Sự suy giảm của các thị trường lao động ngoài nước khiến số lao động Việt Nam phải về nước trước hạn tăng nhanh, số hợp đồng cung ứng mới yêu cầu phải được thẩm định kỹ hơn.
![]() |
Lao động Việt Nam tập trung tại sân bay Malaysia để về nước trước hạn Ảnh:Lê Phượng |
Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, đã có 6.000 lao động phải về nước trước hạn. Dự kiến, cả năm sẽ có khoảng 10.000 lao động phải về nước sớm hơn thời hạn của hợp đồng. Những lao động này chủ yếu về từ Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông…
"Những ngành công nghiệp bị giảm thiểu và có số lao động về trước hạn nhiều nhất bao gồm sản xuất ô tô, điện tử, may mặc, xây dựng", ông Hải cho biết. Những hợp đồng cung ứng lao động cho các ngành thời thượng và có thu nhập cao ở thời kỳ kinh tế chưa suy thoái này là mục tiêu săn lùng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động nước ta. Nhưng tới nay, doanh nghiệp nào càng đưa đi nhiều lao động trong những ngành này thì số lao động phải về nước trước hạn càng tăng.
Theo ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động (VAMAS), ở những thị trường truyền thống nhận lao động nước ta hiện nay quy mô đã giảm đáng kể. Nhiều hợp đồng doanh nghiệp xuất khẩu lao động nước ta ký với các đối tác nước ngoài cũng bị đình trệ hoặc không thực hiện được. Thậm chí, những thoả thuận song phương đã ký giữa hai nhà nước cũng bị chậm tiến độ thực hiện.
Ở thời điểm này, việc giải quyết quyền lợi với lao động về nước trước hạn là thách thức đối với doanh nghiệp. Bởi vậy, bám sát vào diễn biến cụ thể ở từng thị trường rồi đưa ra cách giải quyết kịp thời nên là ưu tiên của doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã tìm cách chuyển chủ sử dụng cho người lao động ở một số thị trường được phép chuyển như Đài Loan, Malaysia, Nga… Với những trường hợp doanh nghiệp hết đơn hàng, người lao động phải nghỉ chờ việc 1 - 3 tháng, thậm chí lâu hơn, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo các doanh nghiệp sang tận nơi ăn, ở của người lao động để tìm cách giải quyết. Nếu thời gian chờ việc quá lâu, Cục yêu cầu doanh nghiệp đưa lao động về nước và giải quyết các quyền lợi của người lao động theo quy định.
Tuy nhiên, ông Trào cho rằng, thị trường lao động ngoài nước bị thu hẹp, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, nhưng vẫn còn những ngành nghề cần đến lao động nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tìm được thị trường ngách và cải thiện chất lượng lao động.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đào Công Hải cho biết thêm, một số ngành vẫn tuyển dụng lao động nước ngoài và không bị suy giảm lao động trong thời gian qua, bao gồm dịch vụ công, giúp việc gia đình, sản xuất chế biến thực phẩm.
"Lao động nước ta ra nước ngoài chủ yếu làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô sản xuất nhỏ, nên khả năng thích ứng cao, có thể sản xuất mặt hàng khác khi mặt hàng truyền thống khó tiêu thụ. Bởi vậy, người lao động làm việc trong những doanh nghiệp này ít nguy cơ mất việc hơn ở những doanh nghiệp lớn", ông Hải nhận xét.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất là khi có hợp đồng, doanh nghiệp cần đến tận nơi để kiểm tra về độ xác thực của các thông tin do đối tác cung cấp, cả về điều kiện ăn ở và tiền lương của người lao động. Khi thấy có dấu hiệu bất ổn, doanh nghiệp nên tạm dừng việc tuyển lao động, để hạn chế thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người lao động
( Theo báo Đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com