Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo

Cho dù khối lượng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 25% tổng sản lượng gạo hàng năm, nhưng đó chính là “điểm nút”, là “kênh dẫn” những tác động khôn lường của thị trường hàng nông sản chiến lược vào thị trường trong nước. Do vậy, những vấn đề chủ yếu của Nghị định về kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này cần được xem xét thấu đáo hơn.

Mục tiêu “di động”

Trước hết, có thể khẳng định chắc chắn rằng, mục tiêu quan trọng nhất mà mọi hoạt động kinh doanh xuất khẩu nói chung và kinh doanh xuất khẩu gạo nói riêng hướng tới không có gì khác hơn là tối đa hóa lợi nhuận. Về nguyên tắc, để đạt được mục tiêu này, người kinh doanh có thể tiến hành đồng thời bằng hai cách: ép giá mua trong nước xuống và đẩy giá xuất khẩu lên.

Thế nhưng, trên thực tế, câu chuyện râm ran trong “làng” xuất khẩu gạo nước ta thời gian qua rất đáng tiếc không phải là đẩy giá xuất khẩu lên, mà lại là bán với giá thấp, miễn sao thu lợi nhuận cho riêng mình, cho DN xuất khẩu. Điều này ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia và làm giảm lợi nhuận của nông dân. Câu chuyện gía gạo xuất khẩu của nước ta trong một thời gian rất dài vừa qua thấp quá xa so với cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới Thái Lan đủ cho thấy điều đó.

Tuy nhiên, giá gạo thế giới liên tục biến động khó lường, cho nên vấn đề mấu chốt đầu tiên trong việc giải bài toán xuất khẩu của nước ta chính là câu chuyện giá sàn định hướng xuất khẩu.

Trước hết, các số liệu thống kê của IMF cho thấy, kể từ khi cơn sốt nóng khởi phát từ tháng 1/2004 đến nay, không tháng nào giá gạo thế giới chịu đứng yên. Cụ thể là, trong suốt 69 tháng đó, trong khi chỉ có 31 tháng gía gạo thế giới tăng hoặc giảm dưới 2%, thì có tới 38 tháng tăng hoặc giảm từ 2% trở lên. Và hơn thế, trong 38 tháng giá gạo thế giới biến động mạnh này, thì chỉ có 10 tháng là giá gạo thế giới tăng hoặc giảm từ 2% đến dưới 3%, còn lại tới 28 tháng có mức tăng hoặc giảm từ 3% trở lên. Đặc biệt, trong 28 tháng giá gạo thế giới biến động rất mạnh này thì chỉ có năm tháng giá gạo thế giới tăng hoặc giảm từ 3% đến dưới 4%, thì 23 tháng còn lại có mức tăng hoặc giảm từ 4% trở lên.

Chính sách xuất khẩu gạo mới của nước ta phải xác định được ba yếu tố trọng yếu, bên cạnh khung pháp lý và tổ chức điều hành ở thượng tầng kiến trúc, còn phải có lực lượng tham gia thị trường mạnh ở hạ tầng cơ sở.
Rõ ràng, trong điều kiện giá gạo thế giới vẫn còn đứng ở mức trên 590 USD/tấn (gạo trắng 5% tấm), mức tăng hoặc giảm 3% đã tương ứng với gần 320 nghìn đồng/tấn và mức tăng hoặc giảm 4% tương ứng vởi trên 420 nghìn đồng/tấn là những ngưỡng cần tính tới việc điều chỉnh giá sàn định hướng xuất khẩu. Thực tế này cho thấy, tần suất điều chỉnh giá sàn định hướng xuất khẩu gạo là rất lớn, đặc biệt là từ tháng 11/2007 đến nay. Cho nên e rằng chế định định kỳ xác định và công bố giá sàn định hướng xuất khẩu gạo trên cơ sở phối hợp giữa các bộ quản lý ngành có liên quan và Hiệp hội Lương thực là không phù hợp với thực tế, đòi hỏi phải điều chỉnh hầu như hằng tháng.

Cũng từ thực tế xuất khẩu gạo của nước ta trong vòng hai thập kỷ vừa qua, một điều không thể phủ nhận là đã từng có những thời gian  tương đối, không chỉ nông dân trồng lúa nước ta, mà ngay cả các DN xuất khẩu gạo phải đối mặt với không ít khó khăn do giá gạo thế giới sốt lạnh. Do vậy, việc chỉ khẳng định một chiều là giá gạo xuất khẩu phải được điều tiết sao cho bảo đảm cho nông dân có lãi tối thiểu là 30% như trong thời gian qua e rằng cũng có thể không phù hợp.

Ba “cực” của mối quan hệ

Nếu thừa nhận lợi nhuận là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo nói riêng và kinh doanh xuất khẩu nói chung và để tránh lặp lại tình trạng ì xèo và “tố lẫn nhau trong làng xuất khẩu gạo” nước ta vừa qua, vấn đề cơ quan nào thực thi nhiệm vụ điều hành xuất khẩu trên thực tế cũng cần được xem xét một cách thấu đáo.

Trước hết, cần khẳng định rằng, cho dù cho đến nay Hiệp hội Lương thực VN (VFA) vẫn được giao nhiệm vụ rất quan trọng trong việc điều tiết hoạt động xuất khẩu gạo, nhưng thẩm quyền điều hành vẫn thuộc về Chính phủ và các bộ chức năng.

Tuy nhiên, như cha ông chúng ta vẫn nói: “cuốc giật vào”, thì cho dù chúng ta sẽ có được giá sàn định hướng xuất khẩu gạo luôn luôn bám sát xu thế biến động của giá gạo thế giới như đã nói ở trên, tức là sẽ có được một khung pháp lý buộc các DN xuất khẩu gạo phải bảo vệ lợi ích của quốc gia và ẩn phía sau đó là lợi ích của nông dân trồng lúa, nhưng với quyền cấp phép hợp đồng xuất khẩu gạo của VFA như hiện nay, vẫn còn những “kẽ hở” khiến cho hoạt động xuất khẩu gạo có thể gặp trở ngại. Suy đoán này dựa trên hai căn cứ:

- Thứ nhất, do khối lượng gạo hằng năm xuất khẩu theo hợp đồng Chính phủ (hợp đồng tập trung) của nước ta không nhỏ, cho nên chuyện ì xèo giữa VFA và các DN xuất khẩu gạo “làm ăn cá thể” vẫn có thể phát sinh.

Do vậy, trong điều kiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo đã trở thành hoạt động kinh doanh có điều kiện, tức là đã loại bỏ những DN “tay không bắt giặc”. Và tất cả các DN đều phải thực hiện các nghĩa vụ như nhau, trước hết là nghĩa vụ mua lúa gạo theo giá định hướng và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Điều này không có lý do gì để loại bỏ các DN ngoài VFA tham gia  sân chơi này.

- Thứ hai, cho dù chúng ta sẽ có được giá sàn định hướng xuất khẩu gọi là bám sát xu thế diễn biến của giá gạo thế giới như đã nói ở trên, nhưng thực ra vẫn luôn luôn còn những “khe co giãn”, thậm chí có thể là không nhỏ, đồng nghĩa với cơ hội tối đa hóa lợi nhuận của các DN, cho nên vẫn có thể phát sinh sự xung đột giữa ích quốc gia, lợi ích của các DN xuất khẩu gạo trong và ngoài VFA và lợi ích của nông dân trồng lúa.

Cụ thể, những vấn đề nói trên có thể phát sinh trong hai trường hợp khác nhau. Đó trước hết là, nếu như ngưỡng điều chỉnh giá sàn định hướng xuất khẩu gạo được chọn là mức tăng hoặc giảm 3% của giá gạo thế giới, thì đương nhiên 3% này chính là giới hạn tăng hoặc giảm lợi nhuận của các DN kinh doanh xuất khẩu gạo, còn nếu ngưỡng này là 4% thì giới hạn này sẽ được mở rộng ra.

Đặc biệt, giới hạn này có thể lớn hơn nhiều trong trường hợp cơ quan quản lý dự báo sai xu thế biến động của giá gạo thế giới, cho nên điều chỉnh không sát và “khe co giãn” này sẽ doãng rộng. Đây là điều không thể không tính đến.

Chẳng hạn, sau cơn sốt nóng giá gạo thế giới chưa có tiền lệ trong lịch sử hồi tháng 4 và tháng 5/2008, để tránh cho giá lúa gạo trong nước rơi tự do, người Thái đã quyết định mua cả triệu tấn lúa vào kho dự trữ để xuất khẩu gạo với giá 600 USD/tấn, nhưng sau không ít thời gian khởi động, với giá bỏ thầu chỉ ở mức 380-400 USD/tấn, cuộc đấu giá đầu tiên hồi giữa năm nay đã bất thành.

Những thực tế đó có nghĩa là các tình huống trong “cuộc chơi” xuất, nhập khẩu gạo hết sức khó lường, cơ hội “thắng, thua” đối với các DN rất có thể “chợt đến, chợt đi”, nên việc cấp phép hợp đồng xuất khẩu gạo là khâu hết sức quan trọng. Do vậy, phải chăng để đáp ứng với đòi hỏi cần phải điều chỉnh kịp thời của thực tiễn thị trường như đã nói ở trên, cũng như để tránh những chuyện ì xèo “vừa đá bóng vừa thổi còi trong làng xuất khẩu gạo” như lâu nay, chúng ta nên xem xét áp dụng kinh nghiệm tổ chức một cơ quan đặc trách như người Thái vẫn làm lâu nay để đảm nhiệm nhiệm vụ xác định và công bố giá sàn định hướng xuất khẩu gạo, cũng như giúp Chính phủ điều tiết hoạt động xuất khẩu gạo (cấp phép hợp đồng xuất khẩu gạo).

Những điều nói trên có nghĩa là, để thích ứng với thị trường gạo thế giới đầy biến động, cùng với việc phải tính tới phương án liên tục điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo, thay cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan phối hợp thực hiện để “điều khiển từ xa ” như lâu nay, có lẽ cũng cần tính tới việc phải có một cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ đảm nhiệm vai trò điều hành trực tiếp hoạt động xuất khẩu. Phải khẳng định và nhấn mạnh lại rằng, phía sau hoạt động xuất khẩu gạo là lợi ích của nông dân và của quốc gia, cho nên cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ điều hành hoạt động xuất khẩu gạo chính là “cực” thứ ba trong mối quan hệ tay ba này mới có thể là cơ quan “cầm cân nảy mực” công tâm nhất.

“Nuôi dưỡng sức ép” từ bên trong

Trước hết, cùng với việc loại bỏ khỏi “cuộc chơi” những DN xuất khẩu gây rối ren thị trường như lâu nay, một khi có được giá sàn định hướng xuất khẩu tốt hơn và có được cơ quan điều hành trực tiếp sát sao và công tâm hơn, chắc chắn chúng ta sẽ có được một bước tiến trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng nông sản chiến lược này.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, sẽ dễ dàng hơn nhiều cho các cơ quan quản lý điều hành hoạt động này một khi chúng ta có được một số lượng đủ lớn các DN kinh doanh xuất khẩu gạo có tiềm lực tài chính tương đương nhau, đủ sức cạnh tranh với nhau trong hoạt động này. Bởi lẽ, một khi có được lực lượng tham gia cạnh tranh trên thị trường đủ mạnh như vậy, chính các DN này tự tạo ra sức ép đủ lớn để vừa đẩy giá lúa gạo trong nước lên, vừa đẩy giá xuất khẩu gạo lên tới mức tối đa có thể, cho nên cơ quan điều hành xuất khẩu gạo sẽ “nhàn nhã” hơn rất nhiều.

Rõ ràng, việc giá gạo xuất khẩu của nước ta tụt dốc quá xa so với của Thái Lan trong hơn một năm qua, ngoài những nguyên nhân được đông đảo dư luận đề cập như chất lượng gạo còn thấp, thiếu kho chứa, hoặc “quân ta đánh quân mình”..., vẫn còn một nguyên nhân “kinh điển” giữ vai trò đặc biệt quan trọng chính là không có sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh này, mà ẩn phía sau đó chính là không có những DN có tiềm lực tài chính ngang ngửa với nhau có thể cạnh tranh lành mạnh với nhau, cho nên những người nông dân vẫn không được hưởng lợi tương ứng với mức gía gạo trên thị trường thế giới vẫn còn rất cao do giá gạo xuất khẩu của nước ta bị dìm xuống quá thấp.

(Tác giả: Nguyễn Đình Bích // Theo Diễn đàn doanh nghiệp)