Các mặt hàng thực phẩm tại Hà Nội dịp tết Dương lịch đều tăng lên khoảng 15%-25%.
Tết Dương lịch 2011 được nghỉ dài ngày nên nhu cầu tiêu dùng vì thế mà tăng lên. Các cửa hàng tại nhiều chợ lẻ ở Hà Nội đã dựa vào đó để đẩy giá một số loại thực phẩm lên. Điều này cho thấy một tín hiệu sốt giá trước tết Nguyên đán đã thực sự bắt đầu.
Hàng bình ổn khó giữ giá
Theo ghi nhận tại một số chợ như Mỹ Đình, Thành Công, Láng Hạ, chợ Hôm… giá cả các mặt hàng thực phẩm trong dịp tết Dương lịch đều tăng lên khoảng 15%-25%. Trong đó, các loại hải sản là mặt hàng tăng lên rõ rệt nhất so với thời điểm cuối tháng 12-2010.
Trước biến động về giá của thị trường trong những ngày gần tết, nhiều doanh nghiệp (DN) phân phối, siêu thị tham gia bình ổn giá cũng đang lên kế hoạch đề nghị ngành công thương, tài chính cho phép tăng giá các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng từ 5% đến 10% bởi áp lực từ các yếu tố đầu vào quá lớn.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị Fivimart, cho biết thời gian qua nhiều DN phân phối đã có thông báo tăng giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như dầu ăn, rau quả, thực phẩm tươi sống… với lý do thời tiết rét đậm và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
“Dù việc kìm giá ổn định trong khi giá cả thị trường có xu hướng tăng lên là DN bán lẻ phải chịu lỗ nhưng vì thực hiện các cam kết khi tham gia bình ổn giá, nên siêu thị cố gắng hết sức để đàm phán với các nhà cung cấp lùi thời hạn tăng giá đến hết quý I-2011, đồng thời bảo đảm nguồn hàng đủ phục vụ cho đợt cao điểm mua sắm tết Nguyên đán. Hiện nay, tại hệ thống siêu thị, chín nhóm mặt hàng thiết yếu sẽ không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng vào dịp tết. Vì vậy, siêu thị đang cố gắng tăng lượng hàng hóa lên 35%-40% so với cùng kỳ năm ngoái” - bà Hậu chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện siêu thị Hapro Mart cho biết thực hiện chỉ đạo không tăng giá của Sở Công Thương TP Hà Nội, hiện tại đối với các mặt hàng bình ổn có cùng nguồn gốc, giá trong siêu thị sẽ đảm bảo thấp hơn mặt bằng chung trên thị trường. Ví như mặt hàng dầu ăn, nhiều lần nhà cung cấp kiến nghị đòi tăng giá với lý do các nhà sản xuất trong nước chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, chế biến. Siêu thị đành chấp nhận mức tăng 1.000-2.000 đồng/lít, tuy nhiên mức tăng này vẫn thấp hơn các cửa hàng bán lẻ.
Theo bà Vũ Thị Hậu, việc chênh lệch lớn giữa giá bình ổn và ngoài thị trường khiến khâu kiểm soát, hạn chế mua gom bán lại gặp rất nhiều khó khăn. “Có những ngày giám đốc siêu thị phải đứng ở quầy hàng dầu ăn để giám sát việc ra hàng, không để trống kệ hay để con buôn thu gom” - bà Hậu nói.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho biết với mức tiêu thụ lớn như Hà Nội, việc dự trữ hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường cuối năm của các DN là hết sức khó khăn. Ông Phú lý giải, trong tình hình thị trường như hiện nay, giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục biến động. Con số 400 tỉ đồng mà các DN được cấp quá khiêm tốn so sánh với tổng nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, công tác bình ổn chỉ tập trung vào chín mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Nhất quyết không cho tăng giá
Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các siêu thị ở Hà Nội và TP.HCM mới chiếm 18% thị phần bán lẻ. Vì vậy các loại hình phân phối truyền thống vẫn đang nắm giữ khả năng chi phối với thị trường. Trong khi đó, việc bình ổn giá lại chỉ do các DN thương mại (chủ sở hữu các siêu thị) thực hiện, nên khả năng giá hàng hóa biến động vào dịp cuối năm là khó tránh khỏi.
Trước diễn biến giá cả thị trường thời điểm giáp tết có nguy cơ tăng lên do tâm lý đám đông mua sắm, đại diện Phòng Quản lý giá - Sở Tài chính TP Hà Nội cho hay, trong những ngày qua nhiều DN, siêu thị đã kiến nghị tăng giá một số mặt hàng thực phẩm. Liên ngành công thương-tài chính nhất quyết không đồng ý tăng giá. Nếu DN nào tham gia bình ổn, được UBND TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí với lãi suất 0% mà tăng giá thì sẽ bị thu hồi ngay khoản hỗ trợ này.
Theo kinh nghiệm lâu nay, giá thực phẩm mỗi lần lên thì rất khó xuống. Việc tăng giá những ngày qua cho thấy tâm lý tăng giá dịp tết đã thực sự bắt đầu.
Tại chợ Cầu Giấy, thịt heo thăn loại ngon được bán phổ biến với giá 90.000 đồng/kg, thịt mông, vai rẻ hơn nhưng cũng đã ở mức 80.000 đồng/kg, rẻ nhất là ba chỉ loại mỡ nhiều, giá cũng đã 70.000 đồng/kg.
Thịt gà công nghiệp tăng từ 65.000 đồng lên 75.000 đồng/kg, thịt gà ta tăng từ 90.000 đồng lên 100.000-120.000 đồng/kg.
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com