Trong 11 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của nước ta ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2007 và sắp chạm đích của kế hoạch cả năm (là 59,25 tỷ USD). Tuy nhiên, thách thức còn rất lớn.
Theo số liệu thống kê của Hải quan, trong tháng 11/2008, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 4,8 tỷ USD, giảm 4,8% so với số thực hiện của tháng trước; nghĩa là trong 4 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của tháng sau liên tục giảm tốc so với tháng trước và nguyên nhân chủ yếu là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Như vậy, đồ thị tăng trưởng xuất khẩu đã và đang diễn biễn trái với "quy luật" nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, so sánh với từng tháng của năm 2007, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua vẫn tăng dưới 10%, vì vậy, tính chung trong 11 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của nước ta ước đạt 58,5 tỷ USD (kế hoạch cả năm là 59,25 tỷ USD), tăng 34% so với cùng kỳ năm 2007. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục kể từ năm 1995 trở lại đây (năm 1995 tăng 34,4%), đóng góp tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và tạo việc làm.
Trong kết quả chung đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI (kể cả dầu thô) là 32,4 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2007, khu vực doanh nghiệp trong nước đạt 26,16 tỷ USD, tăng 40,5%.
Tính đến nay, đã có 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Đó là dầu thô đạt 9,94 tỷ USD, tăng 30,9% (tuy khối lượng giảm 10,2%) so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là hàng dệt may đạt 8,376 tỷ USD, tăng hơn 19%; thuỷ sản 4,279 tỷ USD, tăng 24,8%; giày dép 4,228 tỷ USD, tăng 18,3%; gạo 2,714 tỷ USD, tăng hơn 89% (dù khối lượng giảm 10,9%), sản phẩm gỗ 2,559 tỷ USD, tăng gần 20%; điện tử-máy tính 2,523 tỷ USD, tăng 29,5%; cà phê 1,772 tỷ USD, tăng 6,6% (tuy giảm 21,4% về khối lượng); cao su 1,534 tỷ USD, tăng 24,8% (khối lượng giảm 8,3%) và than đá 1,377 tỷ USD, tăng 50,5% (tuy khối lượng giảm 44,7%).
Ngoài ra, còn một số mặt hàng đạt giá trị cao và ngấp nghé tham gia "câu lạc bộ tỷ USD”, như dây điện-cáp điện (944 triệu USD, tăng gần 19%), hạt điều (859 triệu USD, tăng 47%), sản phẩm nhựa (857 triệu USD, tăng 34%)...
Bên cạnh kết quả đáng khích lệ về xuất khẩu, trong tháng 11/2008, kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 5,3 tỷ USD, giảm 7,1% so với tháng 10/2008 và giảm 13,8% so với tháng 11/2007.
Trong đó, mặt hàng giảm đáng kể gồm máy móc thiết bị, xăng dầu, vải, chất dẻo, sắt thép, thức ăn gia súc... Đáng chú ý là, khối lượng nhập khẩu xăng dầu đạt thấp so với mức trung bình hàng tháng trước đây do cơ chế xoá bỏ dần việc bù giá xăng dầu, đưa giá xăng dầu trong nước sát với giá thế giới, giảm dần tình trạng xuất khẩu lậu xăng dầu sang các nước láng giềng.
Như vậy, tính chung trong 11 tháng năm 2008, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 75,4 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm 48,9 tỷ USD, tăng 40%; khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 26,5 tỷ USD, tăng 35,6%. Cùng với mặt hàng sắt thép, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong 11 tháng qua đã lên tới 48.300 chiếc, với tổng giá trị 976 triệu USD, gấp hơn 2 lần về lượng và gấp gần 2,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đây là mặt hàng cần quan tâm quản lý và điều tiết chặt chẽ, bởi giá ô tô trên thị trường thế giới đang giảm, khiến nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian tới.
Tính chung trong 11 tháng năm 2008, nhập siêu là 16,9 tỷ USD, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ nhập siêu ước bằng 28,8% kim ngạch xuất khẩu, tuy giảm mạnh so với những tháng đầu năm, nhưng vẫn còn cao so với cùng kỳ năm 2007 (24,7%).
Trên cơ sở kết quả 11 tháng qua, các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, nếu không có những đột biến, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2008 có thể đạt 63,2 đến 63,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu vào khoảng 81 đến 81,5 tỷ USD và nhập siêu vào ước khoảng 18 tỷ USD.
Để dự báo này trở thành hiện thực, cần tiếp tục thực thi quyết liệt hơn nữa những biện pháp mang lại thành công trong thời gian qua, bởi xuất khẩu dệt may, giày dép, gạo... đang gặp khó khăn tại những thị trường chính yếu, giá dầu thô cũng giảm mạnh. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu đang có xu hướng giảm giá, càng kích thích nhu cầu nhập khẩu trong nước nhằm đầu cơ, kiếm lời, nhất là những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.
(Theo Vinanet)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com