“Nếu sữa nội xuất ngoại thì sẽ lôi kéo lượng lớn khách hàng, giành lại thị phần lâu nay bị sữa ngoại thao túng, vì thương hiệu đã được khẳng định ở đẳng cấp quốc tế và lợi thế giá cả “mềm” hơn nhiều”, TS Nguyễn Quang A nhận định.
Theo đánh giá của các chuyên gia về dinh dưỡng và thực phẩm, chất lượng sữa nội hiện không thua kém sữa ngoại.
Khẳng định chất lượng
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), vừa công bố một nghiên cứu về hiệu quả cải thiện tăng trưởng và vi chất trên 560 trẻ em ở độ tuổi 24 - 36 tháng dùng một sản phẩm sữa nội Dielac Alpha 123 (Vinamilk). Kết quả cho thấy, sản phẩm sữa nội có hiệu quả tương đương về phát triển chiều cao và hiệu quả hơn về phát triển cân nặng so với sữa ngoại. “Việc chọn sữa cho trẻ cần căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của trẻ em Việt Nam, gồm các chất cơ bản hoặc vi chất thường bị thiếu như đạm, béo, canxi, canxi, i ốt…, chứ không phải dựa trên các dưỡng chất bổ sung DHA, ARA và không nên chạy theo những thông tin quảng cáo sữa”, tiến sĩ Lâm khuyến nghị.
Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm, sau khi kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiến hành so sánh hàm lượng các chất trong sữa nội và ngoại, Bộ Y tế đã có kết luận rằng, đa phần sữa ngoại và nội nổi tiếng đều có chung thành phần dinh dưỡng thiết yếu, có chăng là cách liệt kê, sắp xếp các chất khác nhau… Ông Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP sữa Hà Nội (Hanoi milk), cũng nói: “Với nguyên liệu ngoại nhập từ Australia, NewZeland, dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng chi phí sản xuất, nhân công trong nước thấp nên giá sữa bột nội rẻ hơn. Sữa ngoại phải chi thuế, tỷ giá, vận chuyển, nuôi trung và quảng cáo, nên mỗi hộp sữa phải gánh tới 40 – 60% chi phí này, đẩy giá bán tăng cao”.
Cạnh tranh “sân nhà”, ghi danh “sân khách”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam “sính” ngoại nhưng không hề quay lưng với hàng nội và minh chứng cho điều này là thành công của thương hiệu quần áo, giày dép “made in Việt Nam”, rất được “ưa chuộng”. Sữa nội có thể dựa vào thực tế này để khẳng định mình.
“Việc sữa nội ghi danh quốc tế có thể lúc đầu không dễ, nhưng ít nhất các doanh nghiệp sữa nên đặt ra mục tiêu, chiến lược và từng bước thực hiện. Trước tiên, có thể mang sản phẩm tham gia các hội chợ thương mại quốc tế, đăng ký một tổ chức quốc tế nào đó chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng, tìm chỗ đứng tại các siêu thị hàng tiêu dùng tại nước ngoài, như siêu thị dành cho Việt kiều ở California (Mỹ), Khavcop (Ucraina)…”, tiến sĩ Quang A nói. Trong khi đó, đại diện công ty CP thực phẩm Anco chia sẻ: “Trước đây doanh nghiệp coi cạnh tranh trên sân nhà còn khó khăn thì không nên tham lam xuất ngoại. Bây giờ, chúng tôi đã nghĩ khác vì đây là bàn đạp để doanh nghiệp tăng thị phần trong nước”.
Nhằm kích cầu sữa nội, theo nhiều chuyên gia tư vấn, các doanh nghiệp sữa nên đầu tư mạnh hơn vào quảng cáo; thường xuyên có các đợt khuyến mãi, chế độ hậu mãi tốt; cũng như cải tiến mẫu mã sản phẩm và khẩu vị để hấp dẫn trẻ em. Ông Nguyễn Quang A đề xuất: cần có những tổ chức có uy tín, tư cách pháp nhân để điều tra, kiểm định chất lượng sản phẩm, công bố công khai cho người tiêu dùng được biết để tránh bị mắc lừa khi mua sữa theo quảng cáo, từ đó mới có thể chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen mua sữa ngoại của người tiêu dùng.
“Trong khi chưa có cơ quan nào khẳng định chất lượng sữa nội hay ngoại tốt hơn, thì khẩu vị là cái mà người tiêu dùng cảm nhận, phân biệt được. Tại sao các hãng sữa nội không thay đổi khẩu vị? Phải làm thế nào để trẻ em uống sữa nội rồi, nếu thay sang sữa ngoại thì không quen vị, không chịu uống… khi ấy sữa nội mới thành công”, chị Cao Thị Nhâm (số 4, tổ 12, phường Định Công, Hà Nội), nêu quan điểm.
(Báo Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com