Tuần qua, trên thị trường giao sau quốc tế, giá cà phê biến động tới hàng trăm USD mỗi tấn, trong khi tại thị trường trong nước, giá cả xuống dưới 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá hồi phục mạnh và nhiều ý kiến từ giới chuyên gia nhận định, những con sóng như vậy còn tiếp tục trong tương lai, vì nguồn cung cà phê thời gian tới còn bất ổn.
Giá ăn theo thời tiết
Những phiên đầu tuần, giá cà phê robusta ở thị trường London kỳ hạn tháng 7 giảm 85 USD/tấn, xuống còn 2.404 USD/tấn. Giá cà phê arabica ở thị trường New York cùng kỳ hạn giảm 10,45 cent/lb, xuống còn 260,50 cent/lb. Giá cà phê nhân xô trong nước theo đó bị kéo xuống còn 49.000 - 49.100 đồng/kg. Giá cà phê xuất khẩu cũng giảm xuống 2.320 - 2.340 USD/tấn, FOB.
Giải thích cho sự tuột dốc trên, giới chuyên gia cho rằng, ở thị trường London có sự bán tháo của nhà đầu cơ và chốt lời vì nguồn cung dồi dào. Trên thị trường New York, nhà đầu tư cũng bán mạnh trước viễn cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và đồng USD hồi phục so với đồng Euro.
Tuy vậy, ngay ngày sau, giá cà phê thế giới hồi phục mạnh mẽ, liên tiếp qua mấy phiên đã đưa giá cà phê robusta giao tháng 7 trên thị trường London vọt lên mức 2.461 USD/tấn. Giá cà phê arabica giao tháng 7 trên thị trường New York tăng lên 267,15 cent/lb. Giá cà phê trong nước lại vượt qua mốc 50.000 đồngkg, đạt 50.100 - 50.500 đồng/kg.
Tác động lớn tới giá cả loại hàng hóa này trong tuần qua là thông tin liên quan đến thời tiết, có tác động đến nguồn cung hàng. Cơ quan khí tượng thuỷ văn Brazil dự báo, có nguy cơ xảy ra sương giá tại các vùng núi cao của nước này, gây tiêu cực tới nguồn cung cà phê trong niên vụ hiện tại. Tới cuối tuần, thông tin thời tiết tại quốc gia này lại được dự báo, nhiệt độ xuống ở mức thấp và thời tiết khô ráo không gây được sương giá. Tuần này, thời tiết trở nên khô hanh và không có dấu hiệu của sương giá.
Sóng theo nguồn cung
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 5 đạt 113.000 tấn, với trị giá 270 triệu USD, nâng tổng lượng cà phê xuất khẩu 5 tháng đạt 811.000 tấn, với giá trị kim ngạch xấp xỉ 1,8 tỷ USD, tăng 43,8% về lượng và gấp 2,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới quan sát cho rằng, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 5 của các nước sản xuất chủ chốt trên thế giới đều tăng cao nhờ giá, trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam giao dịch chậm hơn, vì trong tay không có hàng. Dự đoán, hiện vẫn tồn trong dân khoảng hơn 10% lượng cà phê sản xuất được của vụ mùa vừa qua. Xuất khẩu cà phê trong tháng 6 được nhận định sẽ giảm về mức 65.000 - 80.000 tấn.
Phải đến tháng 10 thị trường mới có cà phê vụ mới đến từ Việt Nam. Các nhà phân tích nhận định, thị trường sẽ chịu áp lực tăng giá từ nay tới khi đó, do nguồn cung eo hẹp không chỉ từ Việt Nam, mà cả từ Indonesia - nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai thế giới.
Mưa lớn kéo dài gần đây đã ảnh hưởng xấu tới các đồn điền cà phê ở đảo Sumatra - nơi trồng cà phê chính của Indonesia. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu mạnh do mức giá cao hiện tại đã làm hạn chế việc bổ sung trở lại lượng dự trữ cà phê ở các quốc gia xuất khẩu. Thông tin được trích dẫn từ Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cho thấy, khối lượng dự trữ cà phê đầu niên vụ 2010/2011 đạt khoảng 13 triệu bao, giảm 36,7% so với mức dự trữ đầu kỳ của niên vụ 2009/2010.
Thiếu cung trong khi sản lượng cà phê phụ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết, đồng thời biến động của USD so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới sẽ là những yếu tố được giới đầu cơ viện dẫn để tung hứng những con sóng giá mặt hàng này trên thị trường hàng hóa thế giới. Trong tuần qua, do giá cà phê vẫn đứng ở mức cao, giao dịch tại Trung tâm cà phê Buôn Ma Thuột không mấy sôi động, giá trị khớp lệnh mỗi phiên chỉ đạt xấp xỉ 4,5 tỷ đồng, giao dịch hợp đồng giao sau chỉ có 2 lệnh.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com