Do nguồn nguyên liệu khan hiếm, nên dù chấp nhận mua tôm với giá cao nhưng các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở khu vực ĐBSCL cũng không đủ nguyên liệu để chế biến.
Hiện nay, tôm sú thương phẩm mua tại ao loại 20 con/kg giá có giá 250.000 đồng/kg, tăng 25.000đ/kg; loại 30 con/kg có giá 190.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg...Theo Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, tình trạng thiếu tôm nguyên liệu có thể kéo dài đến hết tháng 3-2011.
Hiện nay, hầu hết các ao nuôi tôm thâm canh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong giai đoạn “ngắt vụ”. Do đó, tôm nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu vốn đã thiếu từ mấy tháng trước thì nay lại càng khan hiếm và giá tôm tiếp tục tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng trước.
Theo ông Nguyễn Văn Bình – thương lái chuyên thu mua tôm ở xã Phước Trung - huyện Gò Công Đông, hiện nay, tôm sú thương phẩm mua tại ao loại 20 con/kg giá có giá 250.000 đồng/kg, tăng 25.000đ/kg; loại 30 con/kg có giá 190.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; loại 40 con/kg có giá 160.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg và tôm thẻ tôm chân trắng loại 100 con/kg có giá 76.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tháng trước.
Nông dân nuôi tôm Phan Văn Hải – xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông cho biết: hầu hết, bà con nuôi tôm trong khu vực này đều ngưng thả tôm theo Chỉ thị ngắt vụ của UBND tỉnh Tiền Giang nên phải tới 15-2 mới bắt đầu thả tôm trở lại. Chỉ có một số bà con nuôi tôm vụ chính trễ hay nuôi 2 vụ tôm sú một năm mới còn tôm sắp thu hoạch. Với giá bán hiện nay thì mỗi ha ao nuôi tôm sú có thể lời trên 500 triệu đồng/vụ; mỗi ha nuôi tôm thẻ lời trên 300 triệu đồng/vụ. “Bà con nào có tôm thu hoạch trong thời gian này sẽ ăn Tết lớn, ước gì bây giờ tôi có 1 ao tôm thu hoạch ”, ông Hải hối tiếc.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, trong những tháng trước và sau Tết thời tiết khắc nghiệt, ngày nóng đêm lạnh không thuận lợi cho nuôi tôm, dễ phát sinh dịch bệnh. Mặt khác, sau thời gian nuôi tôm ở vụ chính thì các vùng nuôi tôm rất cần thời gian nghỉ, phơi đáy ao để phân hủy các chất hữu cơ, thoát khí độc, giảm thiểu các mầm bệnh trong môi trường tự nhiên do thiếu vật chủ trung gian, nên hầu hết các nông dân nuôi tôm thâm canh đều ngưng thả nuôi trong thời gian này và chỉ bắt đầu thả lại từ giữa tháng 2 (dương lịch). Đối với các tỉnh lân cận như: Bến Tre, Trà Vinh, Long An..., ngành nông nghiệp các tỉnh này cũng có những khuyến cáo không thả tôm trong thời gian này. Do đó, nguồn cung tôm sú trên thị trường hiện nay chủ yếu là từ các đầm nuôi tôm quảng canh với sản lượng chỉ khoảng 100 - 200 kg/ha.
Do nguồn nguyên liệu khan hiếm, cho nên dù chấp nhận mua tôm với giá cao nhưng các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở khu vực ĐBSCL cũng không đủ nguyên liệu để chế biến. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến tôm đều đang hoạt động dưới 50% công suất và tình trạng thiếu tôm nguyên liệu có thể kéo dài đến hết tháng 3-2011. Tình trạng thiếu nguyên liệu cũng có thể tăng hơn, bởi nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp dựa vào lịch thời vụ trong nuôi tôm của các tỉnh ĐBSCL dự đoán tình trạng thiếu tôm nguyên liệu còn kéo dài đến hết tháng 6-2011 - khi các ao tôm chính vụ bắt đầu thu hoạch.
(Báo Đại Đoàn Kết)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com