Trong lúc cả nước phải đương đầu với những khó khăn, thách thức do khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động thì Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo ra đời.
Một lớp dạy nghề tại Trung Tâm dạy nghề huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau - Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi |
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm, đề ra chủ trương và nguồn kinh phí rất lớn chăm lo đời sống người lao động, đặc biệt là lao động nghèo để bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống ổn định cho mọi tầng lớp nhân dân.
Mỗi giai đoạn Chính phủ đều có những chính sách mới phù hợp với hoàn cảnh thực tế nhằm đảm bảo hỗ trợ hiệu quả nhất lao động nghèo vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Đột phá từ chính sách
Trong năm 2008 - 2009, trong lúc cả nước phải đương đầu với những khó khăn, thách thức do khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động thì Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo và Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ra đời, tạo bước đột phá trong xóa đói giảm nghèo. Theo quyết định, từ nay đến năm 2020, Nhà nước sẽ đầu tư 4.715 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động cư trú dài hạn tại 62 huyện nghèo nhất nước và các tổ chức, DN, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các cơ sở dạy nghề cho LĐXK. Theo đó, lao động thuộc 62 huyện nghèo sẽ được hỗ trợ: Học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia XKLĐ; được vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi XKLĐ. Cụ thể, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức. Còn lại các đối tượng khác thuộc 61 huyện nghèo được hỗ trợ 50% học phí trên. Trước mắt, giai đoạn 2009-2010, sẽ thực hiện thí điểm đưa 10.000 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài (bình quân mỗi năm khoảng 5.000 lao động). Giai đoạn 2016-2020, sẽ nâng lên hơn 70.000 lao động, góp phần giảm khoảng 19% số hộ nghèo của 62 huyện nghèo.
Tiếp đó, ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với mục tiêu bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn (LĐNT).
LĐNT thuộc đối tượng của Đề án được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Ngoài ra còn được hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày/thực học/người; tiền đi lại tối đa mức 200.000 đồng/người/khóa đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
LĐNT thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Tương tự như vậy, LĐNT làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay học nghề. Cũng theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, 62 huyện nghèo sẽ được đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề cho trung tâm dạy nghề. Trong đó 30 huyện có tỷ lệ hộ nghèo từ 30-50% mới thành lập trung tâm dạy nghề từ năm 2009 sẽ có mức đầu tư tối đa 12,5 tỷ/trung tâm.
Tạo đà vươn lên thoát nghèo
Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 cuối năm 2009 vừa qua đã ghi nhận: Sau 1 năm triển khai thực hiện, đã giảm được 4% hộ nghèo tại 62 huyện này. Đã có 17 tỉnh (với 28 huyện) tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ mới, tổng số hộ gia đình được hưởng lợi là gần 73.000 hộ, với tổng diện tích giao khoán khoảng gần 400.000 ha. Về xuất khẩu lao động, sau gần 8 tháng, có trên 2.900 lao động các huyện nghèo đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.
Về các mục tiêu cơ bản của NQ 30a trong năm 2010, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh vào các nhóm giải pháp: Đưa bình quân hộ nghèo xuống dưới 40%; hoàn thành cơ bản giao đất, giao rừng, trồng rừng, khoanh nuôi – bảo vệ rừng; tạo bước chuyển biến cơ bản trong sản xuất nông – lâm nghiệp, kinh tế nông thôn; đẩy mạnh một bước quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng; chuyển giao được tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực và chuyển một bộ phận lao động tại 62 huyện nghèo sang lao động công nghiệp, lao động dịch vụ, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo tại các huyện nghèo đạt từ 25% trở lên.
Để cụ thể hóa các chính sách ưu đãi lao động nghèo của Chính phủ, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án An sinh xã hội giai đoạn 2011- 2020 để trình Chính phủ. Đề án sau khi hoàn thiện và đi vào thực hiện, những lao động nghèo, lao động yếu thế và những lao động không có việc làm ổn định... sẽ có cơ hội thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Ông Đặng Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Đề án an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 có thể được coi là một chiến lược tổng thể nhằm phủ kín các đối tượng với 6 mục tiêu lớn. Đó là: tăng cường tính bình đẳng trong thị trường lao động, hỗ trợ lao động yếu thế gia nhập thị trường lao động; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội tiên tiến bao gồm cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện với độ bao phủ rộng; tăng cường hiệu quả chăm sóc y tế công với mục tiêu 100% dân số được bảo hiểm y tế vào năm 2014; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt với mục tiêu hầu hết số người có mức sống dưới mức tối thiểu sẽ được trợ giúp; giảm nghèo bền vững, ngăn chặn bất bình đẳng gia tăng; bảo đảm người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, trợ giúp pháp lý, nước sạch... Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, Đề án đề xuất đưa những lao động thuộc diện hộ nghèo và không được đào tạo vào làm việc luân phiên ở những công việc đơn giản như trồng rừng, phát triển rừng; đưa vào làm ở những công trình trên địa bàn để bảo đảm mức thu nhập ít nhất bằng với mức lương tối thiểu.
Đối với những em nhỏ trong độ tuổi đi học mà phải tham gia làm kinh tế, đề xuất Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, ít nhất bằng mức thu nhập mà các em có thể đạt được để các em được bảo đảm thời gian đến lớp học văn hóa hoặc học nghề nhằm nâng cao kiến thức và trình độ nghề cho các em. Từ đó, các em sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với việc làm, cơ hội có thu nhập cao hơn và chủ động tham gia vào hệ thống an sinh xã hội như BHXH, BHYT...
(Theo Công Trí // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com