Càng về cuối năm, giá cả thị trường lại càng có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm. Cùng với các chuyến “đưa hàng Việt về nông thôn” nhằm kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước, Sở Công thương TP. Hà Nội cũng đang lên kế hoạch bình ổn giá thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Tân Mão.
Năm 2010, có 38 chuyến hàng Việt về nông thôn
Thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, từ đầu năm 2010 đến nay, Sở đã triển khai 31 phiên chợ “đưa hàng Việt về nông thôn”, trung bình mỗi huyện ngoại thành diễn ra 2 phiên để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Như vậy, tới nay Sở đã đi được khoảng 80% chặng đường “đưa hàng Việt về nông thôn”. 7 phiên còn lại sở sẽ tiếp tục thực hiện từ nay tới Tết Nguyên đán. Nhận định về các phiên chợ, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn như chi phí vận chuyển xa, chi phí điện nước, chi phí cho an ninh trật tự, mặt bằng và nhiều chi phí phát sinh khác... do vậy, giá thành sản phẩm khi đến tay người nông dân thường nhích lên chút ít so với giá bán của các đại lý khác tại địa bàn. Tuy nhiên, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm dù giá có hơi cao hơn chút ít nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận.
Trả lời cho câu hỏi vì sao hàng hoá thuộc diện bình ổn giá vẫn cao, ông Đồng cho biết, có một thực tế là sự chênh lệch hàng giảm giá với thị trường tự do có lúc lên tới 5.000 -7.000 đồng/sản phẩm. Do đó, một số nơi xuất hiện hiện tượng kinh doanh “mua đầu chợ bán cuối chợ” (tiểu thương mua hàng bình ổn giá để ra thị trường tự do bán kiếm lời). Bên cạnh đó, một số nơi người tiêu dùng chưa biết đến điểm bán hàng bình ổn giá nên vẫn phải mua hàng không bình ổn với giá cao hơn... Để giải quyết vấn đề này, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp giảm chi phí tới mức thấp nhất để đảm bảo giá bán hợp lý và triển khai bình ổn giá trên 9 mặt hàng thiết yếu.
50 triệu lít xăng dầu cho tháng Tết
Theo đánh giá của Sở Công thương, như đã thành quy luật, sức mua của thị trường Hà Nội theo xu hướng tăng vào dịp cuối năm, tuy nhiên sẽ không xảy ra đột biến giá, những mặt hàng trọng yếu vẫn được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân...
Để chuẩn bị lượng hàng hóa đủ cho người dân trên địa bàn thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Mão, Sở Công thương Hà Nội đã ra công văn số 3602 về việc bình ổn giá dịp Lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2011.
Cụ thể, lương thực sẽ dự trữ khoảng 65.000 tấn với nguồn cung cấp chủ yếu cho khu vực nội thành là từ các đại lý, mạng lưới của TCty Lương thực miền Bắc và các đơn vị thành viên, các hộ kinh doanh tại các chợ. Tại khu vực nông thôn, chủ yếu người dân tiêu dùng lúa gạo sản xuất được. Đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm sẽ cung cấp khoảng 10.000 tấn lợn hơi/tháng, tháng tết có thể lên 12.000 tấn, trong đó nguồn thịt sản xuất trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, số thịt còn lại được cung cấp bởi các tỉnh giáp ranh Hà Nội... Các mặt hàng như thịt bò, trâu dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 2.000 tấn/tháng, tháng tết khoảng 3.000 tấn; thịt gia cầm tháng tết vào khoảng 6.000 tấn/tháng, còn bình thường là 3.500 tấn; thủy - hải sản tươi, đông lạnh dự kiến tháng tết sẽ tiêu thụ 5.000 tấn; rau, củ quả tiêu thụ 90.000 tấn/tháng; 1.300 tấn bánh, mứt kẹo, 80 triệu lít rượu bia... Riêng mặt hàng xăng dầu, dịp Tết dự kiến tăng tiêu thụ khoảng 20% nên cần chuẩn bị 50 triệu lít xăng dầu...
Sở Công thương sẽ phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tập trung triển khai việc dự trữ hàng hoá, như TCty Lương thực miền Bắc chuẩn bị 2.600 tấn gạo các loại; Cty xăng dầu khu vực I dự trữ 40 triệu lít xăng dầu; TCty Thương mại và các đơn vị thành viên dự trữ 650 tấn gạo, 630 tấn thịt các loại, 840 tấn thực phẩm chế biến, 1.200l dầu ăn, 26,6 triệu quả trứng... với tổng giá trị khoảng 550 tỉ đồng... Các trung tâm thương mại, siêu thị lớn như BigC, Metro, Intimex, Fivimart, Co.op Mart phải dự trữ đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ tết với tổng tiền hàng trên 1.200 tỉ đồng. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại các chợ, cửa hàng đường phố dự trữ, đưa ra tiêu thụ trong dịp tết với 10.000 tấn thịt lợn, 2.000 tấn thịt trâu, bò, 3.500 tấn thịt gia cầm, 6.000 tấn thủy sản, 50.000 tấn rau, củ quả. Riêng các doanh nghiệp được thành phố cho tạm ứng vốn bình ổn giá, Sở đã chỉ đạo dự trữ đầy đủ 9 nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền 400 tỷ đồng.
Nhằm tránh biến động cho thị trường trong dịp tết, Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện tại đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không chấp hành quy định về giá.
( Báo Đại Đoàn Kết)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com