Bộ Quốc phòng-Bộ Tài chính vừa có Thông tư liên tịch số 4/2010/TTLT-BQP-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp tại các trường dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm trong và ngoài quân đội.
Quân nhân được hỗ trợ theo Thông tư này là các hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành chế độ phục vụ tại ngũ; có quyết định xuất ngũ và có nhu cầu học nghề để bảo đảm cuộc sống.
Theo đó, bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng được học nghề theo cơ chế đặt hàng đối với các cơ sở dạy nghề và được vay tiền để học nghề theo chính sách về tín dụng đối với học sinh, sinh viên được quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg.
Nếu học nghề ở trình độ sơ cấp thì bộ đội xuất ngũ được cấp “Thẻ học nghề” có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu tại thời điểm học nghề và có giá trị trong 1 năm kể từ ngày cấp thẻ. Giá trị của “Thẻ học nghề” được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu. Khi quân nhân hoàn thành chế độ phục vụ tại ngũ có nhu cầu đăng ký học nghề ở trình độ sơ cấp tại đơn vị sẽ được cấp 1 “Thẻ học nghề” do Bộ Quốc phòng phát hành. Thẻ này được nộp cho các cơ sở dạy nghề trong và ngoài quân đội.
Bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ sơ cấp nộp các loại giấy tờ cho cơ sở dạy nghề trong và ngoài quân đội gồm: Quyết định xuất ngũ (bản photocopy công chứng); “Thẻ học nghề” (bản gốc); Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề và giấy tờ tùy thân có ảnh (bản photocopy công chứng).
Căn cứ vào các loại giấy tờ nêu trên, các cơ sở dạy nghề trong và ngoài quân đội tổng hợp quyết toán như các loại ngân sách nhà nước khác. Các cơ sở dạy nghề ngoài quân đội, được thanhh toán qua đầu mối là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Đối với học nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng thì căn cứ vào kết quả cung cấp dịch vụ đặt hàng và hợp đồng được đặt hàng, Bộ Quốc phòng thực hiện nghiệm thu hợp đồng đặt hàng.
Thông tư cũng quy định, “Thẻ học nghề” là căn cứ để hỗ trợ tiền học nghề cho người đứng tên được tham gia học nghề tại các cơ sở dạy nghề trong toàn quốc, đồng thời được hưởng chi phí đào tạo thực tế của nghề đã học và chứng chỉ học nghề đã được cấp nhưng không cao hơn 12 tháng tiền lương tối thiểu chung. “Thẻ học nghề” phải được bảo quản giữ gìn cẩn thận, không tẩy xóa, làm hỏng, không cho người khác mượn thẻ. Nếu mất phải liên hệ với cơ quan cấp thẻ để được cấp lại. Mọi hành vi lạm dụng “Thẻ học nghề” làm sai với quy định đều bị xử lý theo pháp luật.
“Thẻ học nghề” là chính sách ưu đãi của Chính phủ nhằm hỗ trợ, khuyến khích bộ đội xuất ngũ học nghề, không ảnh hưởng đến các chế độ, chính sách mà họ đang được hưởng theo Luật Nghĩa vụ quân sự như: Hỗ trợ phụ cấp 6 tháng học nghề, miễn giảm học phí học nghề tại một số địa phương, cơ sở đào tạo.
(Theo Q.Thắng // Bà Rịa - Vũng tàu Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com