Giá hạt tiêu giao sau của Ấn Độ tiếp tục giảm trong ngày đầu tuần (18/6). Các nhà giao dịch lo ngại, nhu cầu hạt tiêu Ấn Độ trên thị trường thế giới sẽ còn giảm do giá nông sản này của Ấn Độ đang ở mức cao.
Theo Reuters, ngoài ra, áp lực giảm giá đối với hạt tiêu Ấn Độ còn đến từ việc thị trường chờ nguồn cung mới từ Indonesia và Brazil khi hai nước này sẽ bước vào vụ thu hoạch mới vào cuối tháng 6.
Trong phiên giao dịch chiều ngày 18/6, giá hạt tiêu giao tháng 7 tại Sàn Giao dịch hàng hóa và Sản phẩm phái sinh (NCDE) của Ấn Độ giảm 0,83%, còn 39.870 Rupee/100 kg. So với giá hạt tiêu từ các nước khác, giá hạt tiêu Ấn Độ trên thị trường thế giới hiện đang cao hơn 300-400 USD/tấn, nên nhận được nhu cầu yếu.
“Nhu cầu đối với hạt tiêu Ấn Độ đang ở mức thấp cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu vì giá cao hơn hàng của các nước khác”, ông Chowda Reddy, nhà phân tích cấp cao của công ty JRG Wealth Management, cho biết.
Theo ông Reddy, nếu giá hạt tiêu giao tháng 7 của Ấn Độ phá ngưỡng hỗ trợ 39.500 Rupee/100 kg, giá có thể giảm về 39.100 Rupee/kg trong 1-2 ngày tới.
Tại chợ hạt tiêu Kochi của Ấn Độ, giá hạt tiêu giao ngay hôm nay giảm 316 Rupee, còn 39.379 Rupee/kg.
Tuy nhiên, nguồn cung hạn hẹp và dự trữ hạt tiêu giảm ở Ấn Độ được dự báo sẽ là những nhân tố ngăn không cho giá mặt hàng này giảm sâu. Giới chức Ấn Độ dự báo, sản lượng hạt tiêu nước này năm nay sẽ đạt mức 43.000-45.000 tấn, so với mức 49.000 tấn vào năm ngoái.
Theo báo Business Line của Ấn Độ, giá hạt tiêu của nước này chịu áp lực giảm còn do thông tin về nguồn cung dồi dào từ Việt Nam. “Trong thời gian từ tháng 1-6 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 70.000 tấn hạt tiêu… Theo dự kiến, năm nay Việt Nam sẽ đạt sản lượng tiêu 140.000-150.000 tấn. Nhưng thực tế vẫn chưa biết sẽ thế nào”, báo này viết.
Tính tới cuối tuần vừa rồi, giá hạt tiêu tại Ấn tương đương mức 7.450 USD/tấn (C&F châu Âu) và 7.750 USD/tấn (C&F Mỹ). Trong khi đó, giá hạt tiêu từ các nước khác chỉ vào khoảng 7.000 USD/tấn.
Ấn Độ hiện là thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất thế giới, trong khi Việt Nam là nước sản xuất hạt tiêu lớn nhất.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com