Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu

Cơ cấu xuất và nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật
( Bùi Trinh // Theo Sài gòn Tiếp Thị )

Theo loan báo từ tổng cục Thống kê về xuất nhập khẩu trong tháng 4 cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của tháng 4 là 5.700 triệu USD, tăng gần 2% so với tháng 3 và kim ngạch nhập khẩu của tháng 4 là 6.950 triệu USD, tăng so với tháng 3 hơn 3%, điều này cho thấy tốc độ tăng về nhập khẩu cao hơn tốc độ tăng về xuất khẩu hơn 1 điểm phần trăm trong tháng 4.

Từ đó có thể thấy mức nhập siêu của tháng 4 (1.259 triệu USD) tăng so với tháng 3 (1.155 triệu USD vào khoảng 8,23%. Một điểm đáng chú ý là tuy mức nhập siêu của tháng 4 tăng cao như vậy so với tháng 3 nhưng nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước lại giảm 2,23%; như vậy nhập siêu có tốc độ tăng cao như vậy là do khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (khu vực FDI). Khu vực FDI có mức nhập siêu tăng do kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4 tăng 3% trong khi xuất khẩu giảm 1,31%.

Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu không kể xuất khẩu dầu thô có mức tăng về nhập siêu của tháng 4 so với tháng 3 là 6,8%. Tính chung bốn tháng, nhập siêu ước tính là 4.650 triệu USD cao hơn mức nhập siêu của cả năm 2005, bằng 92% mức nhập siêu của năm 2006. Nếu không tính xuất khẩu dầu thô, mức nhập siêu trong bốn tháng là 6.435 triệu USD.

Tình hình nhập siêu tháng 3, tháng 4 và bốn tháng
Tình hình nhập siêu tháng 3, tháng 4 và bốn tháng. ĐVT: triệu USD

Nếu xem xét kỹ hơn đến cơ cấu của xuất nhập khẩu và chỉ số lan toả về nhập khẩu có thể thấy ngành dệt may và giày dép có cơ cấu chiếm cao nhất, xấp xỉ 22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, sau đó là dầu thô chiếm 8,8% nhưng những ngành chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao cũng là những ngành có hệ số lan toả về nhập khẩu cao. Chẳng hạn ngành dệt may và giày da có hệ số lan tỏa về nhập khẩu 1,2 và dầu thô có mức lan toả cao gấp đôi mức bình quân chung của nền kinh tế (2,06). Điều này có nghĩa những ngành này kích thích về nhập khẩu rất mạnh mẽ.

Một điều cần cân nhắc là những ngành thuộc khu vực 2 (công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến) và khu vực sở hữu FDI có tỷ trọng xuất khẩu cao nhưng hệ số lan toả về nhập khẩu cũng cao. Điều này có nghĩa xuất khẩu thì là con số “ảo” còn nhập khẩu là nhập thật mà còn chưa kể đến nhập khẩu trá hình. Như vậy khi xem xét về tái cơ cấu kinh tế cần cân nhắc điểm này?


 Kiềm chế nhập siêu: Bài toán khó giải
(NGỌC QUANG // Theo SGGP)

Tháng 4, nhập khẩu đạt con số 6,95 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng qua lên hơn 24,8 tỷ USD. Với kim ngạch xuất khẩu 4 tháng là 20,1 tỷ USD, như vậy, nhập siêu những tháng đầu năm đã lên khoảng 4,7 tỷ USD, tương đương với hơn 23% kim ngạch xuất khẩu. Với cách làm như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới 20% trong năm nay là rất khó.

Ấn tượng... nhập khẩu
4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của hầu hết mặt hàng máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý trong đó là các loại hàng hóa, máy móc, thiết bị cần thiết và chiếm kim ngạch lớn đều tăng cao. Cụ thể, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4 tỷ USD (tăng 14,8%); xăng dầu gần 2,2 tỷ USD (tăng 19,6%); vải 1,5 tỷ USD (tăng 19%); sắt thép 1,6 tỷ USD (tăng 33,9%); điện tử, máy tính và linh kiện 1,4 tỷ USD (tăng 43,7%); chất dẻo 1,1 tỷ USD (tăng 54,7%)…

 Kim ngạch nhập khẩu của hầu hết mặt hàng máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất đều tăng so với cùng kỳ năm trước
 Kim ngạch nhập khẩu của hầu hết mặt hàng máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất đều tăng so với cùng kỳ năm trước


Trong khi đó, ở lĩnh vực xuất khẩu, nếu như các mặt hàng dệt may, giày dép, thủy sản… có sự tăng trưởng thì một số mặt hàng có kim ngạch lớn khác lại giảm như: dầu thô đạt 1,8 tỷ USD, giảm 9,2% (lượng giảm 47,2%); gạo 1,1 tỷ USD, giảm 3,1% (lượng giảm 15,8%); cà phê 655 triệu USD, giảm 22,8% (lượng giảm 16,1%).

Đóng góp đáng kể cho con số tăng trưởng về kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2009 (tăng 35,6%) là khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mức tăng 55,6% với con số 10,2 tỷ USD. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (tăng 44%, đạt giá trị 9,5 tỷ USD) thấp hơn so với nhập khẩu của khu vực FDI là nguyên nhân khiến nhập siêu từ khối doanh nghiệp này 4 tháng qua là 700 triệu USD.

Bộ Công thương cho biết, một trong những biện pháp trọng tâm được tập trung thực hiện để kiềm chế nhập siêu là tiếp tục đẩy mạnh công tác khai thác, xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới. Công tác xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh vào các thị trường chủ lực như châu Á (Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc...), châu Âu (chủ yếu là EU), Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada) cũng như các thị trường truyền thống, mới để tận dụng mọi khả năng xuất khẩu.


Để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu từ khu vực doanh nghiệp FDI, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát lại những quy định hiện hành về xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để loại bỏ các quy định không phù hợp, bảo đảm đơn giản, thuận tiện nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác có thể thấy, từ nhiều năm trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI thường chiếm trên 30% so với kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của khối này khoảng 6 năm gần đây trung bình trên 25%/năm (ngoại trừ năm 2009 giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới).

Nguyên nhân của tình trạng này do Việt Nam là nước có trình độ kỹ thuật kém phát triển, sản xuất trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị nên việc nhập khẩu hàng năm của doanh nghiệp, nhất là ở khu vực FDI đều tăng mạnh. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam thường lấy mục tiêu tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, sau đó mới tính đến xuất khẩu, do đó hiệu quả kinh tế đem lại cho Việt Nam từ hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp FDI là không cao.

Vẫn loay hoay với giải pháp tình thế
Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam dự kiến là hơn 72 tỷ USD (tăng 5,6% so với 2009), trong đó, mục tiêu kiềm chế nhập siêu thấp hơn 20%. Tuy nhiên, ngay chính Bộ Công thương cũng cho rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi phần lớn nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu, máy móc thiết bị (thường chiếm trên 80%) đều phải nhập khẩu.

Với việc không có giải pháp mang tính lâu dài nên năm nào cũng vậy, vấn đề nhập siêu vẫn được đưa lên “bàn cân” nhưng không thể đưa ra được lời giải. Ngay đến mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam là dệt may, để xuất khẩu được khoảng 3 tỷ USD trong 4 tháng qua, chúng ta phải nhập nguyên phụ liệu (bông, sợi dệt, vải, nguyên phụ liệu) khoảng 2,6 tỷ USD.

 Chỉ số nhập siêu tăng cao trong khi kim ngạch xuất khẩu còn thấp
 Chỉ số nhập siêu tăng cao trong khi kim ngạch xuất khẩu còn thấp


Hiện nay, việc hạn chế nhập khẩu khá hiệu quả tập trung vào các nhóm các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm và một số máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được. Tuy nhiên, nhóm hàng hóa này chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu mặt hàng nhập khẩu (nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu thường chỉ chiếm khoảng 17%). Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên thừa nhận, hiệu quả kiềm chế nhập siêu thấp là bởi các biện pháp đang áp dụng hiện nay chủ yếu tập trung vào hàng tiêu dùng trong khi tỷ trọng của nhóm này rất thấp.

Trên thực tế, hàng loạt giải pháp nhằm mang lại hiệu quả trong ngắn hạn đã được ban hành như hạn ngạch thuế quan, áp dụng cấp phép nhập khẩu tự động, tăng thuế nhập khẩu... nhưng kết quả không có nhiều chuyển biến. Bình luận về việc áp dụng chính sách thuế trong việc giảm nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu, ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, việc tăng thuế kiềm chế nhập siêu chỉ là giải pháp ngắn hạn và cũng cần hết sức cân nhắc khi áp dụng đối với các mặt hàng. Bởi nếu tăng thuế, với nhiều mặt hàng dù thuế cao doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu thì sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sản phẩm đầu ra và đây không thể là giải pháp lâu dài cho việc hạn chế nhập khẩu.

Những giải pháp mang tính chất tình huống như thuế, rõ ràng không thể là giải pháp lâu dài cho việc kiềm chế nhập siêu. Phát triển công nghiệp phụ trợ là giải pháp đã được nhắc đến từ nhiều năm để giải quyết căn cơ bài toán nhập siêu nhưng đến nay, văn bản về quy hoạch, phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn chỉ là... dự thảo. Đó cũng là nguyên nhân giải thích tại sao, hàng năm tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu của Việt Nam đều rất lớn (năm 2008 và 2009 lần lượt là 27% và 21,6%)


Xuất khẩu, coi chừng con số ảo
( Bùi Trinh // Theo Sài gòn Tiếp Thị )

Từ năm 2000 đến nay, tình hình nhập siêu ngày càng trầm trọng (xem hình ). Quý 1/2010, nhập siêu trên 3,5 tỉ USD (theo tổng cục Thống kê), tình hình này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, bài viết này phân tích một trong những nguyên nhân cho thấy một số ngành kinh tế có nhu cầu nhập khẩu rất cao và thành phần nào của các nhu cầu cuối cùng trong nước (gồm nhu cầu cho tiêu dùng cuối cùng, nhu cầu cho đầu tư/tích luỹ và xuất khẩu) kích thích nhập khẩu nhiều nhất.

Xét về quá trình sản xuất, có thể thấy được tổng ảnh hưởng về nhập khẩu cho một đơn vị sản phẩm cuối cùng, tổng ảnh hưởng (hay tổng nhu cầu về nhập khẩu) ở đây được hiểu là các ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng gián tiếp, điều này có nghĩa để làm ra một đơn vị sản phẩm cuối cùng không chỉ đòi hỏi lượng nhập khẩu làm chi phí đầu vào mà còn lan toả nhu cầu này đến các ngành khác trong nền kinh tế.

Bảng dưới đây chỉ ra một vài ngành có chỉ số lan toả về nhập khẩu lớn hơn mức bình quân chung về tổng nhu cầu của nhập khẩu.

Tổng thể nền kinh tế cho thấy, để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm cuối cùng sẽ kích thích nhập khẩu 1,44 đơn vị nhập khẩu. Khu vực 2 (gồm công nghiệp khai thác, chế biến và xây dựng) là khu vực kích thích nhập khẩu mạnh mẽ nhất, tình trạng nhập siêu trong nhưng năm qua cơ bản do khu vực này, thậm chỉ kể cả những sản phẩm ghi nhãn hiệu sản xuất trong nước nhưng thực ra cũng là “nhập khẩu” trá hình.

Khu vực 2 (gồm công nghiệp khai thác, chế biến và xây dựng) là khu vực kích thích nhập khẩu mạnh mẽ nhất. Tình trạng nhập siêu trong những năm qua cơ bản là ở khu vực này

Xét ảnh hưởng của các thành phần của nhu cầu cuối cùng (tiêu dùng, tích luỹ và xuất khẩu) trong nước đến nhập khẩu, cho thấy nhu cầu về nhập khẩu lan toả bởi tích luỹ từ sản xuất trong nước, xuất khẩu và tiêu dùng trung gian dù là sản xuất trong nước ngày càng tăng; đặc biệt các sản phẩm sản xuất trong nước được sử dụng cho tích luỹ tài sản kích thích nhập khẩu mạnh nhất. Điều này khẳng định và bổ sung cho nhận định ở trên là nhiều sản phẩm dù mang mác nhãn sản xuất của Việt Nam nhưng thực ra cũng chỉ mang tính chất gia công hoặc lắp ráp. Lập luận khiến chúng ta cần xem xét lại quan điểm cho rằng Việt Nam cần tăng cường công nghiệp phụ trợ, vì nền công nghiệp chế biến của Việt Nam thực ra toàn là công nghiệp phụ trợ rồi.

Trong khi đó, con số xuất khẩu lại là những con số “ảo” ví dụ như khi xuất khẩu sản phẩm dệt may thì ghi toàn bộ giá trị của sản phẩm, nhưng phần giá trị gia tăng (supply ) mà nền kinh tế nhận được chỉ là một phần nhỏ của giá trị gia công, những hoạt động này thường có tỷ lệ giá tri tăng thêm trên giá trị sản xuất thấp. Trong khi đó xuất khẩu dịch vụ là thực xuất khẩu và các ngành dịch vụ không đòi hỏi lượng nhập khẩu cao cho một đơn vị sản phẩm cuối cùng.

Như vậy phải chăng nước ta nên tái cấu trúc theo hướng này, hướng các ngành dịch vụ?

(Cảm ơn sự gợi ý của TS Vũ Quang Việt)



Hàng tỉ USD nhập nông sản, thực phẩm

(Mai Đình //theo SGTT)

Con số thống kê hàng tỉ USD nhập khẩu nông sản, thực phẩm ở đất nước nông nghiệp vốn là thế mạnh khiến người ta giật mình.

Chở lúa từ Campuchia sang Xuân Tô, Tịnh Biên, An Giang

Chở lúa từ Campuchia sang Xuân Tô, Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Yến

Số liệu thống kê tháng 4 cho thấy, nhập khẩu nhiều loại nông sản, thực phẩm tiếp tục tăng. Trước đó, một báo cáo chi tiết hơn của bộ Công thương cho biết, hai tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông sản và thực phẩm chủ yếu đạt khoảng 280 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mặt hàng tăng nhiều nhất là gạo tăng 152%; rau, củ tăng 127%; dầu mỡ động thực vật đã tinh chế tăng 96%; chế phẩm từ ngũ cốc, tinh bột, sữa (bánh kẹo, sữa đóng hộp…) tăng 99%; sản phẩm thịt cá, động vật tăng 79% và chế phẩm ăn được khác tăng 84%. Năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng là 1,5 tỉ USD.

Theo phân tích của bộ Công thương, có nhiều mặt hàng thực phẩm nhập khẩu để tiêu dùng là những mặt hàng không thiết yếu, không khuyến khích nhập khẩu. Đặc biệt là mặt hàng thịt và sản phẩm thịt, đồ uống (rượu, bia, nước ngọt…), rau, quả, bánh kẹo và các chế phẩm ăn được khác.

Lý giải vì sao lượng nông sản và thực phẩm nhập tăng mạnh, bộ Công thương cho rằng do đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. “Ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM nhu cầu đối với hoa quả cao cấp nhập khẩu từ các nước phát triển như Úc, Mỹ… ngày càng tăng cao nên lượng nhập khẩu cũng gia tăng. Đối với mặt hàng thịt và sản phẩm thịt, ngoài nhu cầu nhập khẩu để chế biến hàng thực phẩm, nhu cầu sử dụng thịt nhập khẩu của người dân cũng gia tăng”. Thêm vào đó, không ít mặt hàng đã được giảm thuế xuống 0 – 5%, theo cam kết FTA ASEAN – Trung Quốc và CEPT giữa các nước ASEAN.

Để kiềm chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, bộ Công thương kiến nghị tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hoá nông sản, thực phẩm nhập khẩu bằng nhiều hình thức, trong đó có việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc làm này là cần thiết. Trong năm 2009, do việc cắt giảm thuế đột ngột, hoặc nhanh hơn mức cam kết cũng như thiếu hàng rào kỹ thuật đã khiến thực phẩm nhập khẩu, nhất là thịt ồ ạt tràn vào Việt Nam. Điều này gây áp lực mạnh lên ngành chăn nuôi trong nước khiến nhiều hộ chăn nuôi phá sản, trong khi người tiêu dùng phải sử dụng thịt đông lạnh kém chất lượng.

Sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý đã tạo ra nhiều khe hở trong việc quản lý chất lượng nhóm mặt hàng này. Có trường hợp bộ này không cho nhập, nhưng bộ kia lại cho phép nhập.

Ở biên giới phía Bắc, từ nông sản cho đến các loại nội tạng động vật Trung Quốc tiếp tục chảy vào thị trường trong nước. Có thời điểm trung bình mỗi ngày có khoảng 400 tấn nông sản nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mỗi ngày cũng có khoảng 100 – 150 tấn nông sản từ Trung Quốc nhập về, chưa kể hàng trăm tấn nông sản ùa vào theo hình thức biên mậu.

Tuy nhiên, dừng lại ở biện pháp kỹ thuật thôi chưa đủ. Đúng như bộ Công thương đánh giá: đối với mặt hàng rau, củ, quả, ta nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc – chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả năm 2009 – qua đường biên mậu do rau quả được trồng với kỹ thuật cao, lại trồng được quanh năm nên lượng rau, củ, quả tương đối dồi dào... Trong khi đó, rau quả của Việt Nam hay bị thiếu hụt nguồn cung trong những lúc trái vụ. Một số loại hoa quả chất lượng kém và chỉ có thời vụ ngắn. Các giải pháp hay kiến nghị của bộ Công thương để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nông sản tuy cơ bản, song thiếu lộ trình thực thi. Do vậy, về dài hạn, một kế hoạch tốt cho rau quả Việt Nam thâm nhập thị trường trong nước phải thể hiện được sự quan tâm đến chất lượng, nhu cầu thị trường và yếu tố an toàn thực phẩm. Thêm nữa, do không có công nghiệp chế biến mạnh nên nông sản, thực phẩm của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, sức cạnh tranh thấp. Các doanh nghiệp nước ngoài sau khi mua nguyên liệu về chế biến thành sản phẩm rồi xuất trở lại Việt Nam với giá cao.

( Tinkinhte.com tổng hợp)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • “Bốc thuốc” giải nhập siêu
  • Xuất khẩu gạo: mừng mà lo
  • Hàng Việt sang Campuchia: Nhiều lợi thế
  • Các mặt hàng trọng yếu có xu hướng tăng giá
  • Phòng, chống kiện bán phá giá hàng xuất khẩu: Vấn đề cốt tử với doanh nghiệp
  • Giá thuốc: mua 1, bán 5!
  • Nhập siêu tíếp tục ở mức cao
  • Cơ cấu xuất và nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo