Các quan chức FAO hiện lo ngại rằng giá lương thực cao tiếp tục duy trì trong năm tới và có thể lâu hơn nữa.
Theo Tổ chức nông lương Liên hiệp quốc FAO, sau đợt tăng giá mạnh trong tháng 10, giá lương thực tiếp tục tăng đến mức cao kỷ lục như hồi khủng hoảng 2007-2008.
Đợt tăng giá này sẽ kéo theo lo ngại về sự lặp lại của làn sóng bạo động đã làm rung chuyển các nước nghèo từ Bangladesh tới Haiti hai năm trước.
Việc gia tăng chi phí hàng hóa nông nghiệp cũng sẽ tác động tiêu cực đến người tiêu dùng ở các nước giàu. Các công ty thực phẩm như McDonald’s và Kraft đã thông báo tăng giá cho năm 2011.
Ông Abdolreza Abbassian, chuyên gia kinh tế của FAO tại Rome nhận định tình hình giá lương thực đang xấu đi và giá cả đang chạm mốc lịch sử của năm 2008.
FAO cho biết chỉ số giá lương thực, lúa mì, ngô, gạo, các loại hạt có dầu, các sản phẩm từ sữa, đường và các loại thịt, đã vọt lên mức 197,1 điểm trong tháng 10, tăng gần 5% so với tháng 9 và là mức cao nhất trong vòng hai năm qua.
Chỉ số này đã vượt qua mức trong giai đoạn đầu của khủng hoảng năm 2007, và thấp hơn đỉnh trong suốt giai đoạn từ tháng hai đến tháng bảy năm 2008.
Cho đến gần đây, FAO dự báo giá lương thực sẽ sớm giảm. Tuy nhiên, các quan chức FAO hiện lo ngại rằng giá lương thực cao tiếp tục duy trì trong năm tới và có thể lâu hơn nữa.
Sản lượng lúa mì tại vựa lúa mì Biển Đen đang ở dưới mức kỳ vọng, khiến thị trường dự báo thu hoạch vụ mùa năm 2011 sẽ tiếp tục sụt giảm.
Tuần trước, Nga cho biết nông dân nước này đã chuẩn bị trồng 15,5 triệu hecta cây lương thực cho mùa đông năm nay, thấp hơn dự báo trước đó là 18 triệu hecta.
Nga hiện ngừng xuất khẩu gạo cho đến giữa 2011, trong khi Ukraine cũng áp hạn ngạch lên ngô, lúa mì và lúa mạch, và hạn chế xuất khẩu.
Giá đường đã chạm mức cao nhất trong vòng 30 năm vào hôm 2/11 và dẫn đầu đợt tăng giá lương thực toàn cầu trong tháng 10.
Tuy nhiên, giá lúa mì và gạo tương đối ổn định. Hai loại lương thực quan trong đối với an ninh lương thực toàn cầu hiện vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục. Lúa mì và gạo hiện là nguồn lương thực của 5 tỷ người Châu Á và Châu Phi.
(Báo điện tử Doanh Nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com