Cắt xén suất ăn để “lại quả” cho các công ty là cách làm của không ít cơ sở cung cấp bữa ăn công nghiệp. Vì thế, công nhân phải ăn những bữa cơm thiếu dinh dưỡng và nguy cơ ngộ độc luôn rình rập.
Công đoạn chế biến mất vệ sinh ở cơ sở cung cấp 1.200 suất ăn/ngày của bà Phương. Ảnh: L.N. |
Tiền nào của nấy
Chúng tôi đến cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp của bà G. ở ấp Bình Quới A, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, nơi cung cấp khoảng 3.000 suất cơm/ngày.
Vào đến cơ sở, chúng tôi phát hiện khu vực nấu ăn nằm gần chuồng heo, thức ăn đang chế biến gồm thịt, rau xào, canh để ngổn ngang không che đậy trên nền xi măng nhớp nước.
Nhân viên cho biết, toàn bộ số suất ăn của cơ sở cung cấp cho 3 công ty ở khu công nghiệp Sóng Thần và Đồng An.
Khi chúng tôi nói đặt một phần cơm với giá 10.000 đồng, người này cho biết: “Cơm như này thì gồm 2 miếng thịt heo kho, 3 miếng cà tím luộc hoặc đồ xào khác và canh”.
Hỏi nguồn gốc thực phẩm, nhân viên cơ sở này nói: “Thịt, cá, tôm ở đây cơ sở toàn mua ở siêu thị. Tuy nhiên, một đầu nậu chuyên cung cấp heo thịt cho các bếp ăn cho biết, cơ sở nào cũng lấy heo bẩn, heo bệnh, không ít thì nhiều.
“Suất ăn chỉ 10-14 nghìn đồng, trong thời buổi giá cả đắt đỏ, lại chi tiền hoa hồng cho công ty, không lấy hàng “lụi” (thịt heo bẩn giá chỉ 20-40 ngàn đồng/kg) làm sao có lời” - đầu nậu này nói.
Nghe chúng tôi nói là nhân viên phòng hành chính của một công ty sản xuất bao bì ở TPHCM, muốn tìm hiểu để đặt suất ăn cho công nhân, chị Phương, chủ cơ sở cung cấp suất ăn ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai dẫn đi xem cơ sở chế biến.
Công ty may mặc T. của Hàn Quốc, ở phường Trảng Dài, nơi chị Phương đặt bếp chế biến trực tiếp ở đây cho 600 công nhân đang có 5 phụ nữ chế biến.
Khi chúng tôi đến họ đang bốc dưa, tôm, thịt… bỏ ra các khay làm bằng inox từ những thau nhựa, đa số chẳng mang bao tay, mạnh ai nấy bốc, tất cả đồ ăn đều không được che đậy.
Khu vực chế biến, nồi chảo để ngổn ngang trên nền nhà nước tù đọng. Chị Phương giới thiệu: “Suất ăn ở đây 14.000 đồng, cơm và canh ăn thoải mái. Nếu các em đặt 12.000 đồng/suất, chị đưa lên công ty em nấu. Còn 14.000 đồng/suất thì chị chế biến ở đây đưa lên đó, giá tăng 2.000 đồng/suất để lo phí vận chuyển, hoa hồng cho các em nữa”- chị Phương nói.
Cơ sở P. G. ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM cũng cho biết, giá bao nhiêu cũng nấu được suất ăn, “Nếu các em đặt 1.000 suất/ngày mình chi cho các em 5 triệu gọi là phí môi giới ban đầu. Còn hằng ngày cứ trả hoa hồng 1.000 đồng/suất”- chủ cơ sở này nói.
Hồi hộp những bữa cơm
Hàng loạt công nhân làm việc tại Công ty Đông Nam VN ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM nôn ọe khi phát hiện giòi nhúc nhích trong đầu cá của suất cơm được cung cấp cách đây 6 ngày. Hơn một trăm công nhân khác tại khu công nghiệp Long Thành, tỉnh Đồng Nai bỏ ăn bữa trưa do trong phần ăn gồm cơm, thịt gà, cá, rau có giòi.
Hai tháng trước, bánh mì có giòi được xác định là thủ phạm làm cả trăm công nhân ở Công ty Wonderful Sài Gòn Electrics, tỉnh Bình Dương bị ngộ độc phải nhập viện.
Hàng trăm công nhân Công ty TNHH Quốc tế All Wells Việt Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải bỏ ăn giữa chừng vì giòi lúc nhúc trong suất cơm.
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, tình trạng suất ăn kém chất lượng đang trở nên báo động. Nhiều vụ ngộ độc công nhân có nguyên nhân từ chất lượng thực phẩm và chế biến mất vệ sinh.
TS-BS Đỗ Thị Ngọc Diệp- Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho rằng, chính suất ăn bị cắt xén, dùng thực phẩm giá rẻ, có khi ôi thiu, không rõ nguồn gốc đã làm cho công nhân ngày càng suy dinh dưỡng.
“Kết quả nghiên cứu từ 402 công nhân độ tuổi trung bình 23, tại các khu công nghiệp tại TPHCM vừa công bố từ trung tâm này cho thấy, tỷ lệ thiếu máu của công nhân là 19,2%. Trong đó, tỷ lệ thiếu máu ở công nhân nữ là 24,5% còn ở công nhân nam là 10,2%.
Trước đó, trong một cuộc khảo sát khác của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM trên 1.000 công nhân ở các khu chế xuất, công nghiệp tại TP, cho thấy cứ 10 công nhân thì có 3 trong số đó bị suy dinh dưỡng và 70% công nhân thiếu I ốt.
Bác sĩ Diệp cho biết, đó là hệ quả tất yếu của những bữa cơm không đảm bảo dinh dưỡng mà công nhân phải đối mặt hiện nay.
“Có những công ty chúng tôi khảo sát, công nhân chỉ ăn suất cơm có giá 8-10 nghìn đồng. Chất lượng như vậy làm sao họ có đủ dinh dưỡng để tái tạo sức lao động” - bác sĩ Diệp nói.
Công nhân làm việc ở công ty bao bì tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều năm nay họ vẫn phải ăn suất có giá 10 nghìn đồng.
Ông Nguyễn Văn Đạt - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Bình Dương cho biết, kiểm tra 106 bếp ăn tập thể tại tỉnh này, phát hiện 39 bếp ăn vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại TPHCM, từ đầu năm đến nay có khoảng 20% bếp ăn tập thể vi phạm điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị dụng cụ và điều kiện vệ sinh nhân viên. Hiện TPHCM có trên 2.000 bếp ăn phục vụ cho khoảng 250.000 lao động. Tuy nhiên việc kiểm soát chất lượng thực phẩm ở các bếp ăn này vẫn khó khăn khiến cho nguy cơ ngộ độc vẫn rình rập. |
(Theo Lê Nguyễn - Song Nguyễn- Quốc Trung // Tiền Phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com