Chưa bao giờ giá cả các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn gây nóng dư luận như những ngày vừa qua. Trong khi ngành nông nghiệp đang đi tìm nguyên nhân giá thịt lợn tăng 70% so với đầu năm 2011, ảnh hưởng chi tiêu người dân, thì hôm qua (14.7), Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã đưa ra nhiều tín hiệu khả quan cho thị trường loại thịt đang chiếm 75% nhu cầu sử dụng này.
Chỉ thiếu cục bộ
Gút lại câu hỏi vì sao thịt lợn tăng giá mạnh, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao khẳng định: “Thịt lợn chỉ tăng giá đột biến trong tháng 6.2011 và nguyên nhân chính vẫn là do thiếu nguồn cung cục bộ”. Sau nhiều ngày khảo sát mặt bằng nguồn cung, Cục Chăn nuôi cho hay tháng 6.2011 là thời điểm thiếu hụt mạnh nhất nguồn thịt, đặc biệt tại miền Bắc. Lý do là do hậu quả nặng nề của đợt dịch bệnh cuối năm ngoái khiến tổng đàn giảm gần 4% so với cùng kỳ. Dịch bệnh vốn đã gây tâm lý chán chường cho người nuôi, thêm vào đó là từ đầu năm đến nay bà con đối mặt với một loạt biến động đầu vào, trong đó thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xăng, điện, công cán... Hậu quả là 30% số nông hộ nhỏ lẻ bỏ chuồng. Trong khi đó, nông trang lớn đang tìm cách cầm cự, bởi không thể đủ lực huy động vốn với lãi suất cao. Ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây - Hà Nội) - nêu khó: “Tổng đàn hiện giảm 20%, nhưng hơn 230 trang trại lớn của HTX không thể tăng đàn do áp lực đầu vào quá nặng nề”.
Bởi vậy, từ đầu tháng 6.2011 đến nay, thịt lợn rơi vào cảnh “cầu ở đỉnh, cung ở đáy”. Giá lợn hơi trung bình hiện 64.000 – 65.000đ/kg, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Bắc Giang... giá cao hơn với 68.000đ/kg. Giá lợn tăng kéo theo các thực phẩm khác như gà, vịt, trứng các loại... tăng giá theo, khiến tình hình thêm căng thẳng. Ông Giao cho rằng, hiện giá các sản phẩm chăn nuôi đã gần tiếp cận với giá các nước trong khu vực như Trung Quốc, Philippines. Thái Lan... Nếu so sánh mức thu nhập của người dân nước ta với các nước so với mức tăng giá này, không ít người tiêu dùng giật mình vì đang chịu bão giá thực phẩm khủng khiếp. “Tuy nhiên do chỉ thiếu nguồn cung cục bộ, nên khoảng hai tháng tới thị trường thịt lợn sẽ sớm bình ổn trở lại, nguồn cung dồi dào hơn và phân phối đều hơn” - ông Giao trấn an.
Thiết lập mặt bằng giá mới
Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt các loại sẽ khoảng 1,7 – 1,8 triệu tấn thịt xẻ, nguồn cung thịt lợn tăng khoảng 5%. Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Sơn nói: “Dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường trong nước sẽ thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn 6 tháng đầu năm từ 10 – 15%. Chiều hướng giảm giá sẽ xuất hiện khoảng cuối tháng 8 tới, khi các nông hộ có thời gian tái đàn, tăng đàn”. Để đạt được mục tiêu này, ngành chăn nuôi đang nỗ lực thực hiện các giải pháp trước mắt, trong đó ưu tiên số một là đề nghị hỗ trợ lãi suất ưu đãi, kiểm soát việc phân phối thịt thương phẩm và khống chế tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Sơn cũng đưa ra cảnh báo nếu tăng đàn, tái đàn một cách “quá đà” sẽ không loại trừ khả năng ngược lại hoàn toàn hiện nay là cung vượt cầu. Nếu tình trạng này xảy ra, bà con đã khó khăn sẽ càng chật vật hơn trong tiêu thụ sản phẩm.
Một điều đáng lưu tâm là hiện nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân nước ta vẫn áp đảo với 75% trong tổng cơ cấu. Tỉ lệ này ở một số nước láng giềng chỉ khoảng 45 – 55%. “Nên chăng là dịp để điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng thịt theo hướng tăng tỉ lệ sử dụng thịt gia cầm. Chăn nuôi gia cầm thuận lợi hơn rất nhiều bởi vòng quay sản phẩm nhanh, vốn ít, đảm bảo vệ sinh môi trường hơn” – ông Sơn cho hay. Về lâu dài, một số DN đề nghị được hỗ trợ tối đa quỹ đất cho chăn nuôi, nhằm ổn định số lượng đàn và hướng đến quy mô trang trại lớn, hạn chế nông hộ nhỏ lẻ ở vùng đông dân cư. Về điều này, Cục trưởng Hoàng Kim Giao lưu ý các địa phương quan tâm hơn nữa đến chính sách đất đai, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển chăn nuôi nên cần đưa ra cụ thể từng nơi, từng thời điểm để người chăn nuôi được hỗ trợ tốt hơn trong thời gian tới.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com