Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, trong đó ổn định kinh tế vĩ mô là nhóm giải pháp được đặt lên hàng đầu.
Trong năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Việt Nam đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7-7,5%, chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng không quá 7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, bội chi ngân sách nhà nước được đặt mục tiêu kiềm chế ở mức khoảng 5,35% GDP, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 40% GDP...
Trong Nghị quyết số 02 do Thủ tướng ký ban hành ngày 9/1, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện triệt để 7 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là nhóm giải pháp được đặt lên hàng đầu.
Để kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng và đảm bảo lãi suất ở mức hợp lý. Pháp luật về quản lý giá cũng cần hoàn thiện, bổ sung. Thủ tướng yêu cầu phải có biện pháp quản lý cụ thể để thực hiện đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết bằng đồng Việt Nam.
Nhằm mục tiêu kiểm soát nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan xác định các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Khâu kiểm định chất lượng hàng xuất khẩu cũng được yêu cầu coi trọng. Ngay trong quý một, các bộ ngành liên quan phải xây dựng và trình Chính phủ chương trình hành động quốc gia về phát triển sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, cũng sẽ có cơ chế khuyến khích người Việt Nam sử dụng hàng sản xuất trong nước.
Duy trì bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng ngân hàng cũng là một mục tiêu quan trọng. Ngoài nhiệm vụ cầu kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức hợp lý, Ngân hàng Nhà nước còn được yêu cầu có biện pháp điều tiết hợp lý nhằm giảm mặt bằng lãi suất kinh doanh, một mặt vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. Liên quan tới thị trường vàng, ngoại tệ, Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh vàng và thu đổi ngoại tệ trái pháp luật
Thủ tướng yêu cầu ngay trong tháng này, người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan và các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và ban hành chương trình hành động cụ thể của từng Bộ, cơ quan, địa phương. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Quốc hội thông qua; đồng thời xây dựng khung theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.
Trong năm 2010, tăng trưởng GDP năm 2010 đạt 6,78%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập siêu giảm mạnh, bằng 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho đầu tư phát triển tăng 17,1% so với năm 2009, bằng khoảng 41,9% GDP.
7 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế xã hội 2011
Thứ nhất, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể là phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường; kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; duy trì bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; tăng cường kỷ luật tài chính, phấn đấu giảm bội chi ngân sách, bảo đảm dư nợ Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, một số giải pháp cụ thể như phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng; đẩy mạnh cải cách nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp;...
Thứ ba, triển khai quy hoạch, tiếp tục nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.
Thứ tư, đảm bảo an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Thứ năm, tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng, chống tham nhũng.
Thứ bảy, tăng cường quốc phòng, an ninh , bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
(VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com