![]() |
Theo các chuyên gia: Thay vì XK lao động, chúng ta nên tạo việc làm cho người lao động ngay tại VN |
Trong xu thế kinh tế ngày một phát triển, khoảng cách giữa các nền kinh tế ngày một gần thì làm thế nào để thị trường lao động phát triển tỷ lệ thuận với phát triển kinh tế là điều mà các nước đang hướng tới. Tại VN, việc xây dựng một thị trường lao động hài hoà với nền kinh tế đang được các chuyên gia tính đến, nhưng xem ra câu chuyện thị trường lao động ở VN vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Hướng mở cho thị trường lao động
Để giải quyết bài toán lao động từ nay tới năm 2020, mới đây Bộ LĐTBXH đã trình làng đề án "Phát triển thị trường lao động VN giai đoạn 2011 - 2020". Đây được coi là chìa khoá quan trọng để định hướng phát triển lao động trong những năm tới.
Đề án chia mục tiêu thành hai giai đoạn: từ 2011 - 2015, là quá trình tăng trưởng tập trung vào chuyển dịch cơ cấu lao động và mở rộng việc làm. Việc làm trong ngành nông nghiệp giảm xuống còn 40% vào năm 2015; đạt cơ cấu kỹ năng của lực lượng lao động ở mức 60% lao động qua đào tạo và 40% lao động qua đào tạo nghề vào năm; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 5%. Thời kỳ 2015 -2020 được xác định sẽ có những quá trình thay đổi về chất trong chuyển đổi việc làm, hướng tới việc làm có năng suất và hiệu quả cao hơn trong các ngành sản xuất, chế tạo, dịch vụ. Năm 2020, mục tiêu sẽ giảm việc làm trong nông nghiệp xuống còn 30%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%.
Đề án này cũng đưa ra mục tiêu tới năm 2020, sẽ giảm việc làm trong nông nghiệp xuống còn 30%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số chuyên gia đây là mục tiêu khó khả thi bởi trên thực tế hiện VN có hơn 70% lao động ở khu vực phi chính thức. Trong vòng 10 năm nữa vẫn chưa thể đạt được mục tiêu giảm số lao động khu vực này chỉ còn 40%.
Vấn đề ở đây là chúng ta không chỉ đưa ra những mục tiêu mang tính dự báo mà phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra. Hiện có hơn 70% lao động ở khu vực phi chính thức, vậy phải đào tạo như thế nào để đạt được mục tiêu 2020 số lao động khu vực này chỉ còn 40%?
Xuất hay nhập ?
Ông Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng, hội nhập quốc tế, dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN sẽ phát triển, lao động ở các nước ASEAN khác có quyền vào VN làm việc và ngược lại. Đây cũng được xem là xu hướng lao động trong những năm tới. Nếu chúng ta tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động thì chú trọng vào đẳng cấp, chất lượng lao động để được quốc tế thừa nhận. Ngược lại, xác định là nước nhập khẩu lao động thì phải có những quy định, mục đích tiếp nhận rõ ràng, cụ thể: chỉ tiếp nhận những lao động mà nền kinh tế chúng ta đang cần chứ không phải lao động mà các nước thừa.
Ở góc độ đại diện giới sử dụng lao động, ông Phùng Quang Huy - Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động trực thuộc VCCI cho rằng, về lâu dài theo quan điểm của người sử dụng lao động, cần phải tạo việc làm trên chính mảnh đất VN và phải đặt mục tiêu và lộ trình cụ thể, 2020 hoặc 2025 cho việc ngừng XK lao động. Trong kế hoạch 10 năm hoặc 20 năm phát triển không nên đặt XK lao động là mục tiêu cứu cánh, tạo nguồn thu đóng góp ngoại tệ cho đất nước. Thay vào đó nên tạo việc làm cho người lao động ở ngay trong nước. Ông Huy phân tích, trong giai đoạn khó khăn trước đây chúng ta có thể chọn giải pháp XK lao động, nhưng trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai, với một nền kinh tế phát triển, vấn đề công nghệ, quản lý lao động không còn biên giới như trước nữa. Do đó, chúng ta có thể học hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn, tác phong công nghiệp cho người lao động ngay tại VN từ các nhà đầu tư vì VN là nơi đầu tư vào. "Một nền kinh tế chỉ mạnh khi không có XK lao động. Thay vì XK lao động, chúng ta nên tạo việc làm cho người lao động ngay tại VN, đồng thời trải thảm đỏ mời các nhà môi giới đưa lao động nước ngoài vào làm việc tại VN" - ông Huy nhấn mạnh.
XK hay NK lao động vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi, tuỳ từng giai đoạn mà chúng ta có những quyết sách cụ thể. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, yếu tố chuyển dịch lao động rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển thị trường lao động. Cùng với quy định về cung cầu, tiền lương, quan hệ lao động, thì chuyển dịch lao động được coi là vấn đề mấu chốt. Hiện nay cần phải có một "nhạc trưởng" cho vấn đề nguồn nhân lực, định hướng thị trường lao động cho VN trong những năm tới. Đây mới thực sự là "chìa khoá" cho bài toán lao động trong thời gian tới.
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com