Tỉnh Sơn La kêu gọi người dân góp đất trồng cao su, trở thành cổ đông, đồng thời là công nhân Cty Cao su Sơn La. Dân thực hiện, phương thức làm ăn mới tạo nhiều phấn khích cho họ, nhưng thực tế phát sinh nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Anh Lò Văn Nối (trái) và Lò Văn Rừng đang chặt cỏ chăm sóc cây cao su - Ảnh: Đức Kế |
Niềm vui trở thành công nhân
Căn nhà gia đình anh Quàng Văn Nạo (dân tộc Thái, nguyên là Trưởng bản Phìn, xã Phìn Tìn, huyện Mường La, Sơn La) khá khang trang, thóc lúa đầy bồ, các tiện nghi đắt tiền như ti vi, máy tính, xe máy đều đủ; khác với cảnh bữa ăn chỉ toàn sắn, ngô một năm trước khi dự án trồng cây cao su khởi động.
Anh Nạo kể: “Khi Cty Cao su Sơn La đưa cây cao su vào trồng, với chính sách mới lạ là kêu gọi người dân góp đất làm cổ phần, sau nhiều lần bàn bạc, gia đình anh đã quyết định góp 2,1 ha đất”.
Theo đó, gia đình anh được quy giá trị quyền sử dụng diện tích đất này thành 21 triệu đồng, tương đương 2.100 cổ phần vào Cty, sắp tới anh sẽ góp nốt gần một hécta đất đồi của gia đình.
Anh Nạo, vợ anh và đứa con gái đầu được Cty nhận vào làm công nhân với lương trung bình 1,7 triệu đồng/người/tháng.
Tháng 9/2007, anh nhận tháng lương đầu tiên. “Vui lắm, lần đầu tiên mình biết thế nào là đồng lương mà bấy lâu chỉ nghe qua tivi, đài báo” - Anh Nạo nhớ lại.
Đến nay, sau thời gian dài chăm chỉ làm việc, lại có nhiều sáng kiến trong lao động, anh Nạo được Cty cử làm đội phó Đội Cao su Ít Ong, với mức lương mỗi tháng 3,2 triệu đồng. Cuộc sống gia đình anh bước đầu đã khấm khá.
Cùng bản Phìn, anh Lò Văn Nối (37 tuổi) có hơn hai hécta đất trồng cao su, ba người trong gia đình được nhận vào làm công nhân. Nhờ thế, bảy miệng ăn trong gia đình anh không còn ám ảnh bữa đói bữa no như trước. Vợ anh lại được Cty cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn, “tương lai sẽ sáng sủa hơn” - anh Nối hy vọng.
Ở bản Nà Trang bên cạnh, ai cũng phục ý chí của chàng thanh niên 23 tuổi Lò Văn Rừng. Nhà Rừng có tám người nhưng chỉ có hơn hai hécta đất đồi trồng ngô, sắn nên thiếu ăn triền miên.
Khi nghe cán bộ Cty Cao su Sơn La thông báo chủ trương góp đất, Rừng bàn với bố mẹ và gia đình quyết định góp toàn bộ đất. Vợ chồng Rừng trở thành công nhân, lương 2,2 triệu đồng/người/tháng.
Giờ cuộc sống gia đình anh đã ổn định, có bát ăn bát để. Anh lại vừa được kết nạp Đảng, trở thành một trong những đảng viên trẻ nhất của huyện Mường La.
Theo thống kê, chỉ riêng hai bản Phìn và Nà Trang trước kia có tới 90 ha đất bỏ hoang. Thu nhập từ trồng ngô, sắn và lúa nương của đồng bào dân tộc Thái ở đây chỉ đạt 5,7 triệu đồng/hộ/năm, cái đói quanh năm suốt tháng đe dọa dân. Đến nay, mức thu nhập này đã tăng lên khoảng 7,8 triệu đồng.
Cần dự báo sớm
Theo ông Nguyễn Thế Luận - Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Phát triển Cây cao su tỉnh Sơn La, tính đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã trồng được gần 1.700 ha cao su trên địa bàn sáu huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, Mai Sơn, Yên Châu và Sông Mã.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh này sẽ phát triển cây cao su tới 50.000 ha, trên địa bàn 11 huyện và thành phố Sơn La, với địa bàn chủ yếu ở vùng đồi núi, cư dân chính là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Cầm Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết thêm, tháng 4/2007, chủ trương phát triển cây cao su được tỉnh thống nhất và tháng 8/2007 triển khai trồng thí điểm 70 ha ở Ít Ong (huyện Mường La).
Lý do chọn Ít Ong vì khu vực này có độ cao so với mực nước biển hợp lý (260 m), điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Khoa học Cao su là tương đối thích hợp với cây cao su. Đến nay, số cây trồng thí điểm đã cao 4-5 m, đường kính đạt 10 cm.
Cũng theo ông Chính, xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô, sắn sang trồng cao su, tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho bà con. Theo đó, cứ mỗi hécta đất góp vào Cty, dân sẽ được nhận một giấy chứng nhận góp 1.000 cổ phần (tương đương 10 triệu đồng) và trở thành công nhân hoặc đưa một người thân trở thành công nhân; được hưởng đầy đủ quyền lợi theo Luật Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, họ có quyền trồng xen canh cây trồng khác tại mảnh đất cổ phần này trong khoảng bảy năm; được vay không lãi suất 5 - 10 triệu đồng để mua trâu, bò.
Cùng đó, tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng cho hộ chuyển mỗi hécta từ đất trồng lúa nương sang trồng cao su; hỗ trợ năm triệu đồng từ đất trồng rừng sang trồng cao su… Đến nay, Sơn La đã giải ngân được gần 10 tỷ đồng tiền hỗ trợ chuyển đổi cây trồng.
Thực tế phát triển cây cao su theo phương thức làm ăn mới vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong đó, dân ngay khi đã trở thành công nhân vẫn băn khoăn về khả năng cho mủ của cây cao su lần đầu tiên trồng ở vùng Tây Bắc; kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, giá bán, nhà máy chế biến…Tỉnh Sơn La nên sớm có dự báo, kế hoạch để an lòng dân.
Ông Cầm Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển Cây cao su tỉnh Sơn La nói: “Góp quyền sử dụng đất đổi lấy cổ phần của Cty là vấn đề rất mới, cả nước chưa có địa phương nào làm nên một số người dân cũng băn khoăn về tính hiệu quả lâu dài. Bản thân chúng tôi là người trong cuộc nhưng cũng chưa dự đoán hết những gì diễn ra trong vòng đời cây cao su 25 năm tới, dù bước đầu khả quan…”. Hiện có 1.131 người đã trở thành công nhân của Cty Cao su Sơn La và 1.500 người sẽ được tuyển chính thức khi hoàn tất thủ tục bàn giao đất. Mức lương dao động 1,4-1,7 triệu đồng/người/tháng. |
(Theo Đức Kế // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com