![]() |
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai |
Vừa qua, thực hiện Chỉ thị số 22/CT/TƯ của Ban bí thư TƯ Đảng về việc xây dựng mối quan hệ hài hòa - tiến bộ trong DN, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cùng chi nhánh VCCI TP HCM đã có hai buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương (BD), và UBND tỉnh Đồng Nai (ĐN) về giải quyết vấn đề lao động.
Các bên đã hoàn toàn nhất trí phối hợp cùng tăng cường thực hiện các hoạt động xây dựng mối quan hệ hài hòa, tiến bộ trong DN, xây dựng cơ chế đối thoại ba bên nhằm giải quyết tốt các vụ tranh chấp lao động (LĐ) tập thể - đình công...
“Nóng” vấn đề LĐ
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh BD và ĐN, tình hình LĐ trên địa bàn cả hai tỉnh ngày càng nóng, phức tạp khó giải quyết thể hiện qua các vấn đề như tranh chấp LĐ - đình công, thiếu LĐ... Riêng về vấn đề đình công. Tại BD, năm 2009 toàn tỉnh xảy ra 85 vụ tranh chấp LĐ tập thể và đình công, với khoảng 35.453 người tham gia, (năm 2008 xảy ra 232 vụ). Trong 3 tháng từ đầu năm 2010 đến nay, đình công - tranh chấp LĐ tập thể có chiều hướng tăng cao khi đã xảy ra 48 vụ, với 20.868 người tham gia, tăng hơn 50% so cùng kỳ 2009. Còn tại ĐN, từ đầu năm 2010 đến nay đã xảy ra đến 60 cuộc đình công - tranh chấp LĐ tập thể, tăng cao so cùng kỳ năm 2009.
Nguyên nhân xảy ra tranh chấp LĐ - đình công, lãnh đạo hai tỉnh BD và ĐN đều nhận định một số nguyên nhân tương đối giống nhau như: Về phía người LĐ, do tình hình giá cả tăng cao, thu nhập người LĐ thấp, đời sống khó khăn nên người LĐ khiếu nại, tranh chấp, đình công đòi quyền lợi. Cũng có khi các vụ tranh chấp - đình công xảy ra do người LĐ bị một vài kẻ xấu kích động, lôi kéo, xúi giục. Về phía chủ DN, cũng còn nhiều DN chưa thực hiện đúng Luật LĐ trong việc bảo đảm quyền lợi cho người LĐ, nhất là trong các DN có vốn FDI dẫn đến người LĐ bức xúc đòi quyền lợi. Vai trò của công đoàn (CĐ) còn yếu, chưa rõ ràng, mờ nhạt do cán bộ CĐ cơ sở vẫn hưởng lương của chủ DN, nhiều DN chưa tổ chức CĐ... (khoảng 50% DN tại BD chưa có tổ chức CĐ). Một nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến đình công- tranh chấp LĐ tập thể là chủ DN và người LĐ chưa thực sự hiểu nhau, chưa có các cuộc đối thoại thẳng thắn, chưa hài hòa về lợi ích. Thực tế trên tồn tại ở cấp độ từng DN và cấp độ toàn tỉnh. Hiện phía chủ DN chưa có một tổ chức nào đứng ra làm đại diện cho DN trong các cuộc đối thoại ba bên, Luật LĐ cũng chưa đề cập vấn đề này. Ngoài ra, Luật LĐ cũng chưa cụ thể và chi tiết, chưa cập nhật kịp thời các quy định về đình công nên khi xảy ra đình công rất khó giải quyết.
Về vấn đề thiếu LĐ, năm 2010, cả BD và ĐN đều cần thêm khoảng 40.000 LĐ nhưng nguồn cung không đủ cả chất lượng và số lượng do: Thu nhập thấp nên có khá nhiều LĐ Tết vừa qua đã không trở lại làm việc, các DN tăng số lượng, tăng năng lực, mở rộng sản xuất, trình độ của LĐ VN không theo kịp nhu cầu sản xuất...
Đối thoại thẳng thắn, cởi mở
Thực tế, những vấn đề xoay quanh người LĐ với DN đang ngày càng nhiều bức xúc cần phải giải quyết. Trong đó, các bên đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng giải pháp cơ bản cần phải đẩy mạnh là hoàn chỉnh cơ chế đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa chủ DN và người LĐ. Hầu hết các vấn đề bất đồng giữa chủ DN và người LĐ đều có thể giải quyết tốt, nếu hai bên thực sự đối thoại tìm ra cách giải quyết hài hòa cho cả hai phía. Phải thành lập cho được một cơ chế đối thoại ba bên gồm đại diện DN- đại diện nhà nước- đại diện người LĐ. Tuy nhiên, hiện ở cấp TƯ, Chính phủ đã thành lập Ủy ban quan hệ LĐ gồm VCCI đại diện cộng đồng DN VN, Bộ LĐTB - XH làm đại diện cho Nhà nước, Tổng LĐLĐ VN đại diện cho người LĐ. Nhưng ở cấp tỉnh thì đang có rất nhiều tỉnh thực sự chưa có một tổ chức nào làm đại diện cho tất các DN. Do vậy, cần phải thành lập một hiệp hội DN chung toàn tỉnh - TP.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh BD cho biết hiện tỉnh BD đang có khá nhiều tổ chức đại diện các DN ngành hàng nhưng chưa có một hiệp hội chung cho tất cả các DN. Ông Sơn hoàn toàn nhất trí với giải pháp thành lập hiệp hội DN chung đại diện cho tất cả các DN trong nhiều vấn đề, trong đó có việc cùng đại diện nhà nước, đại diện người LĐ giải quyết các vụ tranh chấp LĐ... Ông Ao Văn Thinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ĐN cũng cho biết tỉnh ĐN chưa có hiệp hội DN chung, do vậy ông cũng đồng tình với giải pháp thành lập hiệp hội DN chung trong cơ chế ba bên.
Một vấn đề rất đáng quan tâm khi thành lập hiệp hội DN chung là thực tế, các vụ tranh chấp LĐ tập thể - đình công chủ yếu xảy ra trong các DN có một phần hoặc 100% vốn nước ngoài (FDI). Tuy nhiên hiện luật VN chưa cho phép DN nước ngoài tham gia các hiệp hội DN VN, vậy các DN nước ngoài làm cách nào để tham gia cơ chế đối thoại ba bên ? TS Vũ Tiến Lộc gợi ý: Sau khi thành lập hiệp hội DN chung, hiệp hội này sẽ thành lập một hội đồng thuộc ban chấp hành hiệp hội và các DN nước ngoài sẽ tham gia hội đồng này.
(Theo Phạm Nguyễn // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com