Chỉ số ngành chế tạo mới của các nền kinh tế chủ yếu trên thế giới lần lượt được công bố. Số liệu cho thấy, Mỹ và Trung Quốc đều giảm nhẹ, còn châu Âu và Ấn Độ tăng nhẹ. Theo phân tích của các chuyên gia, giảm không có nghĩa là lao dốc, tăng chưa chắc sẽ bền vững. Giá dầu có thể là nhân tố lớn nhất phá vỡ sự cân bằng yếu ớt của nền kinh tế thế giới.
Điều đáng chú ý nhất đó là chỉ số ngành chế tạo của Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có phần sụt giảm, nhưng biên độ không lớn.
Báo cáo mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 2/5 cho biết, chỉ số ngành chế tạo tháng 4 là 60,4 điểm, thấp hơn mức 61,2 của tháng 3, nhưng cao hơn dự đoán 59,5 điểm của nhiều chuyên gia. Số liệu của Trung Quốc cũng tương tự, tháng 4 là 52,9, giảm 0,5 điểm so với tháng 3.
Biên độ sụt giảm tuy không lớn nhưng sự lý giải của mọi người lại khác biệt rất lớn. Đối với số liệu của Mỹ, các chuyên gia nghiêng về sự giải thích lạc quan. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Wells Fargo – ông John Silvia đã thông báo với các khách hàng rằng, số liệu này đã duy trì ở mức trên 60 điểm trong 4 tháng liên tiếp, điều này cho thấy, chiều hướng phát triển mạnh mẽ của các nhà máy Mỹ vẫn đang tiếp diễn.
Ông Michael Englund, nhà kinh tế trưởng của Công ty Action Economics cũng cho rằng, tuy các số liệu mới nhất có giảm đôi chút, nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Do đó ông cho rằng, điều này có thể cung cấp động lực cho GDP quý I.
Mặc dù số liệu của Trung Quốc cũng thay đổi không lớn, nhưng do Trung Quốc đang đóng vai trò then chốt cho tăng trưởng kinh tế thế giới, nên mọi người cảm thấy hơi bất an trước chiều hướng của nước này. Ông Zhang Liqun, chuyên viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc cho hay, biên độ tăng trưởng tiêu dùng và xuất khẩu của toàn bộ quý I đều giảm, chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm, điều này có thể đồng nghĩa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm theo. Theo ông, nếu tăng trưởng nhu cầu chậm lại sẽ dẫn đến việc điều chỉnh tồn kho, việc này cũng sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế từ từ chậm lại.
Tuy nhiên, nhà kinh tế cấp cao của Công ty BMO Canada – ông Ben Reitzes cho rằng, khả năng kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống không lớn.
Ông này nhận định với VOA News rằng: “Chúng tôi thực sự cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ chậm lại một chút, nhưng sẽ không quá nhiều. Chính phủ Trung Quốc coi việc kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng yếu nhất, do đó, chính phủ sẽ dần dần nâng lãi suất, từ từ tăng giá đồng Nhân dân tệ. Việc này có thể gây giảm tốc độ tăng trưởng nhất định, nhưng sự giảm tốc này sẽ không quá mạnh. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ không thấp hơn 9%.
Tuy nhiên, cũng theo ông Reitzes, mức tộ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ yếu hơn một chút so với dự đoán trước đó, quý I phải đạt 2% có thể hơi khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng nửa cuối năm nay sẽ nhanh hơn, có thể đạt 3%.
Tháng trước, chỉ số ngành chế tạo của khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone và Ấn Độ lại tăng. Con số của Eurozone là 58 điểm, tăng thêm 0,5 so với tháng 3. Ấn Độ cũng như vậy. Chỉ số tháng 4 đạt 58 điểm, tăng một chút so con số 57,9 điểm của tháng 3.
Các chuyên gia cảm thấy nghi ngờ liệu hai nền kinh tế lớn này có thể duy trì đà tăng trưởng này hay không. Theo chuyên gia Reitzes, tăng trưởng của khu vực Eurozone chủ yếu đến từ Đức và Pháp, trong khi các nước Nam Âu lại tương đối yếu ót. Cơ cấu tăng trưởng vừa mạnh vừa yếu này sẽ duy trì trong thời gian dài.
“Nếu vấn đề khu vực Eurozone không duy trì được 10 năm, sẽ kéo dài nhiều năm hơn. Trước khi thâm hụt của các nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland giảm xuống mức có thể khống chế, họ cần phải cắt giảm chi tiêu, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Chỉ riêng tình trạng của Đức là tốt. Chiều hướng tốc độ kép rất rõ rệt”, ông Reitzes bày tỏ với VOA News.
Nhưng chiều hướng tốc độ kép này đã mang lại rất nhiều khó khăn cho ngân hàng trung ương châu Âu ECB. Do áp lực lạm phát tăng, nên ECB bắt đầu nâng lãi suất vào tháng trước. Nếu áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng, ECB ngoài việc tiếp tục thắt chặt lãi suất, khó có lựa chọn nào khác. Nhưng làm như vậy ắt sẽ càng gây khó khăn nhiều hơn cho các nước Nam Âu đang lâm vào tình cảnh khó khăn.
Áp lực lạm phát của Ấn Độ cũng cao hơn rất nhiều so với châu Âu. Ngân hàng trung ương Ấn Độ mặc dù đã 8 lần liên tục nâng lãi suất từ năm ngoái, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn rất mạnh mẽ. Và sự tăng trưởng mạnh mẽ này lại từng bước gia tăng áp lực lạm phát. Không ít nhà phân tích cho rằng, tiến trình nâng lãi suất của Ấn Độ vẫn chưa kết thúc. Nhưng biện pháp nâng lãi suất chặt chẽ hơn liệu có khiến kinh tế giảm tốc quá nhanh hay không đang là câu hỏi chính mà các chuyên gia quan tâm tới Ấn Độ.
Nhìn chung, tuy tăng trưởng kinh tế Mỹ - Âu có cải thiện, nhưng khó khăn cũng không ít, tương lai sẽ ra sao vẫn còn nhiều ẩn số. Trung Quốc và Ấn Độ đều gặp những vấn đề tương tự, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế có thể duy trì được sự cân bằng hay không đang là mối quan tâm của nhiều người. Ông Reitzes cũng cho rằng, trạng thái cân bằng của tăng trưởng kinh tế thế giới bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào trạng thái bị phá vỡ. Nhân tố lớn nhất có thể phá vỡ sự cân bằng này chính là giá dầu mỏ.
Theo ông Reitzes: “Tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào giá dầu. Nếu giá dầu tiếp tục leo thang, không chỉ gia tăng áp lực lạm phát, mà còn buộc ngân hàng trung ương các nước trên thế giới thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng trung ương châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ cũng sẽ tăng cường kiềm chế lạm phát”.
Ông Reitzes nhấn mạnh, bản thân giá dầu cao chính là một mức thuế kép đánh vào chính người tiêu dùng, sẽ làm giảm đi sức mua của người tiêu dùng. Biện pháp nâng lãi suất của ngân hàng trung ương chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tác động tới kinh tế. Trong số các nền kinh tế lớn, Mỹ nhạy cảm nhất với giá dầu cao. Giá dầu tiếp tục tăng mạnh sẽ khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ FED mất hy vọng về triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Tuần trước Chủ tịch FED Bernanke đã thông báo trước buổi họp báo rằng, FED cho rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay có thể đạt 3% - 3,5%.
(Vitinfo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com