* Giá gạo Việt Nam được hỗ trợ bởi hoạt động bốc xếp sôi động
Trong tuần qua (4 – 11/11/2010), giá gạo việt Nam tăng gần 4% bởi nhu cầu bốc xếp mạmh, trong khi giá gạo Thái Lan tiếp tục vững bởi đồng Baht tăng giá mạnh, mặc dù nhu cầu vẫn thấp.
Gạo 5% tấm của Việt Nam giá tăng lên 490 – 495 USD/tấn, FOB, so với 475 USD/tấn.
Gạo 25% tấm giá tưng lên 445 – 450 USD/tấn, so với 445 USD/tấn một tuần trước đây.
Thị trường gạo Việt Nam chủ yếu được hỗ trợ bởi nhu cầu bốc xếp mạnh cho các hợp đồng cấp Chính phủ. Tuy nhiên, khách hàng mới chủ yếu đứng ngoài thị trường vì giá cao.
Một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đồng Đôla Mỹ tăng giá trong tuần qua, quy ra giá gạo ở mức khoảng 490 USD/tấn, nên khách hàng không muốn ký hợp đồng mới”.
Ngoài việc Philippine và Indonexia ký hợp đồng mua một container gạo của Việt Nam trong tuần qua, chưa có hợp đồng mới nào được ký kết gần đây.
Tuần qua, Indonexia đã mua tổng cộng 550.000 tấn gạo Việt nam, và các nhà xuất khẩu đang bốc xếp gạo cho những hợp đồng này. Indonexia đang xem xét mua thêm 300.000 tấn gạo Việt Nam kỳ hạn giao tháng 3 và tháng 4 tới.
Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát cho biết xuất khẩu năm 2010 có thể đạt 6,5 triệu tấn, trong tổng sản lượng lúa 39,9 triệu tấn. Sản lượng năm tới sẽ tương tự như ở mức năm nay.
Tại Thái lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá vững ở mức tương đối cao sau khi đồng Baht liên tục tăng giá buộc các nhà xuất khẩu cũng phải đẩy giá tăng lên để bù đắp cho sự thiệt thòi bởi đồng nội tệ tăng giá.
Gạo 100% B của Thái Lan có giá vững ở mức 520 USD/tấn.
Đồng Baht đã tăng giá trên 12% trong năm nay và gần đạt kỷ lục cao của 13 năm, ở mức khoảng 26,90 Baht/USD.
Một thương gia ở Băngkốc cho hay: “Nhu cầu thấp và lúc này chúng tôi chỉ hy vọng có đơn đặt hàng từ Iran”.
Ngày 9/11 Cơ quan thu mua quốc gia Iran đã đấu thấu mua 30.000 tấn gạo kỳ hạn giao tháng 12. Kết quả sẽ được công bố vào tuần tới. Những nước tham gia đấu thầu là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Ấn Độ, Áchentina và Urugoay.
Bộ Nông nghiệp Thái Lan có thể sẽ xem xét điều chỉnh giảm mức dự báo về vụ lúa chính niên vụ 2010/11 sau khi có thống kê chính xác về hậu quả lũ lụt.
Vụ lúa chính sản xuất khoảng 23 triệu tấn lúa vào những năm bình thường. Trước đây Bộ đánh giá sản lượng lúa bị thiệt hại khoảng 300.000 tấn, và như vậy Thái Lan sẽ sản xuất khoảng 22,6 triệu tấn trong năm nay.
Nếu sản lượng gạo Thái Lan giảm mạnh do lũ lụt, giá chắc chắn sẽ tăng hơn nữa.
Một thương gia dự báo “sản lượng lúa sẽ đạt ít nhất 22 triệu tấn”.
Ông Banjong Tungjitwattanakun, phó chủ tịch Hiệp hội lúa gạo Thái Lan, cho biết: “Sản lượng gạo có thể giảm từ 15 đến 20% so với năm trước xuống chưa đầy 20 triệu tấn do lũ lụt.
Về năm 2011, Eric Wailes, giáo sư kinh tế nông học thuộc thuộc trường Đại học Arkansas dự kiến Thái Lan sẽ xuất khẩu 10 triệu tấn gạo, trong khi Việt Nam sẽ xuất khẩu 6 triệu tấn.
Tại Hội thảo ở Hà Nội, ông Wailes dự báo năm nay, Thái Lan nhiều khả năng sẽ xuất khẩu 8,5 triệu tấn gạo, trong khi Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn.
Như vậy tổng khối lượng gạo xuất khẩu từ hai nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Thái Lan và Việt Nam sẽ đạt 16 triệu tấn, chiếm 52% trong tổng mậu dịch gạo toàn cầu niên vụ 2010/11 – dự kiến đạt 30,83 triệu tấn.
Ông Wailes dự báo sản lượng gạo thế giới năm tới sẽ đạt 452,5 triệu tấn (sản lượng lúa sẽ đạt 547 triệu tấn).
Ngày 9/11, Hội nghị Lúa gạo Quốc tế lần thứ 3 (IRC- 2010) đã được khai mạc tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà kinh doanh lúa gạo cũng như các lãnh đạo nông nghiệp của nhiều nước. hơn 1.000 đại biểu - bao gồm các bộ trưởng Nông nghiệp, nhà nghiên cứu, doanh nhân – tại châu Á và các châu lục khác tham dự hội nghị để thảo luận về những biện pháp nhằm sản xuất đủ gạo cho các thế hệ tương lai.
Vấn đề được đặt ra tại hội nghị là làm thế nào tránh được nạn khan hiếm lúa gạo, đang đe dọa những người nghèo trên thế giới đặc biệt là tại châu Á, trong bối cảnh hiện tượng khí hậu đang nóng dần lên, làm sản lượng lúa giảm đi.
IRC tuyên bố “Trong bối cảnh hoạt động sản xuất lương thực trên toàn cầu liên tục chịu sức ép, tình trạng đói nghèo ngày càng trầm trọng và biến đổi khí hậu, tìm ra những biện pháp để đảm bảo rằng mọi người sẽ có đủ gạo là việc rất cần thiết".
Gạo là loại lương thực quan trọng đối với hơn ba tỷ người, tức khoảng một nửa dân số thế giới. Khoảng 90% sản lượng gạo được sản xuất tại châu Á. Hội nghị lúa gạo quốc tế tại Hà Nội diễn ra sau khi một báo cáo của Hiệp hội châu Á và IRRI cho thấy 65% số người thiếu lượng thực trên thế giới sống tại châu Á.
Tại hội nghị, các diễn giả kêu gọi thế giới cần mau chóng hành động để cải thiện cách thức canh tác kém hiệu quả hiện nay giúp nâng cao năng suất.
“Do dân số châu Á tiếp tục tăng và số người trở thành cư dân đô thị cũng tăng với tốc độ lớn chưa từng có, an ninh lương thực tại châu lục sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ”, báo cáo khẳng định.
Tiến sĩ Robert Zeigler, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), trụ sở ở Manila, Philippines, cho biết nâng cao sản lượng gạo là nhiệm vụ rất khẩn thiết. Theo ông, nếu không hành động ngay thì trong vài thập niên tới nhân loại sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một minh chứng rõ ràng về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng lúa gạo. Trước đây trong suốt nhiều năm, thế giới đã không chú ý nhiều vào việc đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở, nghiên cứu và mở rộng mạng lưới toàn cầu trong lĩnh vực tài chính, kinh tế. Hậu quả của chuyện này là vào năm 2008 cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bùng nổ.
Theo Tiến sĩ Zeigler, điều quan trọng là phải cải thiện hiệu năng của việc trồng trọt và xem xét các kỹ thuật đang được áp dụng hiện nay. Hàng triệu nông dân đang trồng lúa trên những cánh đồng nhỏ hẹp. Những người chỉ có vài sào hoặc một héc-ta đất sẽ không thể nào có được một cuộc sống tươm tất. Do đó, nhiệm vụ của các chuyên gia và giới chức trách là phải tìm ra được kỹ thuật tốt nhất để những nông dân này có thể áp dụng nhằm nâng cao năng suất trồng trọt cũng như cải thiện đời sống của chính họ.
Bên cạnh đó, cơ cấu hạ tầng ở nông thôn cũng phải được quan tâm đúng mức, các hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế phải diễn ra minh bạch và có hiệu quả.
Nhìn về tương lai, ông Zeigler cho biết nếu ngay từ bây giờ thế giới đầu tư thích đáng cho nông nghiệp thì các thế hệ sắp tới sẽ có đủ lúa gạo để ăn.
IRC là sự kiện toàn cầu diễn ra 4 năm một lần luân phiên tại các quốc gia thành viên. Hội nghị lần thứ nhất diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2002 và lần thứ hai tại New Delhi (Ấn Độ) năm 2006. Hội nghị năm nay do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Công ty tổ chức Hội nghị châu Á (Asiacongress Events) phối hợp tổ chức.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng lúa gạo thế giới niêm vụ 2010/11 đạt khoảng 452,5 triệu tấn, giảm 2,1 triệu tấn so với dự báo tháng 9. Tuy nhiên, so với niên vụ 2009/10 sản lượng lúa gạo thế giới vẫn tăng gần 2%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm trên là do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt tại một số nước sản xuất chính. Tại Ấn Độ, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài ở phía đông của bang Bihar và phía tây của bang Bengal, mưa lớn và lũ lụt tại Punjab đã làm cho sản lượng lúa gạo giảm 2,0 triệu tấn, ước đạt 97 triệu tấn. Tương tự như Ấn Độ, Mỹ phải đối mặt với một nền nhiệt cao trong mùa hè làm sản lượng lúa gạo giảm mạnh. Dự báo sản lượng lúa gạo của Mỹ giảm 400 nghìn tấn, đạt 7,6 triệu tấn. Tại Myanmar, vụ mùa chậm do điều kiện khô hạn làm sản lượng giảm 200 nghìn tấn, ước niên vụ 2010/11 đạt 10,8 triệu tấn. Sản lượng giảm còn diễn ra tại một số nước khác như Angola, Benin, Cote D’ivoire, Mozambique và Rwanda. Trong khi đó sản lượng lại được cải thiện tại các nước như Guinea, Mali, Burkina Faso, Cameroon, Chad, Công hòa Dân chủ Congo, Gambia.
Thương mại lúa gạo toàn cầu 2010/11 đạt 30,54 triệu tấn, giảm 1% so với dự báo quý III/2010, tuy nhiên vẫn tăng 2% so với 2009/10. Sự sụt giảm này là do sự thay đổi trong khối lượng gạo xuất, nhập khẩu của một số nước. Đối với các nước xuất khẩu gạo, dự báo xuất khẩu của Myanmar giảm 100 nghìn tấn xuống còn 600 nghìn tấn. Xuất khẩu của Nga giảm 20 nghìn tấn xuống còn 100 nghìn tấn. Với các nhà nhập khẩu, nhập khẩu của Indonesia năm 2011 đã được nâng lên 150 nghìn tấn trong tháng này đạt 400.000 tấn. Nhập khẩu của các Tiểu vương quốc Ả Rập đã được nâng lên 50.000 tấn trong tháng này đạt 400.000 tấn. Nhập khẩu tăng còn diễn ra tại một số quốc gia khác như Mozambique, Rwanda, và Togo. Tuy nhiên, một số nước do sản xuất trong nước thuận lợi nên giảm khối lượng gạo nhập khẩu như Guinea, Burkina, Guinea-Bissau và Zambia.Do nhu cầu tiêu thụ gạo thế giới tăng, dự trữ toàn cầu cho niên vụ 2010/11 dự báo giảm 300 nghìn tấn so với tháng trước, đạt 94,3 triệu tấn, giảm nhẹ so với niên vụ 2009/10. Theo USDA dự trữ dự báo giảm mạnh đối với Miến Điện và Mỹ, nhưng được bù đắp một phần do dự trữ tăng ở Indonesia và Mali.
Tình trạng cung cầu này đã khiến cho giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm.
Về năm 2011, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, Proceso Alcala nhận định quốc gia này có nguy cơ không đạt mục tiêu sản xuất 17,4triệutấn gạo trong năm 2010 bởi hạn hán do hiện tượng El Nino gây ra, và sẽ tiếp tục phải nhập khẩu gạo trong năm 2011. Ông cho biết nước này "sẵn sàng thực thi một số biện pháp đối phó, nhằm đảm bảo sản lượng gạo sẽ không sụt giảm mạnh."
Bộ trưởng Alcala không cho biết chính xác khối lượng gạo mà Philippines sẽ nhập khẩu trong năm tới, nhưng khẳng định con số này "thấp hơn nhiều" so với mức 2,45 triệu tấn mà nước này đã nhập trong năm 2010.
Philippines hiện là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới do sản lượng gạo trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của người dân.
Trong nửa đầu năm nay, sản lượng gạo của Philippines giảm 10,24%, xuống còn 6,62 triệu tấn do hạn hán kéo dài.
Trước đó,quốc giachâu Á này dự tính sẽ giảm 50% lượng gạo nhập khẩu trong năm 2011, khi cho rằng chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nông dân tăng năng suất các vụ mùa và lượng tiêu thụ gạo của người dân đang có xu hướng giảm.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com