Bộ Lao động – thương binh và xã hội vừa có báo cáo về cung cầu lao động gởi Chính phủ, trong đó khẳng định sự bất cập về chính sách tiền lương khiến cho sự chênh lệch quá lớn về lương giữa các ngành, lĩnh vực.
Thông thường, tiền lương phản ánh một phần về cung cầu lao động và lương cao ở những ngành có lợi nhuận lớn và khan hiếm lao động. Nhưng trong báo cáo mới đây của bộ Lao động – thương binh và xã hội, những doanh nghiệp có mức lương cao lại là những doanh nghiệp đang hoạt động độc quyền hoặc có lợi thế ngành nhất định.
Nhờ độc quyền
Cụ thể, lương bình quân của ngành có lợi thế độc quyền là dầu khí là 12,18 triệu đồng/tháng, ngành vận tải hàng không là 13,16 triệu đồng/tháng, tài chính tín dụng là 5,26 triệu đồng/tháng, khai thác than là 3,71 triệu đồng/tháng, sản xuất điện là 3,35 triệu đồng/tháng… trong khi nhiều ngành khác có thu nhập rất thấp như nuôi trồng thuỷ sản: 1,1 triệu đồng/tháng, dệt may 1,43 triệu đồng/tháng, da giày: 1,38 triệu đồng/tháng, hoạt động tái chế 980 ngàn đồng/tháng…
Cuối năm 2008, dư luận đã ồn ào khi EVN xin Chính phủ được trích 1.002 tỉ đồng lợi nhuận vào quỹ khen thưởng phúc lợi. Điều đáng nói là khoản lợi nhuận này của một tập đoàn đang kinh doanh độc quyền như EVN có được nhờ tăng giá điện. Trong nhiều năm sản lượng điện của EVN tăng không đáng kể và không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế.
Dư luận vừa qua lại xôn xao về việc lương của tổng giám đốc tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) gần 80 triệu đồng/tháng, lương của tổng giám đốc công ty Jestar Pacific tới cả trăm triệu đồng/tháng trong khi doanh nghiệp này thua lỗ... Ở nhiều doanh nghiệp đang độc quyền và đang có những lợi thế ngành khác như dầu khí, than, hàng không… mức lương cao của những người làm ngành này chưa hẳn do năng suất lao động cao, mà do lợi thế ngành, độc quyền mang lại.
Có vấn đề
Trong thực tế, quỹ tiền lương hàng năm ở những doanh nghiệp này vẫn được bộ Lao động – thương binh và xã hội duyệt. Hai tiêu chí cơ bản để duyệt đơn giá tiền lương là tốc độ tăng lương phải thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động và lợi nhuận năm sau phải cao hơn năm trước liền kề. Nhưng ngay ở các tiêu chí xét duyệt đơn giá tiền lương cũng “có vấn đề”. Bởi năng suất lao động của những doanh nghiệp này thường được tính bằng tổng doanh thu trên tổng số lao động. Có thể số lao động của doanh nghiệp không đổi, nhưng doanh thu tăng không phải do lao động làm việc tốt hơn mà do giá bán dầu thô, giá than tăng trên thị trường thế giới, hay ở EVN, đó là việc tăng giá điện. Một nhân viên bình thường trong ngành dầu khí có mức thu nhập 12,18 triệu đồng/tháng, cao gấp gần mười lần lương của một công chức mới ra trường, gấp bốn lần một kỹ sư ngành may mặc.
Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã nhiều lần thừa nhận chưa thể giải quyết vấn đề tiền lương do lợi thế ngành và độc quyền mang lại. Có lẽ có lý do “tế nhị” ở đây. Nhưng dù sao, bộ này cũng cần nghiên cứu cách quản lý tiền lương ở những doanh nghiệp này hợp lý hơn. Việc đảm bảo nguyên tắc bình đẳng là một lẽ, quan trọng hơn là những chính sách đó sẽ ảnh hưởng lớn và có tác động tích cực tới thị trường lao động mới đang phát triển sơ khai ở nước ta.
(Theo Tây Giang/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com