Rác dân lập ở Sài Gòn có tự bao giờ? Một câu hỏi không dễ trả lời. Với ông Lê Văn Hạt, đã hơn 46 năm sống với nghề thu gom rác chỉ biết từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, người ta đã mua bán những đường dây rác dân lập, tổ chức thu gom không khác ngày nay.
![]() |
Vợ chồng ông Lê Văn Hạt cả đời theo nghề dọn rác. Ảnh: A.Q< |
Bốn mươi sáu năm trước, người thanh niên Lê Văn Hạt chọn nghề thu gom rác dân lập không phải tình cờ, một người họ hàng khi về thăm quê đã cho anh hay có một dây rác ở Gia Định đang rao bán. Từ bỏ mảnh ruộng sình ở mãi tận xứ Trà Vinh, anh mang theo vợ và ba đứa con thơ lên đạp đất Sài Gòn – Gia Định lập nghiệp. Đó là đầu năm 1963, anh Hạt 34 tuổi. Để có chỗ tá túc, ông đi dọc đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), thấy gần đầu cầu Sạn (bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bây giờ) còn đất hoang, ông bèn dựng lều ở tạm.
Sau hai năm gom rác mướn, đến năm 1965, hai vợ chồng tính chuyện mua dây rác. Tiền ít nhưng chạy vạy vay mượn, thiếu nợ, hai vợ chồng mua được một dây rác chừng gần 400 hộ với giá ngoài 25 ngàn đồng (gần ba lượng vàng lúc đó). Dây rác chạy dọc một khúc đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng 8), điểm giữa là chợ Ông Tạ (nay là chợ Phạm Văn Hai) và một phần đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ). Làm được ít lâu, ông lại đến chợ Bàn Cờ (nay là phường 2, quận 3) mua thêm một dây rác nhỏ với giá gần 10.000đ.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà hiện nay ở thành phố, người làm nghề thu gom rác dân lập có nguồn gốc từ Trà Vinh chiếm một phần không nhỏ. Từ đó đến nay, người làm rác đi trước kéo người đi sau, ai có tiền lên mua dây rác và tự đi gom, ai nghèo lên làm mướn cho bà con họ hàng.
Gom Gia Định, đổ Sài Gòn
Hồi đó, dây rác của ông thuộc nằm trọn ba ấp (chợ Ông Tạ, Vinh Sơn, Hàng Dầu) xã Tân Sơn Hoà, tỉnh Gia Định và nằm giáp ranh thành phố Sài Gòn. Xã này bây giờ nằm trọn trong quận Tân Bình. Mỗi ngày, sáng sớm ông và một người em vợ đạp ba gác ra trụ sở ấp chợ Ông Tạ, nhận hai ổ bánh mì lớn (miễn phí) và mua đường táng ăn. Ăn xong, hai anh em bắt đầu gom rác từng hộ dân, chất lên ba gác. Khi xe đầy, ông đạp dọc Phạm Văn Hai, quẹo phải vào Lê Văn Sỹ, chạy thẳng đến bô rác ở hai đầu cầu Lê Văn Sỹ. Rác ở đây vừa dùng để san lấp, khi ứ quá có xe của nhà nước đến xúc bớt, chở đi đổ ở đâu không rõ. Làm liên tục như thế đến quá trưa mới gom xong dây rác gần 400 hộ.
Thỉnh thoảng xe rác của ông bị cảnh sát đuổi ngược trở về Gia Định, không cho đổ tại đây. Đó là khi rác ứ ở bô, bốc mùi thúi khiến dân sống gần gọi điện báo cảnh sát. Hai bên đường Lê Văn Sỹ, rác cũng góp phần lớn san lấp mặt bằng, khi đầy, dân ven đường mới kêu xe đổ đất phủ lên, sau đó dựng nhà ở. Chiều đến, hai anh em lại dong xe sang chợ Bàn Cờ dọn dẹp, dây rác này ít, gần 200 hộ nên rác chỉ chừng non một chuyến xe. Việc gom rác ở Sài Gòn thời đó cũng không khác gì bây giờ, mặt tiền đường lớn có xe tải của nhà nước đi gom, còn ông gom trong hẻm. Hồi đó Sài Gòn không có xe ép rác, mỗi sáng, xe tải gom rác chạy qua, mọi người mang rác ra thảy lên thùng.
Dễ sống
Ngày ấy, cả Gia Định chỉ vỏn vẹn có 6 – 7 chủ dây rác, ông là người trẻ nhất. Mỗi người chia nhau một khu để thu gom. Tất cả coi nhau như anh em, thường xuyên tranh thủ đỡ đần nhau mỗi khi ai đó đau bệnh. Ở Sài Gòn, ông cũng có vài người cùng nghề làm bạn, việc ai nấy làm, không hề có chuyện giành giựt vì rác nhiều, người thu gom ít. Duy chỉ một lần vào năm 1972, các đường dây rác của ông và một số bạn chung nghề khác bị lực lượng thương phế binh Sài Gòn ra giành. Phía ông cũng không vừa, nhờ chính quyền trợ giúp nhưng cảnh sát đến cũng không dám làm gì. Cuối cùng một thượng nghị sĩ ra mặt can thiệp, dây rác mới được trả về chủ cũ.
“Tuy cực nhưng kiếm sống cũng dễ”, người vợ ông Hạt nhớ lại. Hồi đó, mỗi hộ dân ở Gia Định vợ chồng bà thu phí 4đ/tháng, còn ở chợ Bàn Cờ, ông lấy 5đ vì dân đây giàu có hơn. Phía nhà nước mỗi năm họ chỉ đi thu tiền phí một lần, thu chung với tiền thuế nhà, phí nước thải, rác dân lập thu hàng tháng như giờ. Mỗi tháng gom hết lại cũng được gần 2.500đ. Tiền này cũng không phải trích nộp cho ai. Nhiều hộ khi trả tiền thường cho thêm một vài đồng. Lâu lâu, ấp gọi lên cho thêm ít đồng khuyến khích.
Chưa đầy dăm năm, tính từ khi ông làm nghề gom rác, dây rác của ông ở chợ Ông Tạ nở nồi, tăng lên gần 2.000 hộ. Việc thu gom bắt đầu cần phải mướn thêm người, trả công tháng. Trả xong nợ, đầu năm 1970, ông mua được nhà khang trang ở chợ Tân Bình. Con của ông đã là sáu người, việc gánh gồng nuôi đàn con ăn học cũng tốn kém nhưng hình như rác đã không phụ vợ chồng ông.
Vài năm trở lại đây, cái tuổi 80 ông đã không còn sức để gom rác. Dăm bảy anh em cùng nghề xưa đã lần lượt từ giã cõi đời này. Những dây rác ngày xưa, ông đã giao lại cho năm người con nối nghiệp, một phần cho không người ngoài vào thời bao cấp.
Bây giờ các con ông vẫn gom rác mỗi ngày, dù giờ kiếm ít tiền hơn thời ông còn trai trẻ. Chỉ có điều như xưa là dây rác ở chợ Bàn Cờ (người con thứ ba gom thay cha) đến giờ vẫn là gần 200 hộ, dù đã qua gần nửa thế kỷ và người sống lâu ở chợ Phạm Văn Hai giờ vẫn nhắc tên ông. (còn tiếp)
( Theo Vĩnh Hoà // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com