Tháng 10/2010, Tập đoàn Intel sẽ chính thức ra mắt nhà máy kiểm định và đóng gói chip trị giá 1 tỷ USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP). Theo đại diện Intel, hiện nhà máy đã có khoảng 300 nhân viên, trong đó 130 nhân viên đang được đưa đi đào tạo tại Malaysia và khoảng 50 sinh viên năm thứ 3 thuộc 5 trường đại học kỹ thuật lớn của Việt Nam được đào tạo tại Mỹ.
“Khi nhà máy hoạt động hết công suất, sẽ có khoảng 4.000 việc làm cho người Việt Nam tại nhà máy”, vị đại diện trên cho biết.
Cùng với sự xuất hiện của các tập đoàn đa quốc gia, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin đang không ngừng gia tăng. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có trên 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Với tốc độ tăng bình quân hàng năm 50%, dự báo giai đoạn 2010 - 2015, toàn Thành phố có trên 10.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ thông tin.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin tại Khu công nghệ cao TP.HCM, ông Lê Hoài Quốc, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, việc đào tạo và phát triển nhân lực trong SHTP sẽ xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp, chú trọng năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.
“Hiện SHTP đã thành lập khoa Công nghệ cao, để liên kết với các viện, trường đại học, trung tâm công nghệ cao trong và ngoài nước, nhằm đảm bảo cung ứng đủ nhân lực công nghệ cao cho doanh nghiệp đến đầu tư”, ông Quốc nói.
Theo ông Lê Việt Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Sát hạch và Hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin (VITEC), đơn vị tổ chức các kỳ thi sát hạch chứng chỉ công nghệ thông tin theo chuẩn Nhật Bản, trong tình hình phần lớn chương trình đào tạo công nghệ thông tin của các trường đại học Việt Nam chưa được chuẩn hóa, chứng chỉ quốc tế là con đường ngắn nhất để cải thiện chất lượng nhân lực công nghệ thông tin.
Từ kinh nghiệm của VITEC, ông Lê Việt Dũng cho rằng, cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin cần áp dụng các giáo trình tiên tiến của nước ngoài; chủ động đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất cho giảng dạy, đồng thời tăng cường mời các giảng viên thỉnh giảng là người từ các doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc nhập khẩu chương trình và nội dung từ các trường đại học hàng đầu thế giới cũng nên được cân nhắc. Đây là phương pháp tốt nhất để đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực và thế giới.
(Theo Quang Duy // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com