được hàng. Còn đã chiết khấu thì bắt buộc phải nâng giá lên cao, nếu không thì không thể hòa vốn chứ đừng nói đến chuyện có lãi”, bà Hiền phân trần.

 

Thực phẩm chức năng không được nhìn nhận là mặt hàng thiết yếu, do đó về bản chất vẫn như những mặt hàng thông thường khác. Nhưng tại sao khâu lưu thông của mặt hàng này lại phải mất quá nhiều “tiêu cực phí”?

 

Giải thích điều này, lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết thực các mặt hàng khác lưu thông trên thị trường “bình thường”, còn thực phẩm chức năng có một mảnh đất “màu mỡ” và “đặc biệt khác”, đó là các bệnh viện. Đối tượng mua đa số cũng là đối tượng “đặc biệt”, đó là người bệnh.

 

Vì thế, họ thường phải chiết khấu cho thực phẩm chức năng cao hơn thuốc chữa bệnh bởi đây là sản phẩm không bắt buộc trong quá trình chữa bệnh, nếu không chiết khấu cao thì không thể tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong bối cảnh cả nước có tới 1.700 loại thực phẩm chức năng đang cạnh tranh gay gắt với nhau.

 

Những người này cũng khẳng định họ không muốn bán sản phẩm với giá cao, như thế có nghĩa là khách hàng sẽ ít, tốc độ tiêu thụ sẽ rất chậm.

 

Bức xúc “không kém” người tiêu dùng, bà Hiền cho biết: “Thực tế là “tiêu cực phí” nhiều quá. Ai sẽ là người đứng ra giải quyết thực trạng này? Ai sẽ đứng ra cấm nhà thuốc không được lấy chiết khấu (cũng như cấm các doanh nghiệp không phải chiết khấu mà vẫn bán được hàng bằng cạnh tranh công bằng)? Cũng tương tự như giá thuốc thôi. Cục Dược họp bao nhiêu lần rồi có giải quyết được gì không? Chừng nào các cơ quan quản lý khống chế được tận gốc các tiêu cực phí thì hãy đòi hỏi các doanh nghiệp giảm giá. Nếu không, bất kỳ một doanh nghiệp nào khi tham gia vào thị trường đều phải chấp nhận sống chung với đặc điểm của thị trường đó”.

Thả nổi giá thực phẩm chức năng: Người mua lãnh đủ

Thị trường thực phẩm chức năng đang phát triển mạnh mẽ. Nhưng các quy định về quản lý thực phẩm chức năng đang tỏ ra quá lạc hậu. Phần quản lý giá của mặt hàng này đang bị thả nổi hoàn toàn.
 

Tụt hậu trong nhận thức và quản lý thực phẩm chức năng

 

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam thì hiện nay, cả nước có trên 1.700 sản phẩm thực phẩm chức năng với khoảng 1.000 công ty, tổ chức kinh doanh và sản xuất thực phẩm chức năng.

 

Tốc độ phát triển thị trường của mặt hàng này cũng khá ấn tượng. Năm 2000, cả nước mới chỉ có hơn chục sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu. Đến năm 2005-2006, thực phẩm chức năng sản xuất trong nước chiếm 33%, đến năm 2008, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi (66%). Đến nay, chỉ tính riêng kênh bán hàng đa cấp đã có trên 40 công ty với trên 700.000 nhà phân phối.

 

Mô tả ảnh.
Thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam đang phát triển mạnh với nhiều chủng loại đa dạng. Tỷ lệ nghịch với tốc độ phát triển này là sự tụt hậu về nhận thức cũng như cách thức quản lý thực phẩm chức năng (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn ảnh: Internet)

 

Tỷ lệ nghịch với sự phát triển mạnh mẽ này là sự tụt hậu về hành lang pháp lý và nhận thức về thực phẩm chức năng của cơ quan quản lý (cũng như của một bộ phận người tiêu dùng).

 

Dù đến nay thực phẩm chức năng đã xuất hiện ở Việt Nam được 10 năm (năm 2000 bắt đầu xuất hiện) và đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng đến giữa tháng 5/2010, khi được hỏi về các vấn đề của thực phẩm chức năng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Vấn đề Thực phẩm chức năng ở Việt Nam còn rất mới, mới cả về tên gọi, hình thức, phương thức, mới cả về quản lý” (?!)

 

Vì còn “mới” như vậy nên từ năm 2000 đến năm 2004 chỉ có 3 văn bản thay thế nhau của Bộ Y tế để quản lý thực phẩm chức năng. Từ năm 2004 đến nay tuyệt nhiên không có thêm một văn bản nào ra đời nhằm quản lý mặt hàng này. Trong khi đó, tốc độ phát triển thực phẩm chức năng trong giai đoạn này để lại một dấu ấn khó có thể lờ đi, với tỷ lệ phát triển ở mức 200%.

 

Không ai quản lý giá của thực phẩm chức năng

 

Thực phẩm chức năng được nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, PGS.TS Trần Đáng, nhận định là “Chiến lược dự phòng của thế kỷ 21 vì những tác dụng của nó”. Từ phương diện quản lý hành chính, thực phẩm chức năng không được coi là mặt hàng thiết yếu, cần phải liệt vào danh sách đăng ký giá bán.

 

Nhưng có một thực tế không thể không được nhìn nhận là thực phẩm chức năng đang lưu thông trong một thị trường “đặc biệt” với những người tiêu dùng “đặc biệt”, đó là nhà thuốc bệnh viện và người bệnh.

 

Đã có không ít những dẫn chứng cho thấy tốc độ tiêu thụ thực phẩm chức năng có liên quan không nhỏ đến lợi ích của doanh nghiệp và người bệnh đã phải trả một cái giá “cắt cổ” cho một sản phẩm “có cũng được mà không cũng chẳng sao”. Đáp lại thực trạng này là hiện nay, giá của thực phẩm chức năng đang bị thả nổi hoàn toàn.

 

Mô tả ảnh.
Người tiêu dùng (trong đó có cả những bệnh nhân nghèo) đang phải trả giá đắt khi mua thực phẩm chức năng (Ảnh minh họa: C.Q)

 

Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết thực phẩm chức năng không thuộc danh mục 14 mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá nên Cục không quản lý giá của mặt hàng này.

 

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết thực phẩm chức năng không phải thuốc chữa bệnh nên chưa thuộc phạm vi quản lý giá.

 

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đối với thực phẩm chức năng, Cục chỉ quản lý về chất lượng (xem xét các điều kiện đảm bảo chất lượng để cấp phép lưu thông trên thị trường) chứ không có chức năng quản về lý giá.

 

Đặc biệt là đối với việc quản lý các công ty đa cấp, đang phân phối thực phẩm chức năng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhìn nhận vấn đề này là “rất phức tạp”, “phụ thuộc nhiều vào chính quyền địa phương và ngành Công thương”.

 

Bộ Y tế không cho phép nhưng các bệnh viện cho biết xét “nhu cầu người bệnh” nên có đề nghị Bộ đồng ý đưa thực phẩm chức năng vào nhà thuốc bệnh viện với điều kiện phải để trong một tủ riêng, ghi rõ đó là thực phẩm chức năng và bắt buộc bác sỹ phải tư vấn, giải thích với bệnh nhân nếu họ sử dụng mặt hàng này.

 

Động thái trên đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm mọi cách đưa thực phẩm chức năng vào môi trường “màu mỡ” này và xảy ra tình trạng “móc nối” với bác sỹ để bán được nhiều hàng, y như bài toán lưu thông đối với thuốc chữa bệnh.

 

Vậy cơ quan nào sẽ có trách nhiệm đứng ra “dẹp loạn” và bảo vệ quyền lợi người bệnh?

 

Không phải thực phẩm chức năng cũng được cấp phép?

 

Trao đổi với VietNamNet xung quanh vấn đề thực phẩm chức năng, Thạc sỹ, Dược sỹ Lê Kim Thanh, trưởng khoa Dược của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Đã đến lúc chúng ta phải có nhìn nhận đầy đủ hơn về chất lượng, giá cả cũng như các biện pháp hành chính để quản lý  thực phẩm chức năng”.

 

Bà Thanh cho biết có rất nhiều công ty đến đặt vấn đề với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để đưa thực phẩm chức năng của họ vào nhà thuốc của bệnh viện. Tuy nhiên, có hai vấn đề, theo bà, là rất cần lưu tâm.

 

Thứ nhất: Nhiều công ty kinh doanh thực phẩm chức năng không có Dược sỹ. Theo bà Thanh, điều này là không an toàn, bởi thực phẩm chức năng đứng giữa thuốc và thực phẩm, ranh giới giữa hai loại này rất mong manh. Vì thế rất cần người có chuyên môn về ngành Dược để họ có thể đảm bảo chắc chắn hơn về chất lượng sản phẩm.

 

Thứ hai: Cần xem lại quy trình cấp phép lưu thông đối với thực phẩm chức năng.

 

 “Có những loại không thể gọi là thực phẩm chức năng được, nếu so sánh với khái niệm của Bộ Y tế. Nhưng tôi không hiểu sao vẫn được cấp phép lưu hành dưới tên gọi là thực phẩm chức năng”, bà Thanh nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, vì những lý do được cho là “nhạy cảm”, “động chạm”, bà Thanh không nói cụ thể đó là sản phẩm nào và nếu cần xem lại quy trình cấp phép thì cần xem lại những điểm nào.

 

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) là cơ quan duy nhất có quyền cấp phép lưu thông đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng.

 

Trao đổi với Cục về vấn đề cấp phép như trên, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng chỉ trả lời chung chung về những điều kiện để xác định một sản phẩm là thực phẩm chức năng, nêu lại quan điểm của Bộ Y tế về tác dụng của thực phẩm chức năng, tuyệt nhiên không đưa ra lời giải thích thỏa đáng nào cho ý kiến mà bà Lê Kim Thanh đặt ra.

 

( Nhóm phóng viên điều tra // Cẩm Quyên // Theo VietnamNet)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Xuất khẩu 7 tháng cuối năm 2010: Cảnh báo kiện chống phá giá
  • Mỹ có nên mừng vì xuất khẩu Trung Quốc tăng?
  • Xuất khẩu bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng kỷ lục
  • Người Việt có “sính hàng ngoại”?
  • Sẽ thiếu hụt khoảng 100.000 tấn đường?
  • Trung Quốc: “Giá rau quả tăng, sao không ăn thịt?”
  • Tăng thuế xuất khẩu gỗ: còn phải chờ
  • Doanh nghiệp xuất khẩu đang "ăn thịt" chính mình
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo