Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày

Mỗi tháng thêm một siêu thị

Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá bán lẻ ở VN vẫn là lĩnh vực hấp dẫn nhất. Dù không như đồn đoán ban đầu các tập đoàn lớn sẽ tràn vào nuốt chửng thị trường VN, nhưng chỉ nhìn vào tốc độ mở rộng của Big C, Metro, Lotte... vừa qua cho thấy sức ép cạnh tranh đang nóng lên từng ngày.

Mặc dù gặp không ít trở ngại, đặc biệt là chi phí cho mặt bằng quá cao, song các siêu thị nước ngoài vẫn tiếp tục mở rộng, chấp nhận cả việc cho thuê thương hiệu...

Siêu thị Big C Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Thuận thắng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nay đến cuối năm 2010 sẽ có thêm ít nhất năm siêu thị ngoại ra đời.

Cuộc đua của những gương mặt cũ

Nhìn đoàn người nối nhau gửi xe, chờ đợi trước quầy tính tiền hay chen nhau trong các cửa hàng bán thức ăn nhanh vào những ngày cuối tuần ở siêu thị Lotte Mart Phú Thọ (TP.HCM) vừa mới khai trương ngày 1-7, có thể hiểu vì sao Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) quyết tâm mở siêu thị thứ hai tại VN.

Để đi vào hoạt động, siêu thị thứ hai của nhà đầu tư Hàn Quốc này đã phải trải qua một quá trình chờ đợi thủ tục cấp phép khó khăn. Người đi đường ngang qua địa điểm này trong những tháng trước có thể thấy quảng cáo và hàng hóa sẵn sàng nhưng cửa siêu thị vẫn đóng vì giấy phép chủ đầu tư chưa có trong tay.

Nhưng cuối cùng siêu thị thứ hai của Lotte Mart ở TP.HCM đã mở cửa, thậm chí tập đoàn này còn nhắm đến mục tiêu mở 30 siêu thị ở VN. Theo ông Noh Byung Yong, giám đốc Tập đoàn Lotte Mart Hàn Quốc, doanh số của siêu thị đầu tiên (tại Q.7, mở cửa cách nay hơn một năm) đạt 40% chỉ tiêu đề ra, đủ khả quan để tập đoàn này tự tin nhắm đến mục tiêu lớn hơn ở VN.

Trong khi đó, Metro Cash & Carry (Đức) cho biết sẽ mở thêm bốn trung tâm bán sỉ năm nay và sẽ giữ tốc độ này trong ba năm tới. Còn Big C (Pháp), trong những tháng cuối năm 2010 dự kiến có thêm ít nhất một siêu thị... Cuộc đua ở thị trường bán lẻ VN vẫn thuộc về những gương mặt cũ nhưng không vì vậy mà kém quyết liệt.

Ông Randy Guttery, tổng giám đốc Metro Cash & Carry VN, khẳng định tập đoàn này đã được Bộ Công thương chấp thuận cho mở thêm hai trung tâm bán sỉ, còn hai cái khác vẫn đang thương thảo. Bốn siêu thị bán sỉ của Metro trong năm nay sẽ mở tại Long Xuyên (An Giang), Vũng Tàu, Bình Dương và Bình Định. Ông Randy Guttery cũng thừa nhận chẳng gặp khó khăn gì trong việc mở rộng này.

Phát triển bằng mọi giá

Cấp phép mở siêu thị có dễ?

Về mặt lý thuyết, việc cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực bán lẻ không dễ dàng chút nào, bởi trước khi cấp phép các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, xem xét nhu cầu và khả năng của thị trường trong nước. Đặc biệt việc khảo sát thực tế thị trường bán lẻ trên địa bàn, cơ quan quản lý sẽ cân nhắc xem liệu thị trường có cần cho mở thêm một cơ sở bán lẻ hay không. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ tham khảo ý kiến, năng lực các doanh nghiệp trong nước, nếu có khả năng cung cấp dịch vụ tương tự, Nhà nước có thể từ chối cấp phép.

Xuất hiện tại VN từ năm 2005, kế hoạch của hệ thống trung tâm mua sắm Parkson là trong vòng năm năm sẽ mở 10 điểm mua sắm, nhưng đến nay Parkson mới có được tám trung tâm trên toàn quốc. Ông Tham Tuck Choy, tổng giám đốc Công ty Parkson VN, thừa nhận việc phát triển hệ thống trung tâm thương mại của Parkson VN không đạt mục tiêu đặt ra. Lý do chính là cơ sở hạ tầng, các dự án cho mặt bằng bán lẻ tại VN không có nhiều.

“Nhưng điều đó không có nghĩa thị trường bán lẻ VN kém hấp dẫn bởi năm qua doanh số của Parkson tại VN vẫn tăng trưởng 30% và VN vẫn là một trong những thị trường Parkson tập trung phát triển trong những năm tới” - ông Tham cho biết.

Vị doanh nhân người Malaysia này cũng không giấu giếm: “Chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp để tăng cường sự hiện diện của mình ở VN”. Điều này được minh chứng qua việc Parkson mở các trung tâm bán lẻ của mình dưới hình thức công ty 100% vốn nước ngoài và cả liên doanh.

Người Pháp vốn nổi tiếng về bảo thủ trong cách thức tổ chức kinh doanh, nhưng điều đó chưa hẳn đúng khi nhìn cách thức siêu thị Big C tăng cường sự hiện diện của mình ở VN. Giám đốc điều hành hệ thống Big C VN Nguyễn Xuân Hải tuyên bố: “Chúng tôi không cứng nhắc trong việc xác lập hình thức kinh doanh ở VN”.

Và người ta đã thấy ngoài hình thức công ty 100% vốn nước ngoài và liên doanh, Big C còn “chịu chơi” đến mức cho một đơn vị trong nước thuê thương hiệu của mình. Không thừa nhận siêu thị Big C ở Q.Gò Vấp, TP.HCM hoạt động dưới hình thức nhượng quyền thương mại (franchise), nhưng ông Hải lại xác nhận: “Big C ký hợp đồng cho một công ty trong nước thuê thương hiệu của mình. Và đơn vị trong nước kia ký hợp đồng thuê Big C quản lý siêu thị”. Một lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM khẳng định nếu hoạt động dưới hình thức nhượng quyền thương mại thì phải đăng ký nhưng sở này chưa nhận được đăng ký nào.

Săn tìm mặt bằng

Đánh giá sau 10 năm có mặt tại VN, ông Pascal Billaud, tổng giám đốc Big C VN, cho biết tốc độ phát triển của thị trường bán lẻ vẫn ở mức tiềm năng nhưng chưa nhanh như kỳ vọng. Ngoài yếu tố dân số, thu nhập bình quân, mức chi tiêu, tỉ lệ tiêu dùng cho từng nhóm hàng thì yếu tố quyết định là giá mặt bằng quá cao.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, thông thường mở một mặt bằng siêu thị phải mất gần một năm rưỡi đến hai năm nhưng trước đó việc tìm kiếm mặt bằng đáp ứng tiêu chuẩn của siêu thị về diện tích không hề đơn giản. Trong đó, chi phí dành riêng cho mặt bằng chiếm đến 60% giá trị đầu tư cũng chính là yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của các siêu thị nước ngoài. “Nếu so sánh trong khu vực, giá thuê mặt bằng của VN hiện nay cao hơn một nước có thị trường bán lẻ phát triển mạnh hơn là

Thái Lan” - ông Hải cho biết.

Lãnh đạo các siêu thị nước ngoài đã có mặt ở VN thừa nhận giá cho thuê mặt bằng bán lẻ vừa đắt vừa không đủ nguồn cung cấp là những nguyên nhân chính khiến tốc độ mở rộng của họ không thể nhanh hơn, chứ nguyên nhân không đến từ những quy định bó buộc của VN. “Chúng tôi phải có ít nhất là hai điểm bán ở TP.HCM. Trong đó, khu trung tâm Q.1 sẽ có thêm một Parkson khác. Ngoài ra Parkson sẽ xem xét khả năng ở Q.2, Q.7 và cả ở những tỉnh thành khác” - ông Tham Tuck Choy nói.

Big C hiện đã có 10 siêu thị ở VN và sẽ không dừng ở mức gấp đôi con số này. Dự kiến tháng 9-2010 Big C sẽ có thêm siêu thị tại TP Vinh, Nghệ An với một mặt bằng được đánh giá là “đẹp ở mọi khía cạnh”.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), số nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty trong lĩnh vực phân phối chiếm khá cao, đặc biệt là ở TP.HCM. Theo Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, ngoài những công ty đã có nhà máy ở VN xin mở rộng sang lĩnh vực phân phối, số công ty mới nhảy vào lĩnh vực này cũng tăng đáng kể. “Rất nhiều công ty quy mô vốn nhỏ chừng vài chục ngàn USD, thậm chí vài ngàn USD, cũng xin giấy phép hoạt động phân phối, chúng tôi phải lọc và loại bỏ bớt” - một cán bộ quản lý sở này cho hay.

Thực tế, các nhà bán lẻ của Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và cả Trung Quốc đã mở văn phòng đại diện ở TP.HCM trong năm năm qua chờ thời cơ đến. Giám đốc một công ty địa ốc chuyên cung cấp mặt bằng bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài cho biết đơn đặt hàng đầy ắp và ngày càng khó tìm mặt bằng tại các khu trung tâm.

Sức hút siêu thị ngoại

Với chính sách giá rẻ, linh hoạt trong thanh toán, mở nhiều kênh khuyến mãi hấp dẫn... các siêu thị ngoại đang dần tạo ra những ưu thế đặc trưng thu hút ngày càng đông khách hàng đến mua sắm.

Mua sắm tại siêu thị Lotte Mart trên đường Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng


Nếu như đến với Metro vì sự đa dạng và phong phú của hàng hóa cũng như kỳ vọng vào giá rẻ, thì người tiêu dùng đến với Big C bởi những chuyện rất nhỏ như “để mua bánh mì Pháp” hay đến Lotte Mart vì khu vui chơi trẻ em...

Câu chuyện ổ bánh mì

Những ngày giữa tháng 6-2010, đến siêu thị Co.op Mart Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp, TP.HCM), nhiều người có cảm giác là lạ khi thấy xuất hiện một quầy bánh mì tươi. Co.op Bakery, thương hiệu bánh mì riêng do Co.op Mart xây dựng, xem như là một giá trị cộng thêm nhằm kéo khách đến với mình.

85 tỉ USD

Đó là doanh số thị trường bán lẻ tại VN dự kiến đến năm 2012, trong đó kênh bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 18-20% thị phần hệ thống bán lẻ.

Dự báo này vừa được Công ty Cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu (Mỹ) công bố tháng 6-2010.

Nhưng trước đó khi mới bắt đầu đặt chân vào VN, siêu thị Big C đã mang theo công nghệ bánh mì Pháp trong các siêu thị của mình. Điều mới mẻ này ngay lập tức đã tạo nên “hội chứng bánh mì”, hầu như bà nội trợ nào rời siêu thị này cũng đều xách theo những ổ bánh mì baguette vàng ươm, nóng giòn và nhất là độ dài không lẫn vào đâu được. Quầy bánh mì ở các siêu thị Big C luôn trong tình trạng chen chúc, xô đẩy khi mẻ bánh mì mới ra lò. Đại diện Big C thừa nhận ổ bánh mì đã trở thành “hình ảnh” của siêu thị này tại VN. Người dân ưa thích đến mức tại Hà Nội có người vào siêu thị gom bánh mì ra bán ngay gần cổng siêu thị để kiếm lời.

Dù mang tiếng là siêu thị dành cho người Hàn Quốc vì bán rất nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc, siêu thị Lotte Mart (Q.7, TP.HCM) cũng đang trở thành thỏi nam châm của nhiều bà nội trợ. Tuy có vẻ bề ngoài là một siêu thị hiện đại nhưng so với mặt bằng giá ngoài chợ, mặt hàng thủy hải sản ở đây có giá cả khá phù hợp, thậm chí nhiều loại không dễ tìm thấy ngoài chợ. Lotte Mart cũng là một trong những siêu thị cung cấp thêm các dịch vụ phương tiện như xe đẩy cho em bé, khu vui chơi cho trẻ em...

Nếu so với những siêu thị trong nước đang ngày một chật chội do lượng hàng hóa ngày càng tăng mạnh, chiếm cả lối đi của khách thì Lotte Mart thật sự là địa điểm mua sắm lý tưởng.

Hàng hóa đa dạng

Trung bình mỗi siêu thị nước ngoài ở VN hiện kinh doanh 40.000-50.000 mặt hàng khác nhau, trong khi tại các siêu thị trong nước con số này chỉ 25.000-30.000 mặt hàng. Sự đa dạng trong chủng hàng của các siêu thị ngoại thường nhỉnh hơn siêu thị trong nước ở ngành hàng lẫn nhãn hàng. Điển hình như mặt hàng gia vị hạt tiêu.

Trên quầy gia vị của siêu thị Big C có đến gần 10 loại tiêu khác nhau như tiêu sọ, tiêu xanh, tiêu hạt mịn, tiêu cay, tiêu nhập khẩu... Ngay trong cùng một loại tiêu cũng có đến 2-3 nhà cung cấp khác nhau. Trong khi đó, tại siêu thị Co.op Mart khách hàng chỉ có hai sự lựa chọn: tiêu sọ hoặc tiêu đen đóng gói sẵn.

Các siêu thị ngoại cũng làm phong phú thêm chủng hàng hóa kinh doanh bằng nguồn hàng nhập khẩu từ công ty mẹ ở nước ngoài. Tại Lotte Mart, ngoài các mặt hàng sản xuất tại VN, siêu thị còn bán nhiều mặt hàng nhập từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật... Trong đó, có hẳn khu vực riêng bày bán hàng Hàn Quốc từ mì gói, gia vị đến đồ dùng gia đình.

“Các ông chủ siêu thị Hàn Quốc đề ra phương châm ưu tiên một là hàng hóa của doanh nghiệp Hàn Quốc dù sản xuất bất kỳ nơi nào. Vì thế, dù phải sử dụng hàng sản xuất nội địa là chính để bán cho người tiêu dùng địa phương, nhưng khi có cơ hội là họ tăng số mặt hàng của Hàn Quốc lên”, một chuyên gia ngành bán lẻ từng giữ vị trí quan trọng tại các siêu thị nước ngoài đánh giá.

Đồ họa: V.Tân (Nguồn: Công ty Cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu - Mỹ)

Gia công tại thị trường nội

Khuynh hướng sản xuất các sản phẩm nhãn hàng riêng cho từng siêu thị nay cũng đang phổ biến ở Metro hay Big C. Theo cách làm này, doanh nghiệp trong nước chỉ lo khâu sản xuất, còn các siêu thị sẽ đặt tên và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đó. Như vậy, các doanh nghiệp trong nước đang làm gia công cho chính thị trường nội địa của mình.

Một chuyên gia nghiên cứu thị trường đánh giá: “Những sản phẩm mang nhãn hàng riêng của siêu thị hiện nay tuy chiếm tỉ lệ chưa cao trong tổng hàng hóa bán ở siêu thị, nhưng với chính sách ưu tiên đặc biệt cho những nhãn hàng này của các chủ siêu thị, tương lai không xa một vị thế của chúng sẽ khác. Chắc chắn hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước sẽ chịu thêm một sức ép cạnh tranh mới bên cạnh sức ép từ những công ty nước ngoài sản xuất tại VN và từ hàng nhập khẩu”.

Với ưu thế mặt bằng rộng, chính sách phát triển của siêu thị nước ngoài luôn đa dạng nhãn hàng trên cùng một sản phẩm, vừa tạo sự cạnh tranh vừa tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Vì vậy đối với các doanh nghiệp, con đường vào một siêu thị ngoại bao giờ cũng sáng sủa hơn siêu thị trong nước.

Giám đốc một công ty bánh kẹo cho biết sản phẩm của đơn vị ông từng bị một siêu thị trong nước từ chối với lý do đã có sản phẩm tương đồng. Thế nhưng đối với Metro, Big C, chỉ cần doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu thủ tục về sản xuất hàng hóa, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm... hàng dĩ nhiên sẽ được vào.

Thương hiệu nước ngoài cũng không khó để xâm nhập vào kênh bán lẻ hiện đại và chinh phục tiếp ở những thị trường ngách mà họ muốn. Kinh phí mua không gian trưng bày quầy, kệ tại hệ thống các siêu thị không phải là vấn đề của những thương hiệu này. “Mở mắt ra là chỉ thấy mục tiêu đi chiếm kệ nào của siêu thị nào” - ông C, phụ trách thị trường của một công ty đa quốc gia, nhận xét. Các thương hiệu nước ngoài sẵn sàng bỏ chi phí ký hợp đồng một năm để giữ chỗ trên quầy kệ.

Có thể nói cuộc chiến trên quầy kệ giữa thương hiệu nước ngoài với thương hiệu trong nước vẫn diễn ra khốc liệt từng ngày, từng giờ. Xu hướng tiếp cận người tiêu dùng thông qua tiếp thị, quảng cáo được thay thế bằng việc tiếp cận trực tiếp tại các điểm bán lẻ. Đặc biệt, xu hướng cạnh tranh mạnh vào bên trong quầy kệ, tập trung mạnh vào cách trưng bày, khuyến mãi, kích thích người tiêu dùng. “Nhiều tiền thì sự hiện diện trên quầy kệ sẽ nhiều hơn, lâu hơn. Các DN trong nước khó làm được như vậy, nếu có chỉ có thể đếm được chừng vài ba đơn vị”, trưởng phòng thu mua một siêu thị nói.

Cạnh tranh từ sự khác biệt

Co.op Mart, Maximark, Citimart, Vinatex Mart là những thương hiệu siêu thị trong nước có tốc độ mở rộng hệ thống ra toàn quốc nhanh đến chóng mặt. Xét về số lượng, số siêu thị ngoại hiện diện ở VN còn thua xa siêu thị trong nước.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Co.op Mart Quảng Ngãi - Ảnh: N.Bình

Tuy nhiên, sức cạnh tranh không chỉ được đo bằng những con số.


Mỗi năm mở 10 siêu thị

Ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhận xét: sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại VN trong lĩnh vực bán lẻ cho tới nay chưa lớn, bởi các đại gia bán lẻ lẫy lừng như Carefour, Walmart... vẫn chưa xuất hiện.

“Rõ ràng VN không phải là mảnh đất trống để các DN FDI có thể tung hoành như suy nghĩ ban đầu, mà họ phải đối diện với sự cạnh tranh khá gay gắt từ các DN trong nước” - ông Xuân cho hay.

177

Đó là số siêu thị dự kiến phát triển tại TP.HCM đến năm 2015. Theo thống kê của Sở Công thương TP. HCM, hiện thành phố có khoảng 102 siêu thị và 28 trung tâm thương mại, như vậy cơ hội cho các nhà đầu tư là rất lớn.

Thực tế, việc mở rộng hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ trong nước đang tăng rất nhanh.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, tổng giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết đơn vị này hiện đang sở hữu 45 siêu thị, trong đó có 21 siêu thị tại TP.HCM và 24 siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn khác trong cả nước. Riêng trong tháng 7-2010, đơn vị này đã đưa vào hoạt động thêm một siêu thị tại Quảng Ngãi và một cửa hàng thực phẩm.

Theo bà Hạnh, mục tiêu của Co.op Mart là sẽ phát triển đến 100 siêu thị vào năm 2015, nghĩa là mỗi năm Saigon Co.op phải mở mười siêu thị mới.

Tương tự Saigon Co.op, hệ thống siêu thị Vinatex Mart của Tập đoàn Dệt may VN cũng đang kéo dài danh sách siêu thị và cửa hàng bán lẻ của mình, với 21 siêu thị có mặt khắp các tỉnh thành. Điểm chinh phục mới nhất là Bạc Liêu và Mỹ Tho.

Hệ thống siêu thị Citimart cũng đã nâng số siêu thị tại các khu dân cư, đô thị mới lên con số 18. Chủ đầu tư chuỗi siêu thị Maximark, bà Nguyễn Ánh Hồng, cũng tỏ ra rất quyết tâm với việc đưa vào kinh doanh trung tâm thương mại rộng 20.000m2 ở TP.HCM, trung tâm thương mại hiện đại thứ hai, sau Nha Trang, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu từ mua sắm, giải trí, ăn uống đến chăm sóc sắc đẹp mà những siêu thị trước đó của Maximark chưa có được.

Chỉ số lượng là chưa đủ

Dù có phần nhỉnh hơn về lượng qua tốc độ mở mới siêu thị so với các DN FDI nhưng nếu xét về chất, các DN bán lẻ trong nước vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể rút ngắn dần những khoảng cách so với các nhà đầu tư siêu thị nước ngoài. Đó là tiềm lực vốn và năng lực quản trị điều hành, hệ thống logistic hoàn chỉnh và chuyên nghiệp.

“Tôi thật sự không ngại cạnh tranh với họ. Nhưng thú thật, điều tôi sợ nhất ở các tập đoàn đa quốc gia chính là vốn và lực” - bà Nguyễn Ánh Hồng nói.

“DN nước ngoài có thể lỗ vài ba năm nhờ nguồn lực từ các công ty mẹ, trong khi DN trong nước chỉ cần lỗ một tháng thôi là to chuyện!” - bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ.

Trong câu chuyện tìm kiếm mặt bằng, phần lép vế thường thuộc về những DN trong nước. Quan sát những vị trí đẹp ở TP.HCM hay một số thành phố lớn khác, dễ dàng nhận ra một thực tế là chúng đang dần thuộc về tay các thương hiệu nước ngoài.

Trước đây những cửa hàng thức ăn nhanh KFC, Lotte thay thế vị trí những quán cà phê, tiệm phở ở góc phố đẹp thì nay những mặt bằng đắc địa cũng về tay các siêu thị ngoại. Đề cập về khu đất có vị trí khá đẹp ở Gò Vấp hiện đã có một siêu thị ngoại thuê, lãnh đạo một công ty trong nước tiếc rẻ: “Chúng tôi từng đặt vấn đề trước với đơn vị chủ quản mảnh đất này nhưng họ đã thắng nhờ nguồn tài chính mạnh mẽ”.

Ngay cả khi các DN trong nước bắt tay thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hệ thống phân phối VN (VDA) gồm: Công ty TNHH Phú Thái, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Saigon Co.op với mục tiêu xây dựng VDA trở thành một tập đoàn thương mại, phân phối hàng hóa hàng đầu VN, đến thời điểm hiện tại VDA chỉ mới lập được tổng kho phân phối ở Hậu Giang và Đà Nẵng.

“So với kế hoạch, tốc độ như vậy là hơi chậm và chưa đạt được mong muốn ban đầu, trong đó có việc mở rộng mạng lưới bán lẻ” - một thành viên VDA xác nhận.

Cần đa dạng hóa mô hình bán lẻ

Trong dịp đến làm việc tại VN, ông Noh Byung Yong, tổng giám đốc Lotte Hàn Quốc, từng bày tỏ mong muốn hợp tác với Saigon Co.op vì những thế mạnh mà chuỗi siêu thị Co.op Mart đang sở hữu. “Người tiêu dùng VN rất ưa chuộng Co.op Mart, chúng tôi muốn học những điểm mà Co.op Mart đang làm rất tốt và chia sẻ những tiến bộ chúng tôi có” - ông Noh cho biết.

Lời ngỏ của ông giám đốc tập đoàn Hàn Quốc cho thấy nhà bán lẻ trong nước hiện nay không hề ở thế yếu như e ngại của nhiều chuyên gia. Bà Nguyễn Ánh Hồng cho rằng lợi thế của DN trong nước có được là yếu tố “tình cảm” luôn đi kèm trong văn hóa kinh doanh, trong khi DN nước ngoài dường như vẫn đặt cao yếu tố lợi nhuận.

Các hoạt động chăm sóc khách hàng như chia lợi nhuận cuối năm, tặng quà sinh nhật, tích lũy điểm thưởng... của siêu thị trong nước thường được đánh giá tốt hơn siêu thị nước ngoài.

Hoặc với cách chọn thị trường ngách như Citimart: chỉ tập trung vào các khu đô thị và dân cư mới để mở các siêu thị mini, xét về mặt quy mô lẫn độ lớn có thể không đạt yêu cầu cho mô hình siêu thị thông thường.

Tuy nhiên, nếu tính đến yếu tố đáp ứng nhu cầu và tiện ích mua bán thì “chúng tôi tin mình đang đi đúng hướng với chính sách giá bán rất phù hợp cho thành phần người tiêu dùng rất tiềm năng này” - ông Ngô Văn Hải, phó giám đốc kinh doanh hệ thống Citimart, khẳng định.

Bà Hạnh lại cho rằng “phải tìm ra sự khác biệt mới mong cạnh tranh nổi với DN nước ngoài”. Điểm khác biệt này được bà Hạnh ngụ ý cho các kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối ngày một nhiều hơn với tốc độ nhanh hơn nữa, vì “càng có nhiều điểm phân phối càng làm chủ được tình hình, càng có được giá tốt do chủ động trong khâu đàm phán giá”.

Saigon Co.op cũng nâng cấp chất lượng phục vụ siêu thị bằng cách tăng tiện ích, tiện lợi cho khách mua hàng thông qua việc đa dạng hóa mô hình bán lẻ, như chuỗi cửa hàng Co.op Food dành cho các bà nội trợ trong phạm vi gần, dần cạnh tranh trực diện với chợ

L.N.MINH - T.V.NGHI - N.BÌNH//Theo Tuổi Trẻ

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Thu mua gạo tạm trữ: Quá chậm
  • Sữa chua sẽ phân chia lại thị trường sữa?
  • Nhiều tổ chức quốc tế quan ngại về nhập siêu của Việt Nam
  • Làm ăn với Mỹ: Doanh nghiệp Mỹ mới chỉ "đặt gạch giữ chỗ"
  • Đường không thiếu, giá vẫn tăng
  • Doanh nghiệp xuất khẩu mất cơ hội vì thiếu vốn?
  • Thị trường phân phối, bán lẻ VN : “Đũa thần” ở đâu ?
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sân chơi của những người "mua hộ"- "bán hộ"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo