Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cận Tết, hàng bình ổn cũng 'nhảy' giá

Càng gần Tết Nguyên đán, giá nhiều mặt hàng lại nhảy lên một mặt bằng mới, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm, đồ uống có khi tăng giá từng ngày.

Thị trường tự do "sôi sục"

Từ cận Tết Dương lịch năm nay, phần lớn các loại thực phẩm đã tăng giá từ 15 đến 30%, thậm chí có loại đắt gấp đôi và đà tăng này chưa dừng lại ở đó, khiến người tiêu dùng không khỏi lo nơm nớp.

Với mặt hàng thực phẩm, tuy giá cả tăng nhưng không vì thế mà người mua thưa đi. Tại các chợ Thành Công, Kim Liên (Hà Nội), hầu như chiều nào các cửa hàng bán thực phẩm tươi sống cũng chen chúc khách mua. Ở chợ Kim Liên, tôm sú loại to trước đây có giá 270.000 – 280.000 đồng một kg, nay đã tăng lên 320.000 – 330.000 đồng. Cua biển cũng tăng giá đáng kể, từ 250.000 – 260.000 đồng một kg lên 280.000 – 300.000 đồng. Đặc biệt, giá ngao hoa ở đây có thời điểm còn tăng lên tới 45.000 – 50.000 đồng, trong khi trước Tết Dương lịch ít hôm, giá ngao chỉ 27.000 – 28.000 đồng một kg.

Chị Dung, trọ ở gần trường Tiểu học Thành Công A (phố Thành Công) còn cho biết, đúng hôm Tết dương lịch chị đi chợ Thành Công và suýt ngất vì sốc trước giá một số loại thực phẩm. Hôm đó chị Dung hỏi mua thịt bò thăn và hàng nào cũng hét giá 180.000 – 190.000 đồng một kg. Trước tết dương một vài hôm, giá thịt bò thăn tại chợ này lên 15.000 đồng một lạng, mọi người đã than trời. Hiện giá mặt hàng thịt bò tại đây dao động từ 140.000 đến 160.000 đồng một kg, đắt hơn giá trong năm khoảng 20.000 đồng mỗi kg. Giá thịt gà ta cũng lên 150.000 – 160.000 đồng một kg, đắt gấp rưỡi so với thời điểm gần Tết năm ngoái. Các loại rau củ quả tại những chợ “đắt khách” này cũng chẳng rẻ hơn, thậm chí có loại mức tăng còn chóng mặt. Khoai tây ta (loại nhỏ) trước đây một vài tháng giá chỉ 12.000 đồng một kg nhưng từ vài tuần nay giá lên thấp nhất là 15.000 đồng, và hiện bán ở chợ Thành Công là 16.000 đồng. Cải thảo thì giá vọt lên 15.000 đồng một kg (trong năm giá chỉ 10.000 đồng), cải ngồng Lạng Sơn thì “đắt thôi rồi”, 10.000 – 15.000 đồng một bó tùy loại to nhỏ, mà còn rất ít hàng bán.

Chợ Cầu Lủ ở đường Khương Trung vốn được mọi người cho là có giá bán tương đối rẻ so với các chợ khác, song nhiều loại thực phẩm, rau quả vẫn trên đà tăng không dừng. Mặt hàng cá quả trong năm loại to (cá nuôi) 80.000 đồng và loại nhỏ 90.000 đồng một kg, song thời điểm này đã tăng lên 120.000 – 140.000 đồng. Cá trắm trước đó chỉ 45.000 đồng, nay lên 70.000 đồng một kg. Cá chép hiện cũng có giá cao tương tự, trong khi trước đây chỉ 40.000 – 45.000 đồng. Cá khoai thì tăng giá chóng mặt, mới cách đây vài tuần chỉ 50.000 đồng, nay lên 90.000 đồng một kg. Một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác thì giá tăng từ cận tết dương lịch và giờ vẫn chưa giảm, như thịt lợn thăn, sườn non 80.000 – 85.000 đồng một kg, thịt bò thăn, bắp 140.000 đồng một kg, trứng gà ta lên 25.000 đồng một chục quả, tăng 3.000 đồng…. Riêng giá gà công nghiệp thì vẫn giữ nguyên nhiều tháng nay, ở mức 55.000 đồng một kg.

Một mặt hàng quan trọng mà mỗi lần giá tăng, nhiều bà nội trợ lại “đứng tim” là gạo, cũng không nằm ngoài “quy luật” này. Giá gạo đã tăng đáng kể trong khoảng 1 tháng nay. Nếu như cách đây 2 tháng, gạo xe dẻo giá 110.000 – 120.000 đồng một yến, Bắc hương giá 135.000 đồng, Tám Điện Biên giá 155.000 đồng, thì nay hầu hết các loại đều tăng tới 20.000 đồng mỗi yến. Tại các siêu thị, giá gạo cũng cao ngang với bên ngoài, thậm chí có nơi còn đắt hơn.

Hàng bình ổn cũng không còn... ổn

Không chỉ trên thị trường tự do mà một số mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá tại Hà Nội cũng không cưỡng lại được xu thế tăng giá, như dầu ăn, đường, thực phẩm tươi sống, giò chả… Một nhân viên quản lý của siêu thị Intimex trên đường Định Công, một trong những điểm bán hàng bình ổn giá, lý giải, nếu bán hàng ở mức giá thấp (giá bình ổn quy định) trong khi giá cả đầu vào tăng vọt, doanh nghiệp sản xuất sẽ phải chịu lỗ nặng. Có lẽ vì vậy, mới đây Sở Công thương Hà Nội đã cho phép các doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá đăng ký giá bán mới theo hướng tăng lên đối với hầu hết mặt hàng thực phẩm, thủy hải sản và hàng tươi sống. Đặc biệt, nếu mặt hàng thực phẩm được đăng ký thay đổi giá mới theo tháng thì nhóm hàng thủy hải sản, hàng tươi sống được niêm yết giá mới theo tuần, để phù hợp với biến động thị trường.

Ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho răng: “Về cơ bản, chính sách tăng giá hàng bình ổn là một điều hợp lý trong bối cánh hiện nay. Quan điểm của tôi là, hàng bình ổn không có nghĩa là đứng giá, trong khi giá cả trên thị trường tăng chóng mặt, mà quan trọng là hàng bình ổn phải thấp hơn giá thị trường 5 – 10%”.

Theo ông Phú, vẫn biết là trong bối cảnh giá cả trên thị trường tự do liên tục tăng thời gian gần đây thì người tiêu dùng chỉ còn “điểm tựa” là hàng bình ổn, thế mà những mặt hàng này cũng tăng giá thì họ sẽ mất niềm tin vào thị trường. Tuy nhiên, để hàng bình ổn tại Hà Nội giữ được giá trong điều kiện hiện tại là một điều rất khó khăn đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, phân phối. Chương trình bình ổn giá tại Hà Nội có số vốn đầu tư (cho vay không lãi suất) chỉ 400 tỷ đồng, trong khi đó hàng tháng trung bình người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 5.000 tỷ đồng tiền mua đồ ăn thức uống, lương thực thực phẩm. Đấy là chưa kể những tháng gần tết, số tiền này lên tới 20.000 tỷ đồng. Như vậy, lực lượng cả về tài chính và nhân lực để dồn cho chương trình hàng bình ổn này quá ít, không thấm vào đâu, nên giá cả hàng bình ổn buộc phải biến động.

Theo nhận định của ông Phú, dù giá cả liên tục tăng mạnh nhưng lượng tiêu thụ tết của người dân Hà Nội năm nay ước đạt tăng khoảng 15% so với tết năm ngoái. Nếu so về tốc độ tiêu thụ thì tết năm nay giảm khoảng 5% so với tết 2010 (tết 2010 lượng hàng người dân Hà Nội tiêu thụ tăng 20% so với năm 2009).

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay, chương trình bình ổn giá tại Hà Nội được triển khai từ 1/7/2010 đến hết tháng 3/2011 với 9 nhóm hàng gồm: gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản đông lạnh, dầu ăn, đường và rau, củ. 13 doanh nghiệp tham gia chương trình đều khẳng định sẽ giảm giá tối thiểu 10% nếu thị trường có biến động về giá cũng như sẽ công khai niêm yết giá bán và đảm bảo bán theo đúng giá các mặt hàng bình ổn. Tuy nhiên giá cả trên thị trường liên tục tăng mạnh thời gian qua, khiến các doanh nghiệp này không “kham” nổi và mới đây đề nghị được điều chỉnh giá theo hướng tăng lên. Xét thấy hợp lý, Sở Công thương Hà Nội chấp nhận phương án này, song vẫn yêu cầu giá hàng bình ổn phải thấp hơn giá thị trường 5 – 10%.

Như vậy, sau hơn 6 tháng thực hiện, đến nay, nhiều mặt hàng bình ổn tại các siêu thị ở Hà Nội đã có vài lần nhích giá. Và giá cả nhiều mặt hàng chỉ thấp hơn giá thị trường 1 – 2%, thậm chí ngang bằng, chứ không phải thấp hơn 5 - 10% như quy định, đặc biệt là mặt hàng thủy hải sản, thực phẩm tươi sống, đồ đóng gói, hộp. Chẳng hạn, thịt nạc vai bán ở siêu thị Fivimart vẫn 80.000 đồng một kg, nước mắm Nam Ngư chai nhỏ vẫn 16.500 đồng, đặc biệt gạo Bắc hương 85.000 đồng một bịch 5kg, tương đương 16.100 đồng một kg, đắt hơn ngoài thị trường tự do…

Đua theo đà tăng của lương thực, thực phẩm, nhiều loại hàng hóa tiêu dùng khác vào các tháng cuối năm nay đã tăng giá đáng kể. Từ quần áo, dày dép cho đến hàng điện tử, điện máy, điện thoại, hay thiết thực hơn là bánh kẹo, đồ uống, gia vị đều thiết lập mặt bằng giá mới. Một số loại bánh Tết của Kinh Đô, Bibica, Hải Hà giá tăng từ vài nghìn tới vài chục nghìn đồng một hộp tùy loại. Không những vậy, giá các loại bánh ăn ngày thường cũng tăng đáng kể, như bánh mỳ nho, mỳ ruốc Kinh Đô giá bán lẻ từ 2.500 lên 3.000 đồng một chiếc, bánh trứng Orion hộp nhỏ cũng tăng tới cả gần chục nghìn đồng.

Giá thực phẩm tăng kéo theo giá các dịch vụ ăn uống cũng tăng mạnh là điều đương nhiên, song nhiều loại hình vui chơi, giải trí cũng “ăn theo”. Chẳng hạn như giá vé xem phim tại nhiều rạp ở Hà Nội cũng đồng loạt thay đổi. Tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, trước đây giá vé cao nhất dành cho các suất chiếu vào buổi tối ở mức 40.000 đồng một vé, nhưng từ ngày 1/1 đã tăng lên 50.000 đồng một vé. Các suất chiếu ban ngày cũng tăng 5.000 – 10.000 đồng mỗi vé.

(Báo Đất Việt)

  • Giá tôm sú tiếp tục “phá đỉnh”, hàng loạt nhà máy đói nguyên liệu
  • Đổ xô mua xe, né phí biển số
  • Sẽ giảm giá hàng thiết yếu
  • Giá cà phê giảm mạnh, mất hơn 1.000 đồng/kg
  • Thị trường ôtô, xe máy: Nháo nhào mua xe 'chạy' phí
  • Ngăn chặn tình trạng tư thương tranh mua bông với doanh nghiệp
  • Ôtô giá rẻ tìm đường vào Việt Nam
  • Bia, rượu, nước ngọt đồng loạt tăng giá đón Tết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo