Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự án mở rộng ngõ 449 đường Ngọc Lâm (Gia Lâm): Vì sao chậm triển khai?

Tháng 9-2008, UBND quận Long Biên có quyết định cải tạo, nâng cấp ngõ 449 đường Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm). Việc nâng cấp ngõ 449 là yêu cầu cần thiết, nhằm chỉnh trang đô thị, đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thuận tiện hơn. Thế nhưng vì sao vẫn còn một số hộ dân không đồng tình…

Trong "Đơn kêu cứu" gửi báo Hànộimới, 11 hộ dân trú tại Khu tập thể Xe lửa Gia Lâm viết: "Hiện tại, lòng đường ngõ 449 đường Ngọc Lâm rộng 3,5m - đủ rộng cho phương tiện tham gia giao thông qua lại. Theo Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 15-9-2008 của UBND quận Long Biên, ngõ 449 sẽ được cải tạo, nâng cấp và mở rộng lên thành 5,5m; như vậy sẽ phải "chặt" bớt diện tích nhà của một số hộ dân, khiến chúng tôi lâm vào cảnh nhà cửa càng thêm chật chội, bí bách".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các hộ dân trên nguyên là công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Năm 1984, họ được nhà máy phân cho nửa gian nhà khung ray, diện tích là 12m2. Khu nhà này vốn là văn phòng làm việc của cán bộ, công nhân, vì vậy diện tích của các phòng chật chội, khu vệ sinh riêng không có. Do sinh sống trong căn phòng nhỏ, thiếu tiện nghi nên nhiều gia đình đã cơi nới thêm phần diện tích phía trước và sau nhà. Hiện tại, các hộ đều đã thực hiện mua nhà theo NĐ 61/CP và đã có "sổ đỏ" với diện tích nhà đất được ghi là phần diện tích nhà mà các hộ được phân ban đầu.

Ngõ 449 đường Ngọc Lâm thông ra phố Ngô Gia Khảm. Đây cũng là đường đi ra chợ tạm dốc ga và nhà ga xe lửa Gia Lâm, vì vậy nhu cầu đi lại tại ngõ 449 khá lớn. Thực hiện chỉnh trang các tuyến phố, ngõ ngách, tạo điều kiện đi lại tốt hơn cho người dân, bên cạnh việc đã hoàn thành nâng cấp các ngõ 399 và 437 đường Ngọc Lâm, UBND quận Long Biên cũng có quyết định cải tạo, nâng cấp, mở rộng ngõ 449 lên thành 5,5m. Liên quan đến dự án này, có 15 hộ gia đình sử dụng đất tại đây nằm trong diện phải GPMB, "chặt" bớt một phần nhà để mở rộng ngõ.

Phần đất cần GPMB, theo UBND phường Ngọc Lâm, nằm trong phần đất lưu không đã bị các hộ lấn chiếm. Cụ thể, qua khảo sát, UBND phường Ngọc Lâm xác định: Ngoài diện tích nhà được phân trước đây, các hộ đã lấn ra trung bình 10-20m2 đất lưu không phía trước và sau nhà, xây dựng nhà cấp 4, làm sân... Ví dụ: bà Bùi Thị Mằn được cấp 12,6m2, nhưng diện tích hiện sử dụng là 26,13m2, "dôi" ra đến 19m2; hộ bà Nguyễn Thị Thủy được cấp 12,1m2, diện tích đất hiện trạng là 31m2; "dôi" ra 18,9m2…

Để phục vụ dự án mở rộng ngõ 449, UBND phường Ngọc Lâm đã lên phương án GPMB, đồng thời ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính về đất đai (ngày 14-7-2009) đối với các hộ lấn chiếm đất; yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Thái độ kiên quyết này của phường đã "vấp" phải sự phản ứng của các hộ dân. Một số hộ dân có ý kiến: "Nếu thu hồi lại đất thì diện tích nhà ở bị thu hẹp đáng kể, điều kiện sống sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tiền hỗ trợ đền bù lại không thống nhất, nhà được 2 triệu, nhà chỉ được 800.000 đồng? Đề nghị UBND quận Long Biên, phường Ngọc Lâm xem xét, chỉ thực hiện nâng cấp ngõ mà không cần mở rộng, để khỏi phải "xén" vào nhà dân (!)".

Trước kiến nghị của người dân, UBND phường Ngọc Lâm đã tổ chức nhiều buổi tiếp, đối thoại, giải đáp thắc mắc của người dân về dự án, việc GPMB cũng như hỗ trợ đền bù GPMB. Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm cho biết: "Chúng tôi rất hiểu điều kiện khó khăn về nhà ở của các hộ dân. Vì vậy, gần đây nhất (ngày 26-8-2009), UBND phường đã họp với các hộ dân, đưa ra phương án giải quyết mới: Thu hẹp diện tích cần GPMB để giảm bớt diện tích đất phải thu hồi. Theo đó, chỉ còn có 8 hộ bị ảnh hưởng, phần đất lấy vào cũng ít hơn. Nếu các hộ dân đồng ý, chúng tôi sẽ báo cáo UBND quận Long Biên đề nghị thực hiện theo phương án này". Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết, cho đến thời điểm này, phường vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía người dân. Và cũng do vậy, dự án phục vụ ngay chính nhu cầu của người dân trong ngõ 449 và nhân dân trong khu vực vẫn chưa thể "khởi động" được.

(Bài, ảnh: Dạ Khánh // Hanoimoi Online)

  • Xử lý ô nhiễm tại các làng nghề : Đường còn dài...
  • Thanh niên VN hành động ứng phó biến đổi khí hậu
  • Hàng ngàn hộ dân xã Thạch Kim “khát” nước sạch
  • Trồng 20ha rừng ngập mặn ven biển tại Sóc Trăng
  • Luật Môi trường: Cần một hành lang pháp lý rõ ràng
  • Công trình mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Không thiếu tiền vẫn chậm
  • Thị tứ Quảng Thanh - Tầm nhìn mới
  • Đường Ngô Gia Tự - Hà Nội được mở rộng thành 48m
  • Con đường ngập lún
  • Đề xuất tăng giá nước sạch tối đa là 12.000 đồng/m3
  • Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ khởi công vào đầu năm 2010
  • Phát hành thêm 3.000 tỷ đồng trái phiếu cho KĐT mới Thủ Thiêm
  • TP.HCM: Hơn 1 triệu người dân phải mua nước giá cao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi